Ngày 28/7, đại diện Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, mới đây cơ sở y tế này đã tiếp nhận và xử trí kịp thời cho người đàn ông tên H.H.T (39 tuổi trú tại Hy Cương, Phú Thọ) bị sốc phản vệ do côn trùng đốt.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 1h trước khi nhập viện, anh T. bị kiến cắn vào tay và chân.
Ban đầu, chỉ xuất hiện vài nốt sẩn đỏ và cảm giác ngứa lan khắp người.
Tuy nhiên, sau đó, tình trạng đột ngột chuyển nặng, người bệnh cảm thấy tức ngực, khó thở, nghẹn ở cổ, hoa mắt, chóng mặt.
Gia đình đưa bệnh nhân tới Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn để cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, các bác sĩ Trung tâm nhanh chóng nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3.
Ngay lập tức, các phương pháp cấp cứu khẩn trương được triển khai.
Sau xử trí, người bệnh đã thoát tình trạng sốc, các chỉ số sinh tồn và huyết động dần ổn định.
Nhờ phát hiện sớm và xử lý kịp thời, anh T. hồi phục nhanh chóng, không gặp biến chứng nguy hiểm.
Đến nay, bệnh nhân đã xuất viện an toàn sau vài ngày điều trị và theo dõi.
Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh hy hữu bị sốc phản vệ do kiến đốt. Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.
Các phản ứng có thể rất khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên (như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm…), người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.