Chờ giải pháp dài hơi cho trường bán trú

GD&TĐ - Những năm qua, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã khẳng định tính phù hợp, thúc đẩy phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn.

Giờ hoạt động tập thể của học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lống 2, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Giờ hoạt động tập thể của học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lống 2, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều trường học, địa phương còn gặp khó khăn. Để mở rộng quy mô và phát triển mô hình này, cần có giải pháp dài hơi, sự quan tâm đồng bộ của các cấp ngành cũng như quyết sách phù hợp với từng địa phương.

Thầy Mạc Văn Toại (Giáo viên lớp ghép 4+5, điểm trường thôn Ia Đơr, Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum): Mong học sinh có chỗ ăn, ở bán trú

Thầy Mạc Văn Toại.

Thầy Mạc Văn Toại.

Ở huyện biên giới Ia H’Drai, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, sửa chữa khang trang, thế nhưng, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đường sá còn nhiều cách trở, mùa mưa thì lầy lội và bụi mù mịt khi nắng lên.

Mặc dù học ở điểm trường thôn, nhưng nhà một số em vẫn cách trường khoảng 6km nên việc học 2 buổi/ngày rất vất vả. Bởi, phụ huynh đi làm cả ngày nên không có thời gian đưa đón con em đến trường. Không những vậy, đường xa, nhiều em còn nhỏ nên không thể tự nấu ăn hoặc trưa đi về nhà rồi chiều lại tiếp tục ra lớp.

Hiện Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành không phải trường bán trú nên học sinh không có chỗ ăn, ở lại. Chính vì vậy, những em nhà xa phải mang theo cơm vào buổi trưa và nghỉ tạm tại lớp. Tuy nhiên, bữa trưa của một số em còn sơ sài, không đủ dưỡng chất nên giáo viên bán trú cùng nhau chia sẻ thức ăn để trò được no bụng.

Tôi mong được công nhận là trường dân tộc bán trú. Khi đó, đơn vị sẽ chủ động tổ chức nấu ăn, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh; có chỗ ăn, ở đàng hoàng chứ không phải tạm bợ như hiện nay. Không những thế nếu trở thành trường bán trú, giáo viên sẽ được nhận một phần hỗ trợ, từ đó động viên tinh thần thầy, cô và đảm bảo công tác dạy học.

Là giáo viên kiêm nhiệm thêm chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ia Đơr (xã Ia Tơi), tôi có điều kiện tiếp xúc, chia sẻ nguyện vọng nhiều hơn với phụ huynh học sinh. Toàn thôn Ia Đơr có 121 hộ với khoảng 300 nhân khẩu, đa số là người dân tộc thiểu số. Qua nắm bắt, nhiều người có tâm tư, mong ngôi trường con mình theo học được công nhận là trường dân tộc bán trú. Từ đó, con em họ sẽ được giáo viên, nhà trường hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Thế nhưng, theo lộ trình thời gian tới xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nên nhiều chế độ của học sinh bị cắt giảm. Chính vì vậy, nếu trường dân tộc bán trú chỉ duy trì được một thời gian ngắn đến khi thôn, xã thoát nghèo sẽ gây lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa được đầu tư. Do đó, nếu có chính sách đặc thù, quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên, học sinh ở huyện vùng biên thì vô cùng ý nghĩa.

Ông Phạm Viết Phúc (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An): Sớm công nhận trường PTDTBT khi đủ điều kiện

Ông Phạm Viết Phúc.

Ông Phạm Viết Phúc.

Kỳ Sơn là huyện vùng cao biên giới khó khăn bậc nhất tỉnh Nghệ An, 95,8% bà con là người tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hoa… Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 72 trường, trong đó có 28 trường phổ thông dân tộc bán trú. Bao gồm 11 trường tiểu học, 12 trường THCS, 4 trường tiểu học và trung học cơ sở, 1 trường THPT với hơn 8.000 học sinh hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Bên cạnh đó, có 18 trường tổ chức cho học sinh ăn, ở bán trú tập trung tại điểm trường chính nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT.

Việc thành lập các trường PTDTBT ở cấp tiểu học gặp nhiều khó khăn, triển khai chậm hơn ở cấp THCS. Trong khi đây là việc cấp thiết để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Theo đó, Ngoại ngữ và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3. Việc bố trí giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đủ cho tất cả điểm trường lẻ rất khó khăn. Vậy nên cần tổ chức sắp xếp, dồn dịch lại các điểm trường lẻ. Điều này cũng góp phần tiết kiệm được biên chế, ngân sách cho Nhà nước, có thêm nguồn lực tập trung đầu tư cho các điểm trường chính.

Hiện nay, học sinh DTBT được Nhà nước hỗ trợ chi phí, nhà trường bố trí ăn nghỉ tại trường, giảm gánh nặng cho bố mẹ. Học sinh, ngoài học tập, còn được giáo dục kỹ năng sống, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tự lập…, có nền tảng vững chắc khi học lên cấp học cao hơn. Do đó, việc tổ chức theo mô hình bán trú tạo điều kiện để các em được học tập tốt nhất, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục.

Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận là trường phổ thông DTBT. Vì vậy, giáo viên, nhân viên phải dạy học, làm việc, chăm sóc quản lý học sinh như các trường bán trú nhưng lại chưa có chế độ chính sách tương ứng.

Xuất phát từ thực tế, cũng như nhu cầu chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục vẫn quyết tâm thực hiện thí điểm và từng bước làm hồ sơ gửi các cấp chính quyền công nhận trường PTDTBT trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, Kỳ Sơn đã xóa được 22 điểm bản. Từ năm học 2020 - 2021, huyện có 3 đơn vị đưa tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 về học tại cơ sở chính, xóa hoàn toàn điểm trường lẻ; 30 đơn vị đưa tất cả học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về học tại điểm trường chính.

Đồng thời thường xuyên tổ chức hội thảo cấp tỉnh về mô hình trường bán trú để các trường được học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Phòng GD&ĐT cũng xây dựng, tham mưu UBND huyện ra Quyết định về Kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018; Đề án dạy học Ngoại ngữ, Tin học… Bên cạnh đó, rà soát các điểm trường lẻ, cơ sở vật chất để xây dựng kế hoạch sáp nhập các điểm trường theo lộ trình.

Trong thời gian tới, tôi đề xuất cấp trên sớm có quyết định công nhận trường PTDTBT khi đã đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và bố trí định biên để nhà trường hoạt động hiệu quả. Đặc biệt bố trí thêm định biên nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Ông Bùi Đình Long (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An): Tham mưu HĐND tỉnh ra Nghị quyết phù hợp thực tế địa phương

Ông Bùi Đình Long.

Ông Bùi Đình Long.

Những năm qua, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú hoạt động hiệu quả đã khẳng định được tính ưu việt, phù hợp và thúc đẩy phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhất là với Nghệ An - địa phương rộng nhất cả nước, chiếm tới 83% diện tích miền núi, có nhiều xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, thực tế triển khai và nhân rộng mô hình trường phổ thông bán trú đang gặp một số khó khăn về cơ chế chính sách cho giáo viên, học sinh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình này, Sở GD&ĐT trong thời gian tới cần rà soát lại các văn bản của Trung ương để vận hành, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên. Đồng thời tăng cường tư vấn, chỉ đạo, phối hợp với các huyện tìm hiểu nguyên nhân đưa ra giải pháp để tiếp tục giảm điểm trường lẻ và tăng độ phủ của trường bán trú.

Các địa phương (cấp huyện) tiếp tục sắp xếp để sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, dồn dịch điểm trường lẻ gắn với mô hình trường PTDTBT. Khi lập kế hoạch thực hiện, cần gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, lộ tình thoát nghèo của từng thôn, bản để đảm bảo tính lâu dài, không làm ảnh hưởng chế độ và việc học của học sinh.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ có chất lượng các chế độ cho học sinh, giáo viên. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ đầy đủ, kịp thời, không bị lạm dụng, bớt xén. Các trường miền núi học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị làm tốt, ưu tiên cơ sở vật chất đáp ứng tối thiểu điều kiện sinh hoạt bán trú cho học sinh.

Các địa phương cũng cần ưu tiên bố trí đội ngũ, tăng định mức giáo viên cho trường này đảm bảo theo quy định. Tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí, lồng ghép chương trình dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đơn vị thực hiện mô hình trường PTDTBT kiểu mới tích cực chủ động vận động nguồn lực xã hội, tranh thủ tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài.

Sở GD&ĐT, các địa phương và ban, ngành liên quan cần rà soát tổng hợp những vướng mắc, bất cập để tham mưu trình HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết. Trong đó lồng ghép vào Nghị quyết ban hành chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên cho trường có học sinh bán trú; bổ sung định mức nhân viên nấu ăn cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời xây dựng chính sách địa phương, tham mưu xây dựng mô hình bán trú kiểu mới đối với trường THPT.

Thầy Tạ Mạnh Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sì Lở Lầu huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu): Không thể gồng gánh mãi

Thầy Tạ Mạnh Hùng.

Thầy Tạ Mạnh Hùng.

Năm học này, Trường THCS Sì Lở Lầu có 12 lớp với tổng số 447 học sinh. Trong đó, có 95 học sinh thuộc diện bán trú được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116. Hiện trường có 16 giáo viên, so với định mức giao còn thiếu 8 biên chế. Thiếu giáo viên khiến hầu hết thầy cô trong trường phải giảng dạy quá số tiết so với định mức. Ngay cả thành viên ban giám hiệu cũng phải đứng lớp vượt định mức.

Vất vả là vậy nhưng nhà trường lại phải “gánh” thêm nhiệm vụ nữa là chăm lo cho học sinh bán trú. Nhà trường và các tổ trưởng lên kế hoach chi tiết để phân bổ giáo viên vừa dạy học vừa làm công tác bán trú. Xây dựng quy chế phù hợp với điều kiện của nhà trường và từng bộ phận; phân công công việc rõ ràng, cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân một cách hợp lý. Cùng với đó, quan tâm động viên, kiểm tra nhắc nhở, đánh giá công việc của từng bộ phận, cá nhân theo kế hoạch phân công.

Thực hiện những công việc hằng ngày như một trường bán trú nhưng giáo viên ở Trường THCS Sì Lở Lầu lại không nhận được bất cứ chế độ nào cho công tác này. Dù vậy, tất cả thầy cô trong trường đều xác định rõ phải hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và quản lý học sinh như trường PTDTBT. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm động viên chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, ban, ngành để giáo viên có thêm động lực hoàn thành công việc tốt hơn. Học sinh được chăm sóc tốt hơn.

Tính đến năm 2023, Nghệ An có 8 trường PTDTNT; 62 trường PTDTBT; 56 trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT theo Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT. Nhờ thực hiện mô hình trường PT DTBT, các địa phương đã sắp xếp sáp nhập, dồn dịch điểm trường. Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, 6 huyện núi cao Nghệ An đã giảm được 11 trường, 283 điểm trường, 523 lớp, trong khi học sinh tăng 14.320. Qua đó góp phần thực hiện tinh giản biên chế, tiết kiệm giáo viên cũng như ngân sách trả lương cho Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.