Ngành Giáo dục Ninh Bình thi đua đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy

GD&TĐ - Ninh Bình tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển toàn diện năng lực học sinh.

Một tiết học tại Trường THCS Trần Bích San.
Một tiết học tại Trường THCS Trần Bích San.

Hưởng ứng phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy, khuyến khích áp dụng phương pháp mới và công nghệ hiện đại, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác giáo dục.

Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Xác định đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy chất lượng giáo dục, các trường học trong toàn tỉnh đã cụ thể hóa phong trào thi đua bằng những hành động thiết thực, trong đó nổi bật là việc lấy học sinh làm trung tâm và hướng đến phát triển năng lực toàn diện cho người học.

z6849171476552-3b102603e87ebbe52c9715d6572a9b4c.jpg
Học sinh trường THCS Trần Bích San thi hùng biện Tiếng Anh với học sinh các nước trên thế giới.

Tại Trường THCS Trần Bích San (Nam Định, Ninh Bình), các tổ chuyên môn tích cực áp dụng công nghệ vào giảng dạy như sử dụng phần mềm Quizizz, Canva, Padlet… kết hợp sơ đồ tư duy nhằm tăng tính tương tác, sinh động và hiệu quả trong giờ học. Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, chúng tôi không ngừng đổi mới để mỗi tiết học không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm.

Không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường còn tổ chức “Tuần lễ đổi mới sáng tạo trong giảng dạy” – một sân chơi chuyên môn khơi gợi sự sáng tạo của giáo viên và lan tỏa tinh thần học hỏi trong toàn trường. Tiết học STEM “Hình thang cân” của cô Vũ Thị Châu Loan là một minh chứng sinh động. Học sinh không chỉ tiếp cận kiến thức hình học một cách trực quan mà còn tự tay thiết kế mô hình thực tế như cầu, nhà, biển báo giao thông… từ vật liệu tái chế. “Khi học sinh được tự làm sản phẩm, kiến thức trở nên gần gũi và dễ tiếp thu hơn nhiều”, cô Loan cho biết.

Trường THCS Lê Quý Đôn (Ý Yên, Ninh Bình) cũng triển khai hiệu quả các mô hình dạy học tích cực. Năm học vừa qua, tổ Khoa học xã hội của trường đã xây dựng và áp dụng thành công chuyên đề “Liên môn Địa – Sử – GDCD theo hướng phát triển phẩm chất công dân số”, tạo hứng thú học tập và khơi dậy khả năng phản biện, thuyết trình của học sinh. Cô Đào Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ, chúng tôi hướng đến việc biến mỗi tiết học thành một trải nghiệm, nơi học sinh chủ động khám phá và hình thành quan điểm cá nhân.

Từ đổi mới sáng tạo đến hiệu quả bền vững

Trường THCS Trần Đăng Ninh (Nam Định, Ninh Bình) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các sáng kiến đổi mới. Tiêu biểu là mô hình “Phiên tòa giả định” trong giảng dạy môn Ngữ văn – một cách làm sáng tạo giúp học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống xã hội, từ đó phát triển kỹ năng tranh biện, phản biện và tư duy pháp lý. Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng thông tin, chúng tôi luôn tạo điều kiện để giáo viên mạnh dạn sáng tạo. Chỉ khi giáo viên thật sự đổi mới, học sinh mới có cơ hội tiếp cận tri thức một cách sâu sắc, phù hợp với thời đại số.

Không chỉ dừng lại ở mô hình dạy học mới, Trường THCS Trần Đăng Ninh còn nổi bật với việc đẩy mạnh ứng dụng thiết bị dạy học số (TBDHS) do chính giáo viên trong trường thiết kế và phát triển. Các phần mềm này giúp khai thác nội dung bài học một cách trực quan, linh hoạt, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt phù hợp trong bối cảnh thiết bị truyền thống còn hạn chế.

z5944845357924-613c0a9378462b59a0ddc5bdbbeb2df2.jpg
Một tiết học nhóm tại Trường THCS Lê Quý Đôn.

Cùng với đó, Trường THCS Trần Bích San cũng ghi dấu ấn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa vào dạy học. Nhiều sản phẩm sáng tạo do giáo viên tự thiết kế không chỉ đạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia mà còn được triển khai hiệu quả trong thực tiễn giảng dạy. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm của nhà trường cũng được đánh giá cao, góp phần lan tỏa mô hình đổi mới đến nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình nhấn mạnh, phong trào đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy đã và đang trở thành động lực mạnh mẽ để đội ngũ giáo viên phát huy trí tuệ, tâm huyết và cùng chung tay nâng cao chất lượng giáo dục. Đây không chỉ là hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua mà còn là quá trình chuẩn bị quan trọng để toàn ngành thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tinh thần đổi mới, sáng tạo trong thi đua dạy học không còn là hoạt động mang tính phong trào, mà đang dần trở thành một phần văn hóa sư phạm trong mỗi nhà trường tại Ninh Bình. Từ những tiết học được thiết kế hấp dẫn, các mô hình tích hợp hiệu quả, đến những sáng kiến chuyên môn và thiết bị dạy học số được ứng dụng thực tiễn, ngành Giáo dục Ninh Bình đang từng bước kiến tạo một môi trường học tập hiện đại, giàu tính nhân văn và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ