Nam sinh viên được công an cứu khỏi bẫy lừa đảo “bắt cóc online”

GD&TĐ - Ngày 28/7, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an phường Ba  Đình vừa kịp thời cứu một nam sinh viên khỏi bẫy lừa đảo “bắt cóc online"...

Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với lừa đảo online (Ảnh minh họa).
Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với lừa đảo online (Ảnh minh họa).

Trước đó (tối 27/7), Công an phường Ba Đình nhận được đơn trình báo của anh M (trú tại phường Ba Đình, Hà Nội) về việc có nhận được điện thoại của người lạ thông báo con trai anh là cháu T (SN 2007; sinh viên đại học năm thứ nhất) bị bắt cóc và yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu đồng để chuộc về.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Chỉ huy Công an phường Ba Đình đã khẩn trương huy động lực lượng điều tra, xác minh vụ việc. Đến khoảng 22h cùng ngày, Công an phường Ba Đình đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự tìm được cháu T tại một khách sạn cách nhà khoảng 1 km.

Qua trao đổi, cháu T cho biết, chiều ngày 26/7, cháu có nhận được 01 người lạ gọi nói có liên quan đến đường dây rửa tiền và yêu cầu tải ứng dụng “ZOOM WORKPLACE”. Sau khi vào ứng dụng, cháu T thấy 1 người mặc trang phục Cảnh sát thông báo T liên quan đến đường dây rửa tiền tại TP HCM và yêu cầu phải chứng minh mình vô tội.

Sáng 27/7, nhóm tự xưng công an này tiếp tục gọi điện yêu cầu T ra một khách sạn để làm việc và không được liên lạc với bất kỳ ai, đồng thời yêu cầu T phải soạn 1 tin nhắn gửi cho bố mẹ để chuyển 250 triệu đồng. Do quá lo sợ, T đã làm theo yêu cầu của nhóm người giả danh trên. Khi được cán bộ Công an phường Ba Đình giải thích về thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo, cháu T đã bình tĩnh lại.

Trước tình trạng trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra.

Nhà trường cũng cần thường xuyên đẩy mạnh, tuyên truyền cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức phòng chống lừa đảo. Đặc biệt là các học sinh, sinh viên, người trẻ cần tự trang bị cho mình kỹ năng nhận diện chiêu trò lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ