Tham vấn học đường: Cần sự đồng hành của phụ huynh

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, cha mẹ có sự tham gia nhất định trong quá trình tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên. Nếu không có sự ủng hộ của phụ huynh thì công tác tham vấn sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, các nhà tham vấn cần xây dựng khung làm việc với cha mẹ học sinh trong quá trình tham vấn tâm lý học đường.

Hoạt động tham vấn có hiệu quả cao khi cha mẹ HS cùng vào cuộc
Hoạt động tham vấn có hiệu quả cao khi cha mẹ HS cùng vào cuộc

Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh

Trong một nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hằng Phương - Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), kết quả khảo sát phụ huynh ở Đà Nẵng cho thấy, phụ huynh cần nhà tâm lý học đường (TLHĐ) hỗ trợ cho con cái ở trường; đồng thời họ cần được hướng dẫn thực hiện các hoạt động tương tác với con và cũng nhiều phụ huynh cần được tư vấn cho mình.

Cụ thể là 29,3% phụ huynh mong được các chuyên viên TLHĐ tư vấn cho họ về cách dạy con học tập (cách nói với con như thế nào để con làm bài, nhắc nhở con chuyện sách vở bút giấy như thế nào cho phù hợp...). Có đến 35,1% phụ huynh mong được các cô test/trắc nghiệm cho con xem con có phát triển đúng với lứa tuổi, có mức độ nhận biết và thông minh ở mức nào.

So sánh kết quả từ các phụ huynh có con bị các rối nhiễu đang được hỗ trợ tâm lý - giáo dục cho thấy, nhóm phụ huynh này có nhu cầu sử dụng test nhiều cho các con hơn.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương đã tìm được những câu trả lời cho vấn đề đặt ra, nhận thức và nhu cầu của phụ huynh đối với hoạt động TLHĐ, nghiên cứu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay là: Thứ nhất, mức độ hiểu biết của phụ huynh đối với hoạt động này còn ở mức trung bình. Những vấn đề con cái họ đang gặp phải là khó khăn học tập (học kém, không làm bài tập, không hiểu bài…); gặp rắc rối với bạn bè, với GV; khó khăn với tuổi dậy thì; trong tương tác tâm tình với bố mẹ; hoặc không định hướng được tương lai…

Thứ hai, phụ huynh có nhu cầu trong việc được tư vấn về cách trò chuyện với con; về các test đo mức độ phát triển của con; cách xử lý tình huống hàng ngày với con hiệu quả…

Và thứ ba, phụ huynh mong đợi/đề xuất về chuyên viên tham vấn học đường là người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, tổ chức được các buổi trò chuyện, chia sẻ cho HS và cả cho phụ huynh, nhằm mục đích của họ hiểu con hơn để giáo dục con tốt hơn.

Cần xây dựng khung làm việc với phụ huynh

Theo thạc sỹ Đoàn Bắc Việt Trân - Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa thanh thiếu niên và cha mẹ có những đặc trưng, đồng thời cũng dễ xuất hiện những mâu thuẫn khi đây là giai đoạn thanh thiếu niên muốn thể hiện sự độc lập trong vị thế giao tiếp của mình với người lớn, muốn cho thấy mình đã trưởng thành trong khi cha mẹ chưa dễ dàng chấp nhận điều này. Trong công tác tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên, những đặc trưng tâm lý trong mối quan hệ giữa cha mẹ với thanh thiếu niên rất cần được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho quá trình tham vấn diễn ra thuận lợi.

Cha mẹ có sự tham gia nhất định trong quá trình tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên. Có những trường hợp chính cha mẹ là người đưa con đến gặp chuyên viên tham vấn, hoặc cha mẹ đến gặp chuyên viên tham vấn với đề nghị được cho lời khuyên nên làm gì với con, hoặc, thậm chí đề nghị chuyên viên tham vấn tiếp cận riêng con mình trong vai trò như một gia sư hoặc người quen của bố mẹ để giúp đỡ hoặc hướng dẫn con. Đặc biệt, có cha mẹ đặt vấn đề muốn chuyên viên tham vấn uốn nắn con của họ theo ý họ.

Mặt khác, ở phương diện pháp luật, cha mẹ là người giám hộ hợp pháp khi con vẫn còn trong độ tuổi trẻ em theo quy định. Chưa kể, ở phương diện giao dịch hợp đồng dịch vụ tham vấn thì trong phần lớn trường hợp cha mẹ là người thanh toán chi phí, nếu đó là quá trình tham vấn có tính phí. Và thường là cha mẹ luôn có một mong đợi, một kỳ vọng về kết quả quá trình tham vấn sẽ mang lại. Tổng hợp các khía cạnh, có thể thấy rằng, cha mẹ có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với quá trình tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên.

Cùng với các hoạt động giáo dục đa dạng trong nhà trường, hoạt động tham vấn học đường góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả giáo dục HS. Tuy nhiên, hoạt động tham vấn vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ nhận thức của HS và các lực lượng giáo dục, cũng như từ điều kiện hoạt động còn hạn chế. Vì vậy hoạt động tham vấn học đường chỉ đạt hiệu quả cao khi có được sự hỗ trợ của Ban giám hiệu và các lực lượng giáo dục trong nhà trường. 
 
TS Nguyễn Thị Bích Hồng -
Trường Đại học Sư phạm TPHCM

Thạc sỹ Đoàn Bắc Việt Trân trao đổi, nhà tham vấn cũng cần có sự phân định trong phạm vi giới hạn của các vấn đề. Mối quan hệ giữa cha mẹ và thanh thiếu niên vốn dễ chứa đựng nhiều mâu thuẫn, chưa kể đến những mâu thuẫn có thể có trong mối quan hệ giữa cha và mẹ, những vấn đề trong mối quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình.

Trong một phiên làm việc, có thể đề tài và nội dung bị chuyển sang một hướng khác khi có một vấn đề liên quan nào đó được chạm tới và trở thành chủ đề được quan tâm. Về vô thức, đây có thể là một mâu thuẫn, một nhu cầu bị dồn nén từ lâu và cũng có thể đây là một “cách” an toàn khi các thành viên trong gia đình đang muốn làm mờ nhạt đi vấn đề đang trao đổi vì một lý do sâu xa nào đó. Do đó, nhà tham vấn cần tỉnh táo bám sát mục tiêu và chiến lược đã đề ra ban đầu.

“Như vậy, cần xây dựng khung làm việc với cha mẹ trong quá trình tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên. Khung làm việc này bao gồm: Việc xác định vai trò, mục tiêu, cách thức tương tác, phân định vấn đề và phạm vi tham vấn. Đồng thời cảnh giác trước việc bị ảnh hưởng bởi các liên minh.

Nếu khung làm việc được xây dựng vững chắc, quá trình tham vấn có cơ hội diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Nếu nhà tham vấn gặp khó khăn trong việc tạo lập khung làm việc trong các trường hợp cụ thể, việc thảo luận với người giám sát là cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả của quá trình tham vấn tâm lý”- thạc sỹ Đoàn Bắc Việt Trân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.