Tham vấn hướng nghiệp cho sinh viên sư phạm: 5 bước rèn kỹ năng

GD&TĐ - Trong nhà trường phổ thông, đặc biệt ở lứa tuổi cuối cấp THCS và cấp THPT, giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cần thiết hơn bao giờ hết. Được hướng nghiệp sớm, HS sẽ lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp với bản thân, gia đình và nhu cầu xã hội. Để thực hiện tốt hoạt động này, cần một đội ngũ GV sư phạm có đủ năng lực, chuyên môn về lĩnh vực này.

Nâng chất cho GD hướng nghiệp bắt đầu từ sinh viên. Ảnh nguồn Internet
Nâng chất cho GD hướng nghiệp bắt đầu từ sinh viên. Ảnh nguồn Internet

Trang bị kỹ năng hướng nghiệp cho GV tương lai

Trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp THPT, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung GD hướng nghiệp. Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, CLB hướng nghiệp… HS được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp, rèn được phẩm chất năng lực để thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai.

Như vậy, muốn thực hiện được công tác hướng nghiệp trong nhà trường thì sinh viên sư phạm - những giáo viên tương lai cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện được hoạt động trên hiệu quả nhất.

Theo TS Trương Thị Hoa, Viện KHGD Việt Nam, khi thực hiện khảo sát, nghiên cứu về “Thực trạng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm về GD hướng nghiệp của sinh viên đại học sư phạm”, trên 500 sinh viên bao gồm: 200 sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội, 150 sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, 150 sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tham gia các điều tra, phỏng vấn và quan sát.

Kết quả cho thấy, năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm về GD hướng nghiệp của sinh viên ở mức độ thấp với điểm trung bình từ 2,38 - 2,58 (theo thang điểm 5). Điều này cho thấy, nhà trường sư phạm cần chú trọng công tác đào tạo năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho sinh viên để sau khi ra trường, họ trở thành những GV mới có thể thực hiện được tốt công tác GD hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Nhiều rào cản

Theo TS Vũ Lệ Hoa, Trường ĐHSP Hà Nội, tham vấn hướng nghiệp là môn học trong chương trình đào tạo của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học tại Trường ĐHSP Hà Nội. Với thời lượng 45 tiết giảng dạy (30 tiết lý thuyết và 15 tiết thực hành), 90 tiết tự học, môn Tham vấn hướng nghiệp giảng dạy cho sinh viên năm thứ 4 sau khi đã được trang bị tương đối đầy đủ với những kiến thức và kỹ năng tham vấn tâm lý ở trường phổ thông.

Vì vậy phát triển kỹ năng tham vấn trong công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông có nhiều thuận lợi. Bài giảng trên lớp của GV không chỉ cung cấp cho SV những kiến thức lý thuyết thuần túy về công tác GD hướng nghiệp nói chung và tham vấn hướng nghiệp ở trường phổ thông nói riêng mà còn phải sáng tạo, thiết kế các hoạt động hướng dẫn SV tự tổ chức các hoạt động để họ lĩnh hội tri thức và con đường giành được tri thức đó.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình rèn luyện kỹ năng tham vấn tâm lý cho SV trong dạy học môn tham vấn hướng nghiệp gặp không ít những khó khăn như: SV chưa thực sự tích cực chủ động tham gia vào quá trình rèn luyện, kết quả rèn luyện các kỹ năng chưa cao, thời gian thực hành rèn luyện còn ít…

Vì vậy xây dựng một chiến lược dạy học khoa học với một quy trình rèn luyện hợp lý, bảo đảm sự tham gia tích cực của SV vào quá trình rèn luyện kỹ năng tham vấn tâm lý hướng nghiệp trong dạy học bộ môn Tham vấn hướng nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp cho SV tâm lý học trường học trong quá trình đào tạo của nhà trường hiện nay.

Rèn kỹ năng tham vấn hướng nghiệp

TS Vũ Lệ Hoa cho biết: Việc rèn luyện các kỹ năng tham vấn cho sinh viên được thực hiện thông qua rất nhiều môn học, các hoạt động thực tế, thực tập trong chương trình đào tạo SV tâm lý học trường học. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học môn Tâm lý hướng nghiệp, quá trình rèn luyện kỹ năng tham vấn hướng nghiệp cho SV cần được thực hiện theo các bước:

Bước 1, tổ chức hình thành cho SV những tri thức về hướng nghiệp, tư vấn, tham vấn hướng nghiệp ở trường THPT, các kỹ năng, kỹ thuật tham vấn hướng nghiệp. Trong quá trình giảng dạy môn tư vấn hướng nghiệp, giảng viên cần hình thành cho SV tri thức về hướng nghiệp ở trường phổ thông: Ý nghĩa, nhiệm vụ, nguyên tắc chọn nghề, các hình thức hoạt động hướng nghiệp, đối tượng hướng nghiệp, quy trình thực hiện một ca tư vấn hướng nghiệp… Ở giai đoạn này, SV cần nắm được về mặt lý luận tham vấn học đường. Đây là bước định hướng quan trọng, tạo điều kiện cho các bước sau diễn ra hiệu quả.

Bước 2, tổ chức các hoạt động thực tiễn nghiên cứu về công tác tư vấn, tham vấn hướng nghiệp ở trường THPT cho SV. Ở giai đoạn này, giảng viên hình thành cho SV học tập với các dự án học tập đòi hỏi SV tìm hiểu thực tiễn về nhu cầu chọn nghề, nhu cầu tư vấn… đề xuất biện pháp tháo gỡ. Kết quả của các dự án nghiên cứu của SV được xây dựng thành các câu chuyện, tình huống chứa đựng những vướng mắc trong việc quyết định lựa chọn nghề nghiệp. GV yêu cầu SV thực hành theo nhóm, đóng vai nhà tham vấn trường học thực hiện các ca tư vấn, tham vấn mà mình đã xây dựng.

Bước 3, tổ chức cho SV quan sát mẫu, lặp lại theo mẫu và làm các kỹ năng tư vấn hướng nghiệp theo hướng dẫn của giảng viên. Giai đoạn này giảng viên sẽ tổ chức cho SV thực hiện các bước kỹ năng tham vấn trong bài dạy mô phỏng, thực hành theo quy chuẩn. Kết quả của bước này giúp SV hình dung được các thao tác, hành động bộ phận của các kỹ năng và toàn bộ quy trình, kỹ thuật tham vấn hướng nghiệp.

Bước 4, tổ chức tập luyện, rèn luyện kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho SV. Giảng viên yêu cầu SV sử dụng kết quả của các bước trên vận dụng vào một tình huống cụ thể cần trợ giúp trong những tình huống mới, khuyến khích SV lặp đi lặp lại trong những tình huống khác nhau theo trình tự từ dễ đến khó. Từ đơn giản đến phức tạp.

Bước 5, tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ năng tư vấn hướng nghiệp của SV. Việc này sẽ giúp SV luôn điều chỉnh kịp thời các thao tác hành động theo đúng nguyên tắc, quy trình trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng tư vấn hướng nghiệp.

“Thực hiện quy trình rèn luyện kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho SV trong dạy học môn Tư vấn hướng nghiệp đòi hỏi GV phải xây dựng một chiến lược dạy học khoa học với hình thức và phương pháp dạy học đa dạng, nhằm tạo nên môi trường học tập mà SV ở đó được thể hiện, được nói ra, được tương tác, được trải nghiệm… thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo SV tâm lý học trường học của nhà trường hiện nay”, TS Vũ Lệ Hoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ