Thành công ban đầu trên con đường dài phía trước

GD&TĐ - “Lúc 3 giờ chiều hôm qua, cô Thơ An gọi điện thoại về thông báo Khánh đã giành được HCV, sau đó, thầy cô ở trường cũng nhắn tin thông báo tin vui, , tôi mừng không nói nên lời".

Nguyễn Ngọc Khánh (bên phải) trong kỳ thi kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương năm 2014
Nguyễn Ngọc Khánh (bên phải) trong kỳ thi kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương năm 2014

Vỡ òa niềm vui

Đến nhà em Nguyễn Ngọc Khánh tại xóm 18 (xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An), bố mẹ em đang chuẩn bị chở lạc đi bán. “Nhà ít ruộng, nên chúng tôi thu mua lạc của bà con rồi đem đi bán cho các đại lý” - Anh Nguyễn Ngọc Danh (bố của Khánh) vừa lau mồ hôi, vừa nói.

Nhắc đến con trai, hai vợ chồng không giấu nổi niềm vui mừng hạnh phúc: “Lúc 3 giờ chiều hôm qua, cô Thơ An gọi điện thoại về thông báo Khánh đã giành được Huy chương Vàng, sau đó, thầy cô ở trường cũng nhắn tin thông báo tin vui, tôi mừng không nói nên lời.

Trước lúc con đi thi, tôi cũng tin tưởng vào kiến thức của con nhưng thầy cô cũng nói kỳ thi khu vực rất khó, học sinh của đất nước chủ nhà Trung Quốc rất giỏi Vật lý. Thế nên, khi hi vọng thành sự thật, tôi và vợ mừng không ngủ được!”

Nghỉ Tết xong, Khánh ở Hà Nội tập huấn cùng các bạn để chuẩn bị đi Trung Quốc thi Olympic Vật lý Châu Á – Thái Bình Dương. Hai vợ chồng thay nhau ra ở cùng để chăm sóc cho con. Những ngày gần đến ngày thi, không chỉ riêng Khánh, mà bố mẹ cũng lo lắng mất ăn mất ngủ. Không muốn tạo áp lực cho con, anh chị chỉ lo ăn uống cho con thật đầy đủ, và động viên, khích lệ con trong học tập.

Khánh cũng lo, ăn ít đi và tập trung vào việc học. Ngày con lên đường đi thi, bố mẹ về nhà thấp thỏm đợi. Cô giáo Thơ An liên tục gọi điện về cho gia đình cập nhật tình hình tin tức của Khánh. Đề thi khó, như cô trò đã dự tính từ trước.

Sau khi làm bài xong và chờ ban giám khảo chấm chính thức, thầy cô cũng đưa bài về để chấm nháp và dự đoán điểm cho học trò, đã có thể dự đoán Khánh giành được HCV. Nhưng Khánh nhắn tin về nói con không hoàn toàn thỏa mãn, vẫn có một  số sai sót mà đáng ra con có thể tránh được.

“Lúc tôi nghe tin con giành được HCV, tôi gọi điện chúc mừng con. Nó hỏi: Chúc mừng cái gì ạ? – Thì bố nghe cô Thơ An gọi điện báo tin con được HCV nên gọi chúc mừng con. Nó chỉ bảo: “Bình thường thôi mà…” - Anh Danh cười khi kể về giây phút “nối đầu cầu” chia sẻ niềm vui của 2 bố con.

Bố mẹ Nguyễn Ngọc Khánh kể chuyện về con trai
 Bố mẹ Nguyễn Ngọc Khánh kể chuyện về con trai

Mê sách, mê game và thích tháo lắp đồ điện tử

Sự học của cậu bé Nguyễn Ngọc Khánh từ nhỏ đến lớn khá suôn sẻ và gặp nhiều may mắn như lời của chị Trần Thị Mơ (mẹ Khánh) nói. Liên tục là Học sinh giỏi qua các năm học, giành giải trong các kỳ thi HSG cấp huyện, tỉnh, quốc gia và khu vực, nhưng cậu cũng đã từng khiến bố mẹ phải phiền lòng.

Năm lớp 6, Khánh mê game và là một game thủ có tiếng! Tất nhiên, thường là cậu bé trốn bố mẹ đi chơi game. Biết con mình ham mê game, nhưng anh Danh không đánh đập hay mắng mỏ con. Một vài lần, anh biết con chơi ở đâu, nhưng không bao giờ trực tiếp đến “bắt quả tang” mà gọi điện thoại nhờ ông, hoặc bác đến đưa con về.

“Lúc con về nhà, tôi cũng không nhắc nhở, đả động gì hết, coi như không có chuyện gì xảy ra, và quan sát thái độ của con. Sau đó, đợi một dịp thích hợp, thải mái và vui vẻ, tôi mới ngồi nói chuyện với con.

Tôi nói bố không cấm con chơi game, vì đó là một trò giải trí. Nhưng con không được quên chuyện học bài, học ra học, chơi ra chơi. Đồng thời, tôi cũng đặt ra mục tiêu cho con trong năm học đó. Nếu đạt HSG thì bố sẽ thưởng. Khi ấy, Khánh đã khóc và hứa với bố mẹ sẽ cố gắng để có kết quả học tập tốt nhất” - Anh chia sẻ.

Năm Khánh học lớp 8, bố mẹ mua máy vi tính và nối mạng để con đọc thêm tin tức, tìm hiểu kiến thức khoa học và đời sống xã hội, và vẫn cho phép Khánh chơi game. Nhưng Khánh luôn ý thức tự học và tận dụng mọi cơ hội để đòi bố đưa vào TP Vinh đi mua sách.

Không chỉ sách tham khảo, học tập, Khánh còn rất say mê với các loại sách khoa học đời sống, bách khoa toàn thư, sách dạy về kỹ năng sống, kỹ năng học tập và cả những tác phẩm văn học kinh điển. “Mỗi lần được bố dẫn đi mua sách, là nó phải lôi bố đến ít nhất 5, 7 nhà sách mới thỏa mãn”.

Một trong những thú vui nữa của Nguyễn Ngọc Khánh là tháo tung các loại đồ điện rồi lắp lại, hoặc chế thêm các bộ phận mới. Hồi nhỏ, mua ô tô, máy bay đồ chơi về cho Khánh buổi sáng, thì buổi chiều cậu bé đã ngồi hì hụi tháo tung ra rồi sau đó lắp lại. Thường thì, đồ chơi sau khi lắp lại có hình dáng như cũ, nhưng thừa một vài bộ phận không biết lắp vào đâu và không chạy được nữa.

Lớn lên chút nữa thì Khánh bắt đầu nối dây điện, lắp bóng đèn nháy, tháo quạt, tháo đầu đĩa VCD…. 

Không chỉ ở nhà, cậu còn sang cả nhà ông bà, cô bác để sửa chữa. Đó cũng là lúc Khánh bắt đầu yêu và say mê môn Vật Lý. Năm lớp 9, Khánh đã giành giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi HSG huyện và tỉnh.

Sau đó, Khánh thi đỗ vào lớp chuyên Lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Cậu học trò trường làng bây giờ lên phố đi học. Từ đây, sự học của Khánh bắt đầu vào cuộc chiến thực sự: Chiến đấu với bản thân mình, vượt qua những giới hạn của bản thân, để đạt được những bứt phá trong niềm đam mê của mình: Môn Vật lý!

Học đi đôi với công tác xã hội

Một tháng sau khi nhập học, chị Trần Thị Mơ đi họp phụ huynh cho con, và lo lắng hỏi cô giáo chủ nhiệm Thơ An xem tình hình con như thế nào.

“Cô giáo trả lời chị cứ yên tâm, không phải lo gì cho em Khánh, em là học sinh có tố chất, nhạy bén và có tư duy về Vật lý khả nặng tự học cũng rất tốt. 

Năm đó con vào ở trọ đi học một mình ở TP Vinh, tôi lo lắm. Nhưng may mắn là khả năng hòa nhập của con khá tốt. Thầy cô cũng rất quan tâm và lo lắng cho Khánh rất nhiều.”

Khánh được chọn vào đội tuyển Vật lý của trường, được thầy cô hết lòng ôn luyện, bồi dưỡng. Năm 2014, em đã lọt vào đội tuyển tham dự Olympic Vật lý Châu Á, và giành được Huy chương Đồng. Có huy chương ở một cuộc thi cấp châu lục, là thành tích lớn nhất đến thời điểm đó của Khánh.

Em đã tiếp tục cố gắng, với tất cả năng lực và kinh nghiệm 1 lần “mang chuông đi đánh xứ người”, để hôm nay, sau 1 năm, em đã đổi được màu huy chương. Trước đó, em cũng đã kịp giành giải nhất Vật Lý duy nhất của Trường THPT Phan Bội Châu trong kỳ thi HSG quốc gia 2015.

Tuy nhiên, Khánh không phải là cậu bé mọt sách. Với bạn bè, Khánh là người sôi nổi, hoạt bát. Hè năm 2014, Khánh cùng các bạn tham gia vào đội tình nguyện, tiếp sức mùa thi: nấu cơm, chuẩn bị nước uống, hướng dẫn đường đi, tìm nhà trọ giá rẻ…

Những hoạt động đó đã đem lại niềm vui và những trải nghiệm thú vị cho Khánh. Cậu học sinh chuyên Lý còn hát rất hay, và thích đá bóng. Từ nhỏ Khánh cũng tham gia tích cực vào phong trào văn nghệ, thể thao của trường, lớp và trong xã.

Tâm sự về những dự định tương lai cho con, anh Nguyễn Ngọc Danh nói: “Tôi vẫn bảo con: “Có thể con đã đạt kết quả cao trong các kỳ thi, nhưng đó chỉ là chút thành công ban đầu. Phía trước con là cả một con đường rất dài để phấn đấu”.

Tôi từng đi làm công nhân, làm thuê, và đủ thứ nghề khác kiếm sống, và nhận ra không học hành, thì dù làm việc ở đâu cũng sẽ rất khổ cực… 

Vì vậy, tôi luôn nói với Khánh và cả em gái của nó - cháu Nguyễn Ngọc Phương Linh (học lớp 4) là phải luôn phấn đấu học tập, để nên người, và làm nhiều việc có ích.

Hiện nay, cháu cũng đang cố gắng để giành học bổng ra nước ngoài học tập. Cháu thích học kỹ thuật ứng dụng. Nếu có cơ hội du học, thì con cũng luôn phải học hỏi, cố gắng, và trở về phục vụ đất nước.

Nhưng trước mắt, bố mẹ sẽ tiếp tục đồng hành và chuẩn bị cho Khánh tham dự Olympic Vật lý quốc tế tại Ấn Độ. “Còn ngày mai, tôi và vợ sẽ bắt xe ra Nội Bài để đón con, cùng thầy cô, các bạn của con khi đoàn đặt chân về đến Việt Nam” - Anh Nguyễn Ngọc Danh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ