Hàng chục công trình nhà ở bán trú trường học ở huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa phải bỏ hoang vì học sinh bị cắt chế độ, không còn theo học bán trú đang gây lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Xử lý các khu bán trú này thế nào đang là vấn đề khiến các nhà quản lý giáo dục tại Thanh Hóa phải trăn trở.
Nghịch lý nhà bán trú đóng cửa, học sinh phải đi ở nhờ
Sau khi Quyết định 861/TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, nhiều xã ở huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, hàng nghìn học sinh (HS) theo học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên địa bàn cũng không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.
Một số trường chỉ còn khoảng 2/3 số HS theo học bán trú. Nhiều trường do không còn HS học bán trú, nên đã ngừng hoạt động khu ăn, nuôi bán trú và bỏ hoang công trình, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Khu bán trú của Trường PTDTBT - THCS Sơn Điện, huyện Quan Sơn được xây dựng từ năm 2013, với kinh phí hơn 5,8 tỉ đồng. Từ khi có công trình nhà ở bán trú, nhà trường luôn duy trì với khoảng hơn 100 HS tham gia ăn, ở bán trú.
Tuy nhiên, từ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều HS đang theo học tại trường đã bị cắt chế độ hỗ trợ, nên các em không đến ăn, ở bán trú tại đây. Nhiều HS hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên các em phải xin ra ngoài ở nhờ trong những nhà dân. Còn khu nhà ăn, khu ở bán trú tại trường đành phải khóa cửa, cài then và bỏ hoang.
Ông Đỗ Xuân Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Sơn Điện (Quan Sơn), cho biết: Sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, xã Sơn Điện không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước, nên có nhiều HS không thuộc diện bán trú. Vì thế, từ năm học 2021 -2022 đến nay, công trình ở bán trú của nhà trường phải bỏ không, rất lãng phí cho Nhà nước, cũng như nhà trường.
“Trước kia, xã Sơn Điện là địa phương vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, từ khi Quyết định 861/TTg có hiệu lực, thì Sơn Điện chỉ còn 2 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, là bản Xa Mang và Xuân Sơn.
Cả 2 bản này chỉ có hơn 30 HS đang theo học ở trường, là những em thuộc diện được hưởng chế độ bán trú. Số HS còn lại của nhà trường (gần 300 em) đều không còn diện hưởng chế độ bán trú. Vì vậy, các em không vào khu ký túc xá, mà hằng ngày được bố, mẹ thuê xe đưa đón đến trường”, ông Thịnh cho hay.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trước kia, nhiều HS ở lại bán trú học tập rất tốt, do có sự quán xuyến của giáo viên cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, giờ đây HS không được ở trong ký túc xá, mà phải đi về trong ngày.
Trong khi đó, nhiều em do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm ăn xa, gửi con ở nhà cho ông, bà nội, ngoại chăm sóc... Vì thế, việc học tập của các em không được chăm lo như ở ký túc xá bán trú nhà trường, cũng là điều dễ hiểu.
Ông Cao Văn Vinh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Trung Xuân (Quan Sơn) - cho biết: Trước kia, khu bán trú của nhà trường có 68 HS (cả cấp 1 và cấp 2) ăn, ở để lên lớp hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi xã Trung Xuân ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, thì nhà trường không còn HS ở bán trú.
Nhà trường cũng họp bàn với chính quyền xã, kêu gọi phụ huynh của HS đóng góp, để tổ chức ăn bán trú bữa trưa cho các em ở xa. Tuy nhiên, phụ huynh của HS không tham gia đóng góp, mà tự thuê xe, hoặc đưa đón con đến trường hằng ngày.
“Chuẩn bị năm học mới, nhà trường đang vận động phụ huynh của HS ở các bản xa đóng góp kinh phí, để tổ chức ăn bán trú buổi trưa cho các em tại trường. Đến buổi chiều, giáo viên có điều kiện kèm cặp, dạy dỗ cho HS, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu làm được như vậy, thì khu bán trú của HS sẽ bớt bị lãng phí vì bỏ không. Tuy nhiên, có thực hiện được hay không, còn phải phụ thuộc vào phụ huynh của HS”, ông Vinh nói.
Bữa ăn của học sinh bán trú, Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa). |
Lãng phí hàng chục tỉ đồng
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, huyện Quan Sơn có 10 trường phổ thông nuôi ăn bán trú cho HS tiểu học và THCS. Hiện nay, có 5 trường PTDTBT - THCS ở các xã: Trung Xuân, Trung Hạ, Sơn Hà, Tam Lư, Sơn Điện là những trường không còn HS bán trú. Vì vậy, những công trình nhà ở bán trú của các trường này đang bỏ hoang.
Ngoài ra, có một số trường bị giảm đi gần 2/3 số HS bán trú, nên phải bỏ không một phần công trình nuôi ăn bán trú. Việc này, gây lãng phí nguồn lực đầu tư tại vùng biên giới khó khăn này hàng chục tỉ đồng.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn - cho hay: Mặc dù, nhiều xã trong huyện đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng thực tế cuộc sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. Đặc biệt, những HS ở các bản sâu, xa nhưng lại không còn thuộc diện được hỗ trợ bán trú, nên phải đi về trong ngày. Do đó, việc duy trì sĩ số của các trường không còn đều như trước kia. Nhiều gia đình cũng thực sự chưa quan tâm đến việc học tập của con, em mình, mà “thả lỏng” cho các em muốn học hay chơi là tùy HS.
“Trước kia, khi mô hình bán trú đang hoạt động đều đặn ở các nhà trường, thì HS được giáo viên quan tâm, quán xuyến cả ngày lẫn đêm. Hằng ngày, HS được ăn, ngủ, học tập theo giờ giấc quy định. Ban ngày, các em lên lớp đầy đủ, ban đêm phải tập trung lên hội trường hoặc lớp học để học tập trung. Khi HS được rèn luyện, được quản lý giờ giấc khoa học, thì chất lượng giáo dục sẽ nâng lên, cha mẹ của các em cũng yên tâm hơn”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, không chỉ các thầy, cô giáo mà người dân ở các xã bị điều chỉnh theo Quyết định 861/TTg rất mong muốn Nhà nước quan tâm đến chế độ cho HS được hỗ trợ trở lại chế độ ăn, ở bán trú, để các em có điều kiện được ăn, học tại trường như trước kia.
Ông Chu Đình Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn - cho biết, những năm qua, mô hình nuôi ăn bán trú trong trường học tại huyện Quan Sơn đã đem lại hiệu quả rất tốt. HS được hưởng chế độ của Nhà nước, ăn, ngủ tại trường hằng ngày, nên chất lượng giáo dục nâng lên. Tình trạng HS bỏ học giữa chừng không còn.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học không còn chế độ bán trú hoặc chỉ còn số ít HS thuộc diện hưởng bán trú, đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đặc biệt, tình trạng các công trình nhà ở bán trú dành cho học sinh được đầu tư khá nhiều tiền, thì nay trở nên lãng phí.
Hiện tại, chính quyền địa phương cũng chưa có hướng chỉ đạo xử lý cũng như có phương án chỉ đạo các nhà trường chuyển nhà bán trú sang công năng sử dụng khác. Bởi, thiết kế của những khu nhà bán trú không thể chuyển sang phòng học được.
“Tạm thời, huyện đang chờ chỉ đạo chung của tỉnh, vì thực ra còn nhiều địa phương vùng cao, biên giới cùng chung tình trạng này. Mặc dù, biết rằng bỏ không những công trình bán trú cho học sinh như vậy là rất lãng phí. Vì, mỗi công trình như vậy, thì chi phí đầu tư xây dựng cũng phải vài tỷ đồng, mà hiện nay ở Quan Sơn có đến cả chục công trình như vậy”, ông Trọng chia sẻ.