Trường tổ chức bán trú và nỗi niềm người trong cuộc

GD&TĐ - Mặc dù tổ chức quản lý và chăm sóc học sinh như một trường bán trú nhưng toàn bộ giáo viên tham gia chỉ được hưởng một định suất trực quản bán trú.

Bữa cơm của học sinh bán trú Trường THCS Hàm Rồng.
Bữa cơm của học sinh bán trú Trường THCS Hàm Rồng.

Mọi công việc đều trên cơ sở tự nguyện nhưng về lâu dài liệu họ có thể mãi “gồng gánh” trách nhiệm này?

Trường chưa thay tên nhưng chế độ bị cắt giảm

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Cô Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mặc dù vẫn có tên là trường PTDTBT nhưng thực chất, đây không phải là trường bán trú nữa. Bởi lẽ, từ tháng 6/2021, trường nằm trên địa bàn xã vùng 1 theo Quyết định 861. Số học sinh được hưởng bán trú dưới 25% nên không đủ để duy trì mô hình trường bán trú”.

Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết có 21 lớp với 462 học sinh. Trong đó, 43 em được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Ngoài ra, 153 em được nuôi ăn tại trường theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em được hỗ trợ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Lai Châu (30% mức lương cơ bản) cùng với đóng góp của gia đình (10kg gạo/tháng). Cùng với đó, nhà trường cũng có 27 học sinh vì lý do nhà xa nên được phụ huynh đóng góp kinh phí và gạo để ở bán trú, thuận lợi cho việc học tập.

“Dù không phải trường bán trú nhưng do học sinh ở các điểm bản cách xa trường nên chúng tôi huy động tối đa trò từ lớp 3 trở lên về học tại trung tâm. Vì vậy, nhà trường phải vận động phụ huynh cho con em ăn, ở tại trường như học sinh bán trú để thuận lợi cho việc học và tham gia các hoạt động. Cũng may phụ huynh đều đồng thuận và đóng góp kinh phí 400.000 đồng cùng 10kg gạo mỗi tháng”, cô Trần Thị Hằng chia sẻ.

Không chỉ trò bị cắt chế độ, khi trường chuyển về vùng 1, mọi chế độ của giáo viên có nhiều thay đổi. Ưu đãi khu vực giảm từ 70% xuống còn 50%. Chế độ lâu năm, thu hút đều bị cắt giảm. Chia sẻ thông tin, cô Hằng đồng thời trăn trở: “Mọi công việc vẫn giống như trường bán trú nhưng giáo viên lại không được hưởng chế độ. Mong muốn của thầy cô giáo công tác tại trường là được các cấp có thẩm quyền xem xét và chia sẻ đối với các xã thuộc vùng 1 là xã biên giới vẫn được hưởng các chế độ như xã đặc biệt khó khăn”, cô Trần Thị Hằng bày tỏ.

Không chỉ Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, toàn huyện Phong Thổ hiện có 7 trường vẫn giữ nguyên tên cũ sau khi xã về đích nông thôn mới. Mặc dù mang tên là trường bán trú, thực hiện các nhiệm vụ giống như một trường bán trú nhưng giáo viên lại không được hưởng chế độ đi kèm.

Cùng với đó, 3 trường là Tiểu học - THCS Mồ Sì San, THCS Sì Lở Lầu, Tiểu học - THCS Số 1 Bản Lang dù không mang tên trường bán trú nhưng vẫn có học sinh lưu trú tại trường. Việc quản lý học sinh bán trú ở những trường trên cũng giống như các trường phổ thông chuyên biệt. Mỗi trường đều thành lập ban quản lý bán trú, đội tự quản. Cùng với đó, xây dựng nội quy, lịch trực bán trú và tổ chức nấu ăn cho học sinh.

Theo ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, dù không phải trường bán trú nhưng các trường đều xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng và phân công nhiệm vụ đầy đủ cho các thành viên tham gia trực, làm công tác bán trú. Có đầy đủ hệ thống hồ sơ, chứng từ kế toán, an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường không được hưởng bất cứ chế độ hỗ trợ nào.

“Từ thực tế địa phương, chúng tôi mong được hạ bớt tỷ lệ phần trăm quy định đối với đơn vị chưa đủ điều kiện để thành lập trường PTDTBT. Cùng với đó, có chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên tham gia nuôi dưỡng học sinh bán trú tại các trường không phải là trường chuyên biệt”, ông Khổng Văn Thiện cho biết.

Nhân viên Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho chia thức ăn cho học sinh bán trú.

Nhân viên Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho chia thức ăn cho học sinh bán trú.

Cả trường chia nhau một định suất bán trú

Năm học này, Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (Lào Cai) có 581 học sinh, trong đó 580 em là người dân tộc thiểu số. Số học sinh ở bán trú là 100 em, chiếm 17,2%, không đủ để thành lâp trường bán trú.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Loan, Trường THCS Hàm Rồng thuộc phường Hàm Rồng (vùng 2). Trong đó, 100% học sinh thuộc tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Trường cũng đóng chân trên địa phận tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Do đó, chế độ tiền lương của giáo viên không ảnh hưởng. Học sinh ở bán trú vẫn được hưởng tiền ăn 596.000 đồng và 15kg gạo/tháng nên phụ huynh không phải đóng góp cho con em.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Rồng cũng chia sẻ: Có học sinh ở bán trú, đơn vị thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng như các trường PTDTBT khác. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch trực quản hằng ngày và tổ chức các hoạt động bán trú theo đúng quy định mà trường PTDTBT phải thực hiện như tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh dưới sự kiểm soát của phòng GD&ĐT và chính quyền địa phương.

Trường THCS Hàm Rồng hiện có 30 cán bộ, giáo viên. Việc trực quản và tổ chức các hoạt động cho học sinh bán trú được nhà trường phân công 100% cán bộ, giáo viên tham gia. Tuy nhiên, mỗi tháng nhà trường chỉ được hỗ trợ 1 định suất trực quản bán trú bằng 150% mức lương cơ sở tương đương 2.230.500 đồng. Tính ra, mỗi thầy cô được khoảng 80.000 đồng. Trong khi đối với các trường PTDTBT, toàn bộ cán bộ, giáo viên trực quản được 0,3 mức lương cơ sở tương đương với 447.000 đồng/tháng và chỉ phải áp định mức dạy 17 tiết mỗi tuần.

So sánh sự chênh lệch đó, cô Nguyễn Thị Thu Loan bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn có chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên như các trường PTDTBT. Cùng với đó, chi trả chế độ trực và quản lý bán trú cho cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong được cấp kinh phí để mua thuốc, đồ dùng thể thao cho học sinh bán trú”.

Việc giáo viên ở các trường không phải bán trú mà thực hiện công tác nuôi học sinh bán trú sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thời gian, tâm lý, công việc. Chúng tôi mong có chế độ phù hợp để công tác bán trú ở những trường này được dài hơi, giáo viên yên tâm công tác. - Ông Nguyễn Trường Chinh (Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.