Tham vấn học đường: Đồng hành thay vì ra lệnh

GD&TĐ - Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham vấn tâm lý học đường, thầy cô cần đồng hành để lắng nghe tâm sự và chia sẻ của trò hơn là ra lệnh.

Phòng tư vấn tâm lý học đường của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ là nơi để học sinh có thể tâm sự, chia sẻ những vấn đề mình gặp phải tới thầy cô. Ảnh: TG
Phòng tư vấn tâm lý học đường của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ là nơi để học sinh có thể tâm sự, chia sẻ những vấn đề mình gặp phải tới thầy cô. Ảnh: TG

Nhiều cách làm

Hơn 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, cô Trần Thị Định - phụ trách công tác tham vấn tâm lý học đường Trường PTDL Hermann Gmeiner (Hà Nội) cho rằng, hiện nhiều thầy cô và phụ huynh chủ yếu quan tâm đến sức khỏe thể chất và kết quả học tập mà ít chú ý đến đời sống tinh thần của học sinh. Điều này dẫn đến không ít em phải đối mặt với vấn đề tâm lý như căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu…

Ngoài ra, áp lực của xã hội cũng khiến các em tự đặt cho bản thân mục tiêu cao và dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bi quan khi không đạt được thành tích như mong muốn. Do vậy, công tác tham vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông ngày càng trở nên cấp thiết. Trong nhiều năm qua, nhà trường đã áp dụng các giải pháp để duy trì, nâng cao hiệu quả của phòng tham vấn tâm lý học đường - nơi học sinh có thể đến bất cứ lúc nào nếu có nhu cầu.

Theo cô Định, ở giai đoạn tuổi dậy thì và vị thành niên, học sinh dễ mâu thuẫn với bố mẹ do cách suy nghĩ khác nhau. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần và khiến các em sống tách biệt với gia đình (thường trốn trong phòng riêng, không nói chuyện, giao lưu với người thân). Trong trường hợp này, cả học sinh và bố mẹ đều có thể tham gia tham vấn tâm lý học đường để gỡ bỏ mâu thuẫn và thấu hiểu nhau hơn.

“Do khoảng cách về tuổi, thế hệ nên nhiều giáo viên khó hiểu được tâm lý của học trò. Tham vấn học đường giúp thầy cô hiểu các em hơn, tạo sự gắn kết và ngăn ngừa những phát sinh mâu thuẫn từ xa, từ sớm. Đây là lý do tham vấn tâm lý học đường được thực hiện cho cả giáo viên đứng lớp. Công tác này còn góp phần giảm tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về tâm lý nếu được can thiệp kịp thời”, cô Định phân tích.

Nhấn mạnh vai trò của phòng tham vấn học đường, cô Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, nhà trường có phòng tâm lý học đường cùng nhân viên chuyên trách để sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe những tâm sự, chia sẻ của học trò khi gặp vấn đề nào đó về tâm lý lứa tuổi, mối quan hệ với bạn bè hay áp lực trong học tập, gia đình…

Ban giám hiệu nhà trường xác định, để có được môi trường học đường an toàn, thân thiện không gì tốt bằng việc tạo nên những sân chơi bổ ích, các hoạt động cho học sinh tham gia. Khi các em được trang bị đầy đủ kỹ năng sống cần thiết bên cạnh kiến thức văn hóa thì tự biết cách giải quyết vấn đề dưới sự đồng hành, hướng dẫn của thầy cô và gia đình. Từ đó, các em biết tránh xa tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu để hình thành nên những thói quen tốt.

dong-hanh-thay-vi-ra-lenh-2-6457-8653.jpg
Học sinh Trường PTDL Hermann Gmeiner trong một hoạt động truyền thông về phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: TG

Nhiều bên cùng tham gia

Với hơn 1.000 học sinh đang theo học, công tác tham vấn tâm lý học đường là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch giáo dục hằng năm của Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), được triển khai bài bản, chặt chẽ với sự tham gia của nhiều bộ phận.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng, nhà trường đã thành lập phòng tư vấn riêng và có chuyên gia tâm lý được đào tạo chính quy. Đầu năm học, nhà trường tiến hành kiểm tra để tìm ra nhóm học sinh yếu thế có nguy cơ cần tham vấn học đường. Trong năm học vừa qua, phòng đã tổ chức 57 buổi với 187 lượt tham vấn cho cả học sinh, phụ huynh, giáo viên; trong đó có 172 lượt tham vấn cá nhân học sinh.

Những em gặp rối loạn hành vi và cảm xúc thường thuộc nhóm yếu thế như gia đình hoàn cảnh đặc biệt hoặc khó khăn, giao tiếp kém hoặc kết quả học tập không tốt. Một số có nguyên nhân từ kỳ vọng quá cao từ gia đình, thiếu sự thấu hiểu và động viên khích lệ (yêu cầu các môn đạt 8, nếu dưới 8 bị mắng là ngu dốt).

“Nhà trường tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại và mua bán người nhằm giúp học sinh trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nuôi dưỡng sức khoẻ tâm thần và sinh sản khoẻ mạnh. Cung cấp cho phụ huynh kiến thức làm bạn với con ở tuổi dậy thì để tránh các hành vi bạo lực gia đình. Tăng cường kết nối với giáo viên chủ nhiệm về những trường hợp học sinh cần hỗ trợ tâm lý”, cô Vân Hồng nói.

Về mặt giải pháp, theo cô Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, cán bộ phòng tham vấn của trường sẽ khảo sát thường xuyên để nhận diện các vấn đề mà học sinh đang quan tâm, sau đó thảo luận chuyên môn, định hướng cách làm để tiếp cận hỗ trợ. Dù vậy, công tác này phải có sự chung tay của các bộ phận như Đoàn thanh niên, thầy cô giáo, nhân viên y tế, phụ huynh mới phát huy được hiệu quả.

“Nhà trường tổ chức sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm lý của học sinh. Từ đó triển khai tham vấn tâm lý học đường vào thời điểm thích hợp như: Giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại trẻ em ở khối tiểu học; diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường cho học sinh khối THPT; chuyên đề Lắng nghe tuổi dậy thì khối THCS. Trường cũng phối hợp với khoa Tham vấn tâm lý học đường của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra các biện pháp tham vấn phù hợp”, cô Trần Thị Định trao đổi thêm.

Từ góc nhìn thực tế, cô Chử Thị Hồng Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội) nhấn mạnh, tổ tham vấn tâm lý học đường của trường có nhiệm vụ chủ động rà soát, tìm ra học trò có biểu hiện bất thường về tâm lý. Sau khi tìm hiểu, tổ sẽ cử thành viên phù hợp để giúp đỡ học sinh.

Ngoài ra, trường có nhóm nghiên cứu giáo dục kỹ năng sống. Nhóm sẽ căn cứ thực tế thiết kế chương trình để lồng ghép các tiết dạy học, sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, từ đó giải quyết các vấn đề học sinh đang gặp phải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.