Bộ trưởng Ngoại giao Áo Beate Meinl-Reisinger cho biết, nước này sẵn sàng thảo luận về khả năng gia nhập NATO và xem xét lại vị thế trung lập của mình do tình hình quốc tế căng thẳng.
Theo bà Meinl-Reisinger, tính trung lập, được ghi nhận trong hiến pháp Áo từ năm 1955, không thể tự nó đảm bảo an ninh cho đất nước trong bối cảnh chính trị toàn cầu ngày càng bất ổn.
"Rõ ràng chỉ trung lập thôi sẽ không bảo vệ được chúng ta. Áo cần được bảo vệ nhờ các khoản đầu tư vào năng lực quốc phòng và quan hệ đối tác", bà Meinl-Reisinger nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Áo lưu ý rằng cuộc thảo luận về tư cách thành viên NATO có thể "rất hiệu quả", mặc dù hiện tại không có đa số trong quốc hội hoặc dân chúng ủng hộ động thái này.
Áo tuyên bố trung lập vĩnh viễn vào năm 1955 sau khi quân đội đồng minh, bao gồm cả Liên Xô rút lui, cho phép nước này giành lại độc lập. Mặc dù Áo không phải là thành viên NATO, nhưng họ vẫn gắn kết với liên minh này thông qua chương trình Đối tác vì Hòa bình.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Áo đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt tại một quốc gia mà tính trung lập theo truyền thống được coi là một phần quan trọng của bản sắc dân tộc.

Trong diễn biến khác, theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn More in Common, 65% công dân Anh coi Nga là nguy cơ chính đối với đất nước họ, Iran đứng thứ hai (51%) và Trung Quốc đứng thứ ba (33%).
Cuộc khảo sát, nhiều người Anh trả lời coi Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ là những quốc gia đang gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, trong khi Vương quốc Anh bị xem là đang dần mất đi vị thế trên trường quốc tế.