Chuyển biến giáo dục phổ thông sau một chu trình đổi mới

GD&TĐ - Kết quả năm học 2024-2025, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2025-2026 với giáo dục phổ thông được chia sẻ tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2025.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025.

Năm học 2024-2025 cũng là một dấu mốc khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp trên phạm vi toàn quốc.

Tỷ lệ phòng/lớp tăng, tỷ lệ học sinh/lớp giảm

Báo cáo tại hội nghị, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết: Năm học 2024-2025, các địa phương đã tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các cơ sở giáo dục ngày càng được hoàn thiện và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Các tỷ lệ trung bình phòng/lớp, kiên cố hóa phòng học được nâng lên và tỷ lệ trung bình học sinh/lớp được giảm xuống. Cụ thể, cấp tiểu học có tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 1,03; tỷ lệ kiên cố hóa 87%; sĩ số trung bình là 31,8 học sinh/lớp. Cấp THCS có tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,89; tỷ lệ kiên cố hóa 95,24%; sĩ số trung bình là 39,8 học sinh/lớp. Cấp THPT có tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,92; tỷ lệ kiên cố hóa 97,97%; sĩ số trung bình là 41,7 học sinh/lớp.

image001.png
image003.png
image005.png

Năm học 2024 - 2025, toàn quốc có 884.764 giáo viên phổ thông và 59.378 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Tính đến hết năm học 2024-2025, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cấp tiểu học là 91,9%, cấp THCS là 94,8%, THPT 99,9%.

So với năm học 2023-2024, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp tiểu học tăng thêm 2,0%, cấp THCS tăng thêm 1,0%.

Tỷ lệ giáo viên/lớp được tính trên cơ sở số giáo viên đã được tuyển dụng, đang công tác tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập gồm: cấp Tiểu học: 1,40 giáo viên/lớp; cấp THCS: 1,73 giáo viên /lớp; cấp THPT: 2,01 giáo viên /lớp.

Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học, THCS, THPT còn thấp hơn so với định mức quy định; trong đó đối với cấp tiểu học, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo để thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn so với các khu vực khác trên toàn quốc.

image007.png
image009.png
image015.png
image011.png
image013.png

Chất lượng giáo dục phổ thông được khẳng định

Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp trên phạm vi toàn quốc. Kết quả đánh giá triển khai thực hiện Chương trình về kết quả rèn luyện và kết quả học tập cho thấy học sinh tiếp thu tương đối tốt, phát huy được năng lực của bản thân; học sinh mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống.

Học sinh được khuyến khích tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng kiến thức mới; có nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận.

Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối các năm học từ 2020-2021 đến nay cho thấy chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Kỳ thi THPT năm 2025 khép lại một chu trình đổi mới giáo dục chính thức hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc giúp thúc đẩy dạy và học theo Chương trình GDPT mới. Kỳ thi đã đạt được các mục tiêu đề ra bảo đảm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THPT; là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2025 đạt thành tích cao. Đoàn tham dự Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2025 tại Hoa Kỳ đã giành được 2 giải nhì, 1 giải ba, 3 giải tư và 6 giải đặc biệt, đây là số lượng giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013 đến nay.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.

Theo kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA, TALIS, SEA-PLM) thì học sinh Việt Nam thể hiện khả năng nắm vững kiến thức cơ bản và khả năng vận dụng kiến thức đã học, thường vượt trội so với các bạn ở các nước đang phát triển. Giáo viên Việt Nam thể hiện sự hài lòng cao với công việc, cam kết mạnh mẽ với nghề nghiệp và tỷ lệ tham gia các hoạt động phát triển chuyên môn cao. Môi trường trường học tích cực và mối quan hệ học sinh-giáo viên tốt góp phần tạo nên một môi trường học tập thuận lợi.

Ngoài ra, giáo dục phổ thông năm học 2024-2025 cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận với công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; dạy học tiếng dân tộc thiểu số; chuyển đổi số trong giáo dục.

Theo đó, công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được các địa phương quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2024 - 2025, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 98,23%.

Đến tháng 6/2025, 100% tỉnh/thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, trong đó 64% tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 4 đơn vị cấp tỉnh, tương ứng 6% so với cùng thời điểm năm trước); 27% tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (tăng 4% so với cùng thời điểm năm trước) và 19% tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (tăng 6% so với cùng thời điểm năm trước).

Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các địa phương thường xuyên quan tâm, đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc, cụ thể: cấp tiểu học đạt 63%, cấp THCS đạt 65%, cấp THPT đạt 48%.

Năm học 2024-2025 cả nước có 22 tỉnh/thành phố tổ chức dạy 7 tiếng dân tộc thiểu số theo Chương trình GDPT 2018 tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Quy mô giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông là 514 trường, 4.736 lớp và 132.221 học sinh...

ban-mai.jpg

Dự kiến 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2025-2026

Bên cạnh các kết quả đạt được, giáo dục phổ thông cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh; một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Việc duy trì, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia chưa thật sự đồng đều giữa các địa phương do những điều kiện đặc thù về kinh tế xã hội giữa các khu vực, vùng miền khác nhau.

Kết quả đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình mới ở nhiều cơ sở giáo dục hiệu quả chưa cao, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Nguyên nhân do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, ngại đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền.

Giáo dục tiếng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu giáo viên đạt chuẩn, thiếu thiết bị, tài liệu giảng dạy, năng lực quản lý còn yếu; giáo dục hướng nghiệp sau THCS còn chưa hiệu quả, tỷ lệ phân luồng còn thấp, thiếu cơ sở dữ liệu thị trường lao động, thiếu giáo viên chuyên trách.

Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT tại nhiều địa phương chưa thực hiện tốt dẫn đến thiếu thiết bị dạy học gây ảnh hưởng đến việc triển khai hiệu quả chương trình và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học.

Năm học 2025 - 2026 diễn ra trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành thực hiện một chu trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 57/2024/QH15 của Quốc hội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo Nghị quyết 35-NQ/TW, tạo ra thay đổi lớn về tổ chức bộ máy, quản trị và điều chỉnh địa giới hành chính.

Ngành Giáo dục tiếp tục đối mặt với áp lực về nhân lực, cơ sở vật chất và yêu cầu nâng cao chất lượng trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục.

Trong bối cảnh đó, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2025-2026 với giáo dục phổ thông được đặt ra, cụ thể: Thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với chính quyền hai cấp; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình GDPT 2018;

Hoàn thiện và đưa vào triển khai thực hiện Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045”;

Thực hiện hiệu quả dạy học 2 buổi/ngày; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; thực hiện tốt các chính sách đối với giáo dục dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ