Tham vấn, tư vấn học đường - khoảng trống nhân lực

GD&TĐ - Một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn – tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Vấn đề này được đưa ra tại hội thảo "Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh 4.0" do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức hôm nay (23/4).

GS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) dẫn số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy: khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư ở trong Trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.

Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tính phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

Thực trạng xã hội cho thấy để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chúng ta phải tập trung chăm sóc đời sống và sức khỏe tinh thần cho HSSV để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung này; gần đây nhất là Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT "Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông" có hiệu lực từ ngày 2/2/2018.

Tuy nhiên, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn – tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng.

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo 

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, cho tới hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.

Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lí hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tham gia.

Mặc dầu hàng năm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.

"Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội thời gian qua, bên cạnh tham gia xây dựng và góp ý phản biện các văn bản chính sách có liên quan, đã hoàn thành việc xây dựng chương trình thạc sĩ Tham vấn học đường theo định hướng nghiên cứu (được ĐHQGHN phê duyệt và triển khai đào tạo thử nghiệm) và chương trình Thạc sĩ Tham vấn học đường theo định hướng ứng dụng (đang chờ phê duyệt).

Nhà trường cũng đang triển khai xây dựng Bộ tài liệu tập huấn theo Khung chương trình Bồi dưỡng năng lực Tư vấn học đường cho giáo viên phổ thông do Bộ GD&ĐT sẵn sàng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên" - GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.

Nhấn mạnh yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu các nhà trường, trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - cho biết: Trong thời gian tới, yêu cầu 100% các giáo viên tham gia tư vấn tâm lý được bồi dưỡng chương trình chuẩn do Bộ GD&ĐT qui định.

Các trường đào tạo tâm lý giáo dục có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng để xử lý các ca nặng.

"Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Thông tư qui định bộ quy tắc ứng xử; chỉ đạo tập huấn cốt cán phụ trách công tác tư vấn tâm lý tại các địa phương; các Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các lớp tập huấn để cấp chứng chỉ cho giáo viên trực tiếp làm công tác tư vấn tâm lý" - ông Bùi Văn Linh chia sẻ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu giáo dục, những nhà thực hành tham vấn học đường chia sẻ những cơ hội và thách thức đối với công tác đào tạo và phát triển nghề từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam; tham khảo các mô hình tham vấn học đường chuyên nghiệp từ các trường quốc tế và trong nước.

Điều kiện thực tiễn để triển khai đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh CMCN 4.0, các chiến lược phát triển ngành tham vấn học đường ở Việt nam học tập từ kinh nghiệm thế giới, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tham vấn học đường ở Việt Nam cũng như đảm bảo chất lượng hành nghề của các chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh hiện nay cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.