So với luật hiện hành, Luật GD năm 2019 có nhiều điểm mới, qua đó kịp thời cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp 2013, thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Theo nguyên tắc, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn và làm thay đổi thực tiễn theo chiều hướng tốt lên. Việc xây dựng Luật GD năm 2019 cũng được thực hiện trên nguyên tắc này. Điều đó giải thích vì sao trước khi trình Quốc hội khóa XIV thông qua, Luật (dự thảo) được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Có người nhận xét, Luật GD năm 2019 đã thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa chính sách với thực tiễn và ngược lại. Đơn cử như quy định về tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong GD. Khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này, Luật GD 2019 đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong GD; đồng thời làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể.
Hay như quy định về chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm theo quy định hiện hành. Nhận thấy, chính sách này đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn khách quan. Xuất phát từ thực tiễn, Luật GD năm 2019 đã sửa đổi chính sách này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của HSSV sư phạm quy định tại Luật GD hiện hành.
Theo đó, Luật GD năm 2019 quy định HSSV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành GD hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. HSSV sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.
Theo ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GD phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT): Luật GD 2019 được Quốc hội thông qua là vận hội mới không chỉ đối với ngành GD mà của toàn xã hội. Bởi Luật này đã giải quyết những vấn đề thực tiễn của GD nay đã không còn phù hợp. Luật cũng bổ sung những vấn đề mới, cập nhật GD Việt Nam và thế giới; kỳ vọng sẽ không chỉ phù hợp với hiện tại mà còn tạo hành lang pháp lý rộng lớn cho GD phát triển mạnh mẽ vào những năm tới.
GD là quốc sách hàng đầu, vì thế phát triển GD phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh. Trên tinh thần ấy, Luật GD năm 2019 cũng đã thể chế hóa quan điểm này.
Chính sách đã được xây dựng từ thực tiễn, ngược lại thực tiễn cũng đã tác động vào quá trình xây dựng chính sách. Kết quả của mối quan hệ này được thể hiện qua Luật GD 2019. Đây không phải là kết quả cuối cùng và càng không phải là đích đến của những nhà làm chính sách. Điều mà không chỉ những người làm chính sách mà cả xã hội mong muốn đó là: Luật phải thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Muốn đạt được điều này, đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay vào cuộc mà nòng cốt chính là khâu vận hành thực hiện của đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật.