Hai vị Bảng nhãn được phong thánh

GD&TĐ - Lê Quảng Chí và Trần Bảo Tín là 2 vị đại khoa khá đặc biệt - cùng quê Hà Tĩnh, cùng đỗ Bảng nhãn và cùng được phong thánh.

Di tích mộ và đền thờ hai anh em nhà khoa bảng Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý tại xã Kỳ Phương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Di tích mộ và đền thờ hai anh em nhà khoa bảng Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý tại xã Kỳ Phương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Lê Quảng Chí được thờ ở đền Thánh Trạng thuộc xã Kỳ Phương (Kỳ Anh), còn Trần Bảo Tín được thờ tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân). Tại đền thờ hiện còn lưu giữ nhiều di vật, sắc phong về cuộc đời, sự nghiệp và công lao của 2 “Thánh Bảng”.

Hai anh em cùng đỗ đại khoa

Khu mộ Bảng nhãn Lê Quảng Chí.

Khu mộ Bảng nhãn Lê Quảng Chí.

Theo tư liệu lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, khoa Mậu Tuất (1478) đời Lê Thánh Tông: Hoàng thượng dụ bảo danh hiệu cao nhất sĩ tử không đạt tới. Cho nên khoa này về hàng Tiến sĩ cập đệ không có đệ nhất danh, chỉ ban cho Lê Quảng Chí đỗ Đệ nhị danh, bọn Trần Bích Hoành, Lê Ninh đỗ Đệ tam danh. Còn khoa Tân Mùi (1511) đời Lê Tương Dực: Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp, lấy bọn Hoàng Nghĩa Phú (Trạng nguyên), Trần Bảo Tín (Bảng nhãn), Vũ Duy Chu (Thám hoa).

Lê Quảng Chí (1451 - 1533) hiệu là Hoành Sơn tiên sinh, là danh thần đời vua Lê Thánh Tông nhà Lê sơ. Ông là người xã Thần Đầu, huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa, xứ Nghệ An, nay là xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông có một người em trai là Lê Quảng Ý cũng nổi tiếng không kém người anh. Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, không có điều kiện học hành nên buộc phải đi ở nhờ cho một nhà giàu, hai anh em vô cùng vất vả; song với tấm lòng hiếu học, trí thông minh trời phú, vào lúc tối trời khi công việc gia chủ giao cho đã xong, hai anh em bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh làm đèn học (theo gia phả).

Do học một biết mười, càng học càng giỏi, có những lúc để vượt qua cái đói hàng ngày, họ vừa học vừa đùa vui.

Một lần Lê Quảng Chí ra câu đối: “Sáng khoai, trưa khoai, khoai một rổ”. Anh vừa đọc xong thì chú em cũng ứng khẩu luôn: “Anh đậu, em đậu, đậu một tràng”.

Khoa Mậu Tuất (1478) Lê Quảng Chí đi thi đỗ đầu kỳ thi Đình - Đình nguyên Bảng nhãn.

Về khoa thi này, văn bia đề danh Tiến sĩ soạn ghi: “Bởi vì ý chính của triều đình cho dựng bia khắc tên là cốt mong cho những người tôi trung con hiếu ngày thường thì can ngay nói thẳng, tôn vua giúp dân, khi gặp việc thì vì nước quên nhà, gặp gian nguy thì dám quên mình,… bài xích kẻ gian tà, giúp ích cho nước; người nọ trọn đạo làm tôi, không thẹn danh khoa mục, được như thế thì năm tháng càng lâu mà bia càng không mòn”.

Lê Quảng Chí làm quan đến chức Tả thị lang bộ lễ kiêm Đông các Đại học sĩ. Năm 60 tuổi trí sĩ, về quê mở trường dạy học lấy hiệu là Hoành Sơn (còn gọi là Lãm Sơn) tiên sinh.

Em trai ông là Lê Quảng Ý đỗ đồng Tiến sĩ năm Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông (1499), làm quan đến Hàn lâm viện thị thế, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu hiến sứ, kiêm Đệ lĩnh tú thành quân vụ, tước bảng quận công.

Ông là người văn võ kiêm toàn, nhiều lần vâng lệnh triều đình cầm quân cùng với vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc ngoại xâm, đưa nền thái bình về cho đất nước.

Ông là người cương nghị, tinh thông cả văn lẫn võ, được triều Lê kiêng nể, trọng dụng. Vào những ngày hội Tao đàn, hai anh em ông thường xuất hiện như ngôi sao sáng trong làng thơ văn.

Sự nghiệp văn chương Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý đã để lại cho nền văn học đương thời nhiều tác phẩm văn học có giá trị, đặc biệt là 5 bài thơ nổi tiếng ở cung thành. Tài thi họa của hai ông đã được các danh sĩ đương thời mến mộ, ý thơ đẹp, trong sáng, lời lẽ trau chuốt, giàu tính nhân văn.

Dòng dõi hoàng tộc

Văn bia khoa Tân Mùi (1511) ghi danh Bảng nhãn Trần Bảo Tín.

Văn bia khoa Tân Mùi (1511) ghi danh Bảng nhãn Trần Bảo Tín.

Trần Bảo Tín sinh năm 1483 tại làng Khải Mông, nay thuộc Tổ dân phố 11 và 12 thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Theo khảo cứu của dòng họ Trần ở địa phương, thì Trần Bảo Tín là cháu nội của Trần Nguyên Hãn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” dưới triều vua Tự Đức cũng ghi chép và công nhận về điều này.

Tư liệu Hán tự trong các gia phả và di chỉ cổ thuộc dòng Pháp Độ công - con trai thứ của Trần Nguyên Hãn ghi rằng: “Pháp Độ công là quan Thiết chế Lễ tướng công tại bộ Lễ, là bậc hiền thần nhưng vì dòng dõi nhà Trần, lại là con trai của Trần Nguyên Hãn nên bị triều đình Lê Thánh Tông nghi kỵ, khiến ông phải hưu quan vào năm 1474 khi mới 51 tuổi, gia đình dời cư vào Thanh Hóa”.

Năm 1479 Pháp Độ công đưa con trai thứ 3 là Thiện Tính vào xã Thái Xá (Nghệ An). Với những cứ liệu này có thể thấy Pháp Độ công không những phải hưu quan sớm, mà còn phải tránh xa đất kinh thành, bèn dời cư vào Thanh Hóa - Nghệ An, và các con của ngài không thấy ai kế nghiệp làm quan.

Giới nghiên cứu cho rằng, Pháp Độ công là con trai của Trần Nguyên Hãn sinh sống đầu tại Thanh Hóa, sau vào Nghệ An. Xét về góc độ tư liệu các dòng thuộc hậu duệ Trần Nguyên Hãn thì Bảo Tín là con trai thứ 4 của Pháp Độ công với người mẹ thứ.

Các nguồn sử liệu đăng khoa lục ghi nhận Trần Bảo Tín là người rất thông minh. Nguyên văn tư liệu của Lê Tung tại Văn miếu Quốc Tử Giám chép rằng: “Trần Bảo Tín 29 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực”.

Khoa thi này, vua đích thân ra bài văn sách hỏi về đạo trị nước xưa nay. Văn bia đề danh còn ghi: “Lòng thánh đế lo xa, đã có sẵn quy hoạch, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời”.

Trần Bảo Tín làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, khi nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê, ông ẩn cư ở núi Hành Sơn rồi mất. Nhà Lê trung hưng truy tặng ông chức Thượng thư, phong Phúc thần”.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm Tân Mùi - 1511 tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước đến thi Đình, vua thân hành xem bài thi rồi định bậc cao thấp. Cho bọn Hoàng Nghĩa Phú, Trần Bảo Tín, Vũ Duy Chu 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ”.

Về hành trạng của Bảng nhãn Trần Bảo Tín, một số nguồn sử liệu khác ghi rằng, ông là người mẫn cán, trung thực, thẳng thắn. Năm 1527 nhà Mạc chiếm ngôi vua Lê, ông bất hợp tác với nhà Mạc nên bỏ kinh thành về quê ở ẩn.

Tại đây ông lập chiến lũy không cho nhà Mạc mở rộng biên ải xuống phía Nam, tránh được nạn phu phen tạp dịch, nhân dân được sống yên bình.

Để tránh đói nghèo, Trần Bảo Tín cùng với dân địa phương lập trang trại khai khẩn ruộng hoang, đắp đường mở chợ buôn bán, mở trường dạy học, mở nơi chữa bệnh.

Vua phong Phúc thần, dân thờ Thánh Bảng

Mộ và đền thờ Bảng nhãn Trần Bảo Tín trên núi Hồng Lĩnh (ảnh Ban Văn hóa thị trấn Xuân An).

Mộ và đền thờ Bảng nhãn Trần Bảo Tín trên núi Hồng Lĩnh (ảnh Ban Văn hóa thị trấn Xuân An).

Con cháu Bảng nhãn Trần Bảo Tín sau này nhiều người trở thành các nhà khoa bảng, tướng quân được phong tước, phong hầu, như: Trần Văn Đức, Văn Bân, Công Vinh, Công Hoa…

Khi Trần Bảo Tín qua đời dân làng đã an táng và lập đền thờ ông tại núi Hồng Lĩnh, phong ông là Thành hoàng làng, các triều vua cũng phong ông là “Bảo quốc Trung trinh Đại phu bộ Lại Thượng thư Trần tướng công”.

Tương truyền nơi đặt mộ Trần Bảo Tín là một huyệt đất thiêng hiếm có. Sách “Đại Nam thực lục” chép về Lận Sơn trong cuộc chiến năm 1660, quân hai nhà Trịnh - Nguyễn đánh nhau: “Trịnh Căn (chúa) họp các tướng để hỏi chước. Trần Công Bách đáp rằng: Lận Sơn là nơi tất phải tranh lấy. Hễ chiếm được Lận Sơn trước thì thắng…”.

Tại di tích Bảng nhãn Trần Bảo Tín, trong đền trước đây còn có bài thờ Hán tự đặt trên thượng điện, được lưu truyền và sử sách ghi chép: Cù Sơn hữu nhất huyệt/ Tiền di Lam giang vi án/ Hậu hữu Nga mi vi chẩn/ Long hổ hữu tinh, quần sơn vọng bái.

Còn tại Thần Đầu, để tỏ lòng biết ơn và ghi tạc sự đóng góp của Bảng nhãn Lê Quảng Chí và người em - Tiến sĩ Lê Quảng Ý, người dân khu vực phía Nam Hà Tĩnh đã truyền tụng về hai hòn núi Đụn đứng song song ở làng Thần Đầu, một hòn cao - một hòn thấp chính là hòn anh, hòn em giống ngòi bút đang viết.

Vì lẽ đó dân gian ở vùng này đã gọi hai hòn núi ấy là: “Nguy nga song bút”. Đằng sau hai hòn núi đó là hòn Cụp Chiêng, Cụp Cờ đứng thẳng hàng như đón tiếp hai nhà khoa bảng đất Thần Đầu.

Bảng nhãn Lê Quảng Chí mất ở tuổi 82, được truy tặng Thượng thư. Dân làng đặt mộ ông dưới chân núi Hoành Sơn, lập đền thờ ở Thần Đầu, gọi là đền thờ hai ông Thánh Trạng.

Ngoài ra, còn có hai nơi thờ riêng hai vị: “Lãm Sơn tiên sinh từ” thờ Lê Quảng Chí, “Bảng Quận công từ” thờ Lê Quảng Ý. Đời Tự Đức, sứ Trung Hoa là Lao Sùng Quang qua đây có đề hai câu: “Thùy gia hảo huynh đệ/ Song miếu uất tinh linh” (Anh em danh tiếng một nhà/ Tinh linh hai miếu sáng lòa nghìn thu).

Khoảng năm 1875, quân đội triều đình nhà Nguyễn ra dẹp cuộc khởi nghĩa của quân Cờ Vàng đã đốt cháy mấy ngôi đền này. Đến năm Tự Đức thứ 36 (1883), nhân dân mới xây dựng lại. Năm Tân Tỵ đời Bảo Đại (1941) làng Thần Đầu lại tu sửa thêm.

Hiện nay, mộ hai anh em nhà khoa bảng Lê Quảng Chí vẫn còn, toạ gần đường Quốc lộ 1A. Xưa có câu đối ngợi ca hai ông: Nhất ngôn khoa giáp nam huynh đệ/ Song miếu anh linh tự cổ kim (Khoa giáp một nhà, ai bác chú/ Anh linh hai miếu tự xưa nay).

Đền thờ và mộ Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ