Thực trạng bảo đảm an toàn trường học và giải pháp cho năm học 2025-2026

GD&TĐ - Nội dung về bảo đảm an toàn trường học: Thực trạng và giải pháp cho năm học 2025-2026 được báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2025.

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025. Ảnh: Minh Cương.
Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025. Ảnh: Minh Cương.

Bạo lực học đường: Giảm số vụ việc và mức độ nghiêm trọng

Về bạo lực học đường, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên thông tin: Với sự chung tay vào cuộc từ trung ương đến địa phương và nhà trường công tác phòng chống bạo lực học đường đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

So với năm học 2022 - 2023, số vụ bạo lực học đường xảy ra trong năm học 2023 - 2024 đã giảm 20,6%; số học sinh có liên quan giảm 24,2% (số học sinh nữ có liên quan giảm 29,4%; số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường giảm 27,9%).

Cụ thể, trong năm học 2023-2024, cả nước xảy ra 466 vụ, 1.453 học sinh liên quan (509 học sinh nữ, 235 học sinh bị tổn hại thể chất; 222 học sinh bị tổn hại tinh thần; 1.791 học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường).

Những con số gần đây cho thấy, so với trước đây, số vụ việc và mức độ nghiêm trọng đã có xu hướng giảm, phản ánh phần nào hiệu quả bước đầu của các giải pháp đã triển khai.

Riêng hiện tượng bắt nạt trên môi trường mạng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận 28 trường hợp. Con số thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều do hành vi này diễn ra âm thầm, khó phát hiện, khó can thiệp. Bắt nạt trên môi trường mạng gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng và kéo dài, khiến trường học mất đi vai trò là nơi an toàn để học sinh trở về.

Còn nhiều học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông

Về công tác bảo đảm an toàn giao thông, ông Hoàng Đức Minh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 21/12/2023 đến 21/12/2024 vẫn xảy ra 4.111 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, chiếm 17,45% tổng số vụ tai nạn giao thông toàn quốc.

Ngoài ra, trong năm học, có 365 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông bị xử lý.

Các hành vi vi phạm phổ biến gồm: không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ…

Những số liệu trên cho thấy việc thay đổi hành vi còn chậm, chưa bền vững và việc tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường vẫn cần được duy trì thường xuyên, liên tục, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, sinh viên.

mo-che-atgt.jpg

Chỉ 33,75% học sinh biết bơi, khoảng 8,6% trường học có bể bơi

Đối với tai nạn thương tích và đuối nước, mỗi năm nước ta có khoảng 700 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ đạt 33,75% và mới chỉ có khoảng 8,6% trường học có bể bơi.

Việc dạy bơi chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa, thiếu hệ thống tài liệu chuẩn và giáo viên được cấp chứng chỉ.

Trong năm học 2024-2025, 100% Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch hoặc văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.

Các đơn vị đã sử dụng hiệu quả các tài liệu hướng dẫn do Bộ GD&ĐT ban hành, lồng ghép nội dung vào hoạt động giáo dục phù hợp với từng cấp học.

Nhiều địa phương đã chú trọng đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy bơi. 100% Sở GD&ĐT cử giáo viên cốt cán tham dự lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức, đồng thời phối hợp với ngành văn hóa - thể thao tổ chức tập huấn diện rộng, cấp chứng nhận cho giáo viên thể chất các trường phổ thông trên địa bàn.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai Quyết định 1717/QĐ-TTg tại một số địa phương còn chậm. Đến cuối năm học 2024-2025, mới có 30% tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch triển khai, chỉ có 4 Sở GD&ĐT trực tiếp ban hành kế hoạch triển khai. Việc thực hiện chế độ thường xuyên và báo cáo đột xuất về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước chưa đầy đủ.

Ngộ độc thực phẩm chủ yếu do suất ăn ngoài, thực phẩm quanh cổng trường

Trong năm học 2024-2025, các Sở GD&ĐT đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường. Việc giáo dục dinh dưỡng được lồng ghép vào các môn học và hoạt động ngoại khóa từ mầm non đến đại học.

Nhiều cơ sở giáo dục đã áp dụng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng, với khoảng 4.500 trường tiểu học sử dụng thường xuyên. Các bữa ăn bán trú được chú trọng cân đối dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy trình.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2025 vẫn xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 58 học sinh bị ảnh hưởng, chủ yếu do suất ăn bên ngoài hoặc thực phẩm không đảm bảo quanh cổng trường.

Công tác tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn còn nhiều khó khăn do thiếu tiêu chuẩn và quy định cụ thể trong văn bản pháp luật.

133917527008792734-anh-5.jpg

Vẫn hiện hữu học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng

Tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử và ma túy: Theo số liệu khảo sát do Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện, tỷ lệ học sinh 13-15 tuổi từng sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ sinh sử dụng đạt 4,3%, cho thấy xu hướng này không còn là đặc trưng giới tính mà đã lan rộng trong học đường.

Nguyên nhân chủ yếu do học sinh tiếp cận sản phẩm dễ dàng qua mạng xã hội và các cửa hàng gần trường.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, gắn với xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, không khói thuốc.

100% Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn, nhiều địa phương ban hành kế hoạch riêng và chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá tại các cơ sở giáo dục.

Các hoạt động tuyên truyền, thi tìm hiểu, mô hình “Trường học không khói thuốc” được triển khai linh hoạt, lồng ghép vào giờ chào cờ, tiết học, phòng tư vấn học đường. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 173/2024/QH15 cấm thuốc lá điện tử, các trường đã yêu cầu học sinh cam kết không sử dụng, đồng thời tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông về nội dung này.

Những con số biết nói như trên phản ánh rằng: dù ngành Giáo dục đã rất nỗ lực, nhưng những rủi ro đe dọa đến sự an toàn, phát triển lành mạnh của học sinh vẫn còn hiện hữu ở mọi cấp học, vùng miền và hình thức đào tạo.

Giải pháp cho năm học 2025-2026

Nguyên nhân của những tồn tại, theo ông Hoàng Đức Minh, là do hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, còn bất cập; năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý còn hạn chế; hệ thống y tế trường học, tư vấn tâm lý chưa được đầu tư tương xứng; công tác truyền thông chưa đủ hấp dẫn, phong phú, hiệu quả.

Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của ngành Giáo dục, mà là hệ quả của nhiều yếu tố từ gia đình, xã hội, môi trường văn hóa - truyền thông đến sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi. Hiện nay, ở một số nơi, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả.

Các nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất để khắc phục những tồn tại trên như sau:

Thứ nhất, từng bước thiết lập hệ thống pháp lý đủ mạnh, từ Luật Giáo dục đến Luật Nhà giáo; đang triển khai quy tắc ứng xử trên môi trường mạng, xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn - không thuốc lá - không bạo lực.

Tăng cường phối hợp với các Bộ: Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xử lý và gỡ bỏ những yếu tố độc hại ảnh hưởng đến học sinh như phim ảnh phản cảm, trò chơi bạo lực, các trào lưu nguy hại trên mạng xã hội. Đồng thời, giáo viên, cán bộ nhà trường chịu trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra bạo lực học đường, như tinh thần của Luật Nhà giáo vừa được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, tiếp tục coi trọng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên thông qua đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về mô hình chính quyền hai cấp, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới; đẩy mạnh tuyên truyền Đại hội XIV của Đảng nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn ngành.

Tăng cường sử dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, xây dựng công cụ đánh giá hiệu quả giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống; chỉ đạo xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học gắn với xây dựng phẩm chất, phong cách học sinh, sinh viên và thương hiệu nhà trường; phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm hại học sinh, sinh viên trên môi trường mạng.

Phát triển mạng lưới cộng tác viên giáo dục trong cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của xã hội vào công tác giáo dục học sinh, sinh viên. Tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, Hội trong giáo dục lý tưởng.

Thứ ba, tiếp tục hướng dẫn và tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục kỹ năng, công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh, sinh viên. Tăng cường giáo dục kỹ năng, ứng xử, giải quyết tình huống; bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giáo dục tích cực, hỗ trợ tâm lý; nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn học đường. Đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội thông qua hoàn thiện chính sách, xây dựng tiêu chí đánh giá, ứng dụng chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng phối hợp cho các bên liên quan.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý, hỗ trợ người học theo hướng hiện đại, toàn diện và hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ người học; xây dựng dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật, bảo đảm đầy đủ quyền lợi người học; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035” phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong toàn ngành.

Thứ năm, triển khai hiệu quả các kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm), tai nạn thương tích, đuối nước, rượu bia và thuốc lá trong trường học.

Tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, ma túy, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong trường học.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước; tổ chức các chương trình an toàn giao thông phù hợp với từng cấp học. Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tập huấn, diễn tập kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phát triển chương trình dạy bơi an toàn và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về thuốc lá, rượu bia trong nhà trường.

Thứ sáu, tăng cường chuyển đổi số góp phần: cung cấp thông tin, bản đồ số về công tác bảo đảm trường học an toàn nhằm đánh giá sàng lọc phát hiện, dự báo sớm cho địa phương, nhà trường nguy cơ mất an toàn trường học, bạo lực, tổn thương sức khỏe tâm thần...; khai thác hiệu quả tài liệu kỹ thuật, quy trình hướng dẫn, kết quả ứng dụng của các mô hình xây dựng trường học an toàn; kết nối chuyên gia để xử lý nhanh khủng hoảng phát sinh. Chú trọng phòng ngừa nguy cơ mất an toàn cho học sinh từ môi trường mạng. Đầu tư nguồn lực hiệu quả cho công tác bảo đảm trường học an toàn.

Thứ bảy, duy trì, phát triển hệ thống giải thi đấu thể thao học sinh, sinh viên gắn với chương trình giáo dục thể chất; ưu tiên các môn bơi, võ cổ truyền, thể thao dân tộc. Hướng dẫn, tập huấn thành lập câu lạc bộ thể thao trong trường học, phối hợp với các tổ chức thể thao hỗ trợ phát triển phong trào thể thao học đường.

Thứ tám, rà soát, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2025-2030; đảm bảo triển khai thống nhất tại các địa phương. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế trường học. Tăng cường kiểm tra liên ngành, giám sát việc tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh; xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tập trung nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ