Một giáo viên có thể dạy nhiều trường công
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều cơ sở GD gặp tình trạng thiếu giáo viên. Bộ GD-ĐT khẳng định, có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp.
Đồng thời, quy định này còn quán triệt thực hiện chủ trương về tinh giản, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả biên chế. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khẳng định đã tiếp thu kiến nghị của cử tri, đang tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung định mức GV/lớp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 102 ngày 3.7.2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế giáo dục và y tế bảo đảm phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của địa phương.
Bộ GD-ĐT cho rằng việc quy định về định mức GV/lớp được xác định trên cơ sở nghiên cứu, tính toán nhiệm vụ của GV các cấp (trong đó có cấp tiểu học), quy định về chế độ làm việc của GV phổ thông và chế độ làm việc của GV theo từng cấp học trên cơ sở thời gian làm việc 40 giờ/tuần để bảo đảm đủ số lượng GV dạy học các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học (bao gồm cả các môn tự chọn).
Về đề xuất “một giáo viên dạy 2 trường” của một số địa phương, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết, việc GV dạy từ 2 trường phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là được sự đồng thuận của chính GV đó; nguyên tắc thứ hai là các trường này gần nhau về địa lý, đảm bảo định mức giờ dạy của GV, không vượt định mức quá nhiều dẫn tới quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy cũng như sức khỏe của GV.
Nếu GV dạy vượt định mức thì phải có chế độ chi trả đầy đủ, hợp lý; đáp ứng nguyện vọng của GV khi phải dạy hơn một trường.
Thủ tướngyêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên
Trong tuần qua, thông tin thu hút sự quan tâm lớn của dư luận là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT báo cáo về các loại chứng chỉ đối với viên chức.
Theo đó, ngày 19/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1797/VPCP-TCCV gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, trong đó ghi rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc như sau:
Thời gian vừa qua, một số báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan:
Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.
Bộ GD&ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2021.
Lýdo học phí tăng cao ở một số trường ĐH “tự chủ”
Bộ GD-ĐT trả lời băn khoăn về việc học phí tăng cao ở một số trường ĐH “tự chủ”:Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao, góp phần phát triển đất nước.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, làm căn cứ pháp lý để các trường đại học mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ, gắn chặt với trách nhiệm giải trình, trong đó có trách nhiệm giải trình về chi phí đào tạo và mức thu học phí.
Hiện, Bộ đang xây dựng Nghị định quy định khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục công lập; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2021-2022 (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ).
Theo đó, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính, có lộ trình tăng học phí nhưng vẫn phải bảo đảm mức học phí trong khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định của Chính phủ hoặc phương án tự chủ tài chính phải được cơ quan chủ quản phê duyệt.