Thần mộng báo thi trượt, Phạm Thanh vẫn đỗ Bảng nhãn

GD&TĐ - Khoa thi năm 1851 có đến 2 người cùng đỗ Bảng nhãn, cùng tên là Thanh. Đó là Bảng nhãn Phạm Thanh và Vũ Duy Thanh.

Năm 1851, Phạm Thanh đỗ Đình nguyên - được xưng tụng là 'Quốc triều á Trạng'. Ảnh minh họa: INT.
Năm 1851, Phạm Thanh đỗ Đình nguyên - được xưng tụng là 'Quốc triều á Trạng'. Ảnh minh họa: INT.

Việc hai sĩ tử cùng tên Thanh và cùng đỗ Bảng nhãn cùng một năm là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Cùng Báo GD&TĐ tìm hiểu về Bảng nhãn Phạm Thanh - người đỗ chính khoa 1851.

Lận đận nơi trường ốc

Sự ra đi đột ngột của Phạm Thanh khiến người đời thương tiếc. Người bạn đồng môn là Đỗ Xuân Cát viếng ông bằng đôi câu đối: “Khoa vi khôi, hoạn vi khanh, phương tứ thập chính cường, sĩ hãn đáo thử/ Thân hoàn danh, thế hoàn cục, túng bách tuế xưng lão, thần thiêm kỷ hà” (Khoa đỗ đầu, quan chức lớn, mới bốn mươi chính lúc khang cường, kẻ sĩ đến thế cũng là hiếm/ Danh đã tròn, đời cũng trọn, giá trăm tuổi lên hàng lão đại, bề tôi còn góp được bao công).

So với Vũ Duy Thanh, lịch sử ghi chép khá ít ỏi về Bảng nhãn Phạm Thanh.

Theo một số nguồn sử liệu triều Nguyễn, ông sinh năm 1821 tại thôn Nội, xã Trương Xá, tổng Đăng Trường, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, nay là xã Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Theo tư liệu dòng họ Phạm ở Trương Xá, Phạm Thanh sinh ra trong gia đình có truyền thống thi thư. Ông cố nội làm quan, có công bắc cầu phao để đoàn voi chiến của Quang Trung Nguyễn Huệ vượt sông ra Bắc đại phá quân Thanh. Về sau, bố Phạm Thanh là Phạm Phổ làm đến chức Bố chánh Tuyên Quang.

Trong một trận chiến dẹp loạn quân khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn, Phạm Phổ đã chọn cách tự tử để giữ lòng tiết nghĩa. Chính điều này đã khiến triều đình nhà Nguyễn khép tội ông. Mẹ của Phạm Thanh được miêu tả là một người tần tảo, bà đã vượt qua khó khăn thời biến loạn để nuôi dạy con cái.

Phạm Thanh thông minh nổi tiếng, ngoài những lúc giúp mẹ làm lụng kiếm tiền, thì cậu bé đều chăm lo đến việc học. Cậu được thầy giáo Nhữ Bá Sỹ - vị danh sư nổi tiếng lúc bấy giờ nhận đỡ đầu dạy dỗ. Chính ân tình này đã đốc thúc Phạm Thanh cố gắng dùi mài kinh sử, và về sau cậu lại được thầy gả con gái yêu làm bạn trăm năm.

Tuy tài năng Phạm Thanh có phần nổi trội, nhưng học tài thi phận - con đường công danh không mấy thuận lợi. Theo tư liệu từ sách “Địa chí Hậu Lộc” thì: “Năm 21 tuổi (1842) Phạm Thanh đỗ Tú tài, năm 1846 đỗ Cử nhân lần thứ nhất”. Tuy nhiên, lần này ông đỗ hụt vì sau khi yết bảng lại có lệnh phúc khảo và bãi bỏ, không rõ lý do.

Theo dòng họ Phạm ở Trương Xá, lý do chính khiến kết quả thi cử của Phạm Thanh bị bãi bỏ vì ông là con Phạm Phổ, mà Phạm Phổ lại đang trong giai đoạn bị triều đình khép tội sau khi tự tử trong cuộc chiến dẹp phản loạn. Sau lần đỗ hụt, Phạm Thanh bất bình, chán nản định rời xa lều chõng. Trong tình thế ấy, mẹ ông đã tìm cách khuyên giải.

Năm 1848, Phạm Thanh tiếp tục đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hương, vang danh khắp xứ Thanh. Năm 1851, ông tham gia thi Đình, đỗ Đình nguyên (Bảng nhãn). Triều đình nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên nên Phạm Thanh được người đương thời tôn là “Quốc triều á Trạng”. Sách “Địa chí Hậu” ghi rằng: “Khi vinh quy bái tổ, nhà vua ban cho ông nhiều vật phẩm và một bè gỗ lim lớn để làm nhà thờ họ”.

Một năm có 2 Bảng nhãn cùng tên

Năm 1851, Phạm Thanh và Vũ Duy Thanh cùng đỗ Bảng nhãn. Ảnh minh họa: INT.

Năm 1851, Phạm Thanh và Vũ Duy Thanh cùng đỗ Bảng nhãn. Ảnh minh họa: INT.

Theo tư liệu từ Viện nghiên cứu Hán Nôm cho thấy, khoa thi năm Tân Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), Đệ nhất giáp cập đệ nhị danh thuộc về Phạm Thanh - Cử nhân, sinh năm Tân Tị, thi đỗ năm 31 tuổi.

Đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh thuộc về Hoàng Xuân Hiệp (người phủ Hoài Đức, Hà Nội), Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thuộc về Lê Hữu Thanh (huyện Thanh Quan phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định).

Như vậy, không thấy danh sách có Bảng nhãn Vũ Duy Thanh như một số nguồn sử đăng khoa ghi chép. Thật ra, sau khoa thi này (chính khoa), vua Tự Đức nằm mộng thấy thần đến báo còn sót một người tên Thanh nên vua mới mở ân khoa và lấy Vũ Duy Thanh đỗ Bảng nhãn.

Triều Nguyễn, vua Gia Long mới mở khoa thi Hương năm 1807 mà chưa tổ chức được khoa thi Hội. Thời đó, đỗ 4 kỳ thi Hương vẫn gọi là Hương Cống, đỗ 3 kỳ gọi là Sinh đồ. Đến năm 1821 đổi học vị Hương cống là Cử nhân, đổi Sinh đồ là Tú tài. Năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi mở ân khoa kỳ thi Hội.

Năm 1851, vua cho mở Chế khoa Cát sĩ dành cho Cử nhân và Giám sinh Trường Quốc Tử Giám, Giáo thụ, Huấn đạo ở các phủ huyện, Phó bảng chưa ra làm quan và các Cử nhân, Tú tài đạt điểm qua các kỳ khảo hạch.

Những người trúng khoa này được cấp học vị Bác học Hoành tài Đệ nhất giáp Cát sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp Cát sĩ xuất thân, Đệ tam giáp Cát sĩ đồng xuất thân.

Mặc dù chế độ khoa cử Hán học có nhiều nhược điểm, nhưng bằng các hình thức khuyến học, khuyến tài thiết thực cho những người giàu chữ nghĩa, Nhà nước quân chủ qua các thời đã giúp tuổi trẻ tiến thân một cách chân chính.

Không những triều đình có nhiều chính sách ưu ái kẻ sĩ để thể hiện chủ trương khuyến học. Cũng nhờ ân khoa mà năm 1851 có thêm một Bảng nhãn Vũ Duy Thanh, sau trở thành đôi bạn thân thiết của Phạm Thanh.

Năm 1859, Bảng nhãn ân khoa Vũ Duy Thanh qua đời. Cảm kích trước tấm lòng trung quân ái quốc, yêu nước thương dân cũng như sự đa tài của Vũ Duy Thanh, Phạm Thanh đã làm đôi câu đối điếu người cùng tên và cùng đỗ Bảng nhãn trong cùng năm với mình rằng: Nhân bảo đương vi thiên hạ tích/ Hoạn tình năng động cửu trùng thiên (Người quý công tích còn trong thiên hạ/ Quan ân rung động tới tận cửu trùng).

Đỗ đầu khoa dù thần báo trượt

Dù được thần báo mộng thi trượt nhưng Phạm Thanh vẫn thi đỗ Bảng nhãn (ảnh phải). Ảnh minh họa: INT

Dù được thần báo mộng thi trượt nhưng Phạm Thanh vẫn thi đỗ Bảng nhãn (ảnh phải). Ảnh minh họa: INT

Theo tương truyền dòng họ Phạm ở Trương Xá, Phạm Thanh là người tài hoa, không tin vào chuyện quỷ thần, chỉ tin ở chính mình. Trước kỳ thi Hương, ông có việc ra Bắc qua đền Trấn Vũ. Đêm ngủ tại đền, ông mộng thấy thần báo mộng kỳ thi này ông không đỗ.

Sáng dậy, ông ghi lại bài thơ Nôm lên bức tường đền trước khi rời đi: “Tuổi trẻ nhà nòi chí tiến xa/ Kinh hiền truyện thánh đọc lầu qua/ Thần nhân sao biết việc người được/ Nhất quyết khoa này giật thủ khoa”. Quả nhiên, khoa thi ấy ông đỗ Giải nguyên.

Sau khi đỗ Bảng nhãn, Phạm Thanh được bổ nhiệm làm việc ở Nội các - cơ quan giữ việc biên soạn chiếu, sắc, cáo dụ cho vua. Về sau, ông làm đến chức Tham tri bộ Hộ.

7 năm sau khi thi đỗ và làm quan cũng là lúc thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng (năm 1858). Phạm Thanh đứng về phía chủ chiến, nhưng ra sức phản đối chủ trương “sát đạo” của vua Tự Đức.

Không chỉ ý kiến của Phạm Thanh, nhiều lời tâu khác của các đại thần cũng đều bị Tự Đức bỏ qua. Bởi vậy, trước tình cảnh đất nước rối ren, Phạm Thanh không khỏi chất chứa ưu phiền.

Trong “Di cảo Phạm Thanh” có viết rằng: “Người vốn yên mà muốn no ấm không phải dễ; há chịu mãi cảnh tối tăm sao? Quay đầu về mé trời tây thì mây hoang mờ mịt, gió buốt thảm thê; con tim khối óc, máu và nước mắt khắc họa rõ! Thanh không vì nhỏ bé, mờ nhạt, không vì thua người, mong có trời chứng giám”.

Bảng nhãn Phạm Thanh đột ngột qua đời với nhiều uẩn khúc vào năm 1863, khi mới 42 tuổi đời. Thi hài ông được chôn cất tại Huế, sau được đưa về quê nhà Trương Xá.

Bức biển bài có chữ 'Quốc triều á Trạng' được con cháu dòng họ Phạm lưu giữ. Ảnh: INT

Bức biển bài có chữ 'Quốc triều á Trạng' được con cháu dòng họ Phạm lưu giữ. Ảnh: INT

Bảng nhãn Phạm Thanh để lại cho đời các tác phẩm còn lại cho đến ngày nay, như: Phạm Nghị Trai thi tập, Đạm Trai thi khóa, Nghĩa phu, hiếu tử, thuận tôn, cập liệt nữ thực lục… Trong đó, bộ “Phạm Nghị Trai thi tập” (1 quyển) là tập thơ do ông sáng tác trong lúc làm quan. Hiện thư viện Viện Sử học lưu giữ mang ký hiệu Hv.31.

Sách không có tờ mặt, tờ thứ nhất đề niên hiệu và tên người sao chép: Thành Thái mạnh đông vọng hậu nhị nhật phụng biên (không rõ năm chính xác, chỉ biết sách được biên tập vào niên hiệu Thành Thái: 1889-1907).

Người sao chép ghi hiệu là Thiên Sà tử cũng không rõ là người nào. Sở dĩ biết được tên tác giả tập thơ này là Phạm Thanh là theo lời chua ở bài “Khóc quan Án sát Quảng Bình”.

Tập thơ Nghị Trai có hai phần: Phần thứ nhất gồm 22 bài thơ vịnh các nhân vật lịch sử của Trung Quốc, do sắc chỉ của vua Tự Đức, phỏng theo 22 bài của thi nhân Trung Quốc tên là Cao Thanh Khâu. Phần thứ hai gồm một số thơ tiễn tặng, đề vịnh.

Trong đó có bài thơ tiễn bạn về Thanh Hóa: “Hàm Rồng đẹp, sông Mã trong/ Bác đi thuận gió, cánh bồng nhẹ trôi/ Nhớ quê trong mộng phần tôi/ Đêm đêm theo bác về nơi Hạc Thành” (bản dịch của Hà Vũ).

Ngày nay, một số tác phẩm thơ văn của ông còn được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học và tại quê nhà Trương Xá. Quê hương Trương Xá cũng là nơi Bảng nhãn Phạm Thanh ngàn năm an nghỉ trong lòng đất mẹ - với ngôi mộ đơn sơ tự thuở nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.