Địa chỉ tin cậy
“Căn phòng yêu thương” là tên gọi của Phòng Tham vấn học đường Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội). Với thiết kế khác biệt, thân thiện và ấm cúng, không gian nơi đây để lại ấn tượng sâu sắc cho HS khi lần đầu đến với phòng tham vấn.
“Lần đầu tiên em thấy một căn phòng đẹp như thế trong trường mình. Em cảm nhận được sự chia sẻ khi đến chỗ các cô để thổ lộ những câu chuyện vốn chỉ giữ cho riêng mình”, tâm sự của HS Trường Ban Mai về căn phòng các em yêu thích.
Theo thầy Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Ban Mai, mục tiêu của Phòng Tham vấn học đường là giúp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ về rối loạn tâm lý gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ cũng như vấn đề bạo lực học đường.
Phòng Tham vấn học đường trở thành cầu nối giữa Nhà trường – HS - Gia đình và góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực. Chuyên gia của Phòng Tham vấn học đường không chỉ lắng nghe, chia sẻ, giúp HS thấu hiểu và giải quyết các vấn đề của bản thân mà còn phối hợp với gia đình, thầy cô để hỗ trợ các em hiệu quả nhất.
Ngoài ra, thầy cô luôn chào đón những bạn mong muốn tìm hiểu rõ hơn về bản thân mình như những điểm mạnh và yếu, hay khác biệt trong tính cách của từng HS. Bên cạnh đó, các cô cũng hỗ trợ các em một số kỹ năng (làm việc nhóm, giao tiếp, diễn đạt, định hướng nghề nghiệp...).
Cô Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: HS THCS là lứa tuổi có thay đổi về tâm sinh lý rõ rệt nên cần tư vấn của thầy cô giáo. Xác định được vấn đề quan trọng này, nhà trường có phòng tư vấn riêng với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.
Ở đó có một số sách báo mà HS ưa thích, đồng thời bảo đảm không gian riêng cho các em khi có nhu cầu tư vấn. Tư vấn viên thân thiện, cởi mở, khéo léo, giữ bí mật thông tin mà HS chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp và kỹ thuật tư vấn…
Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Nhiều năm nay, Phòng Tư vấn tâm lý của trường hoạt động khá hiệu quả. Đến với phòng tư vấn, HS được thầy cô giải đáp những thắc mắc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, các em còn được định hướng về tương lai, về nghề nghiệp sau này.
Chức năng của phòng tâm lý học đường là kết nối mọi học trò với thầy cô và mái trường. Đặc biệt, đây là nơi đón nhận tâm tư HS trong lúc buồn nản, chịu áp lực. Kể cả khi học trò vui quá, phấn khởi muốn sẻ chia thành công cũng luôn có người đón nhận.
Tạo cảm giác an toàn, nồng ấm
Bà Bùi Bảo Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: Dù trường có diện tích nhỏ nhưng Ban giám hiệu vẫn xếp một phòng riêng để làm nơi tư vấn tâm lý cho HS. Tổ tư vấn học đường được thành lập gồm nhiều thầy cô tâm huyết nhằm hỗ trợ, giúp đỡ khi các em gặp khó khăn về tâm lý trong học tập,
cuộc sống.
Công tác tham vấn, tư vấn có thể thực hiện với từng cá nhân hoặc theo nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc trực tuyến qua mạng nội bộ, email. Tại phòng tư vấn tâm lý, HS được giải đáp về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Những kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp tùy theo cấp học cũng sẽ được tổ tư vấn tham vấn.
Để hỗ trợ tối đa cho HS, GV đã xây dựng chuyên đề về tư vấn tâm lý và bố trí thành bài giảng riêng, hoặc lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; dạy tích hợp nội dung tư vấn tâm lý trong môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Cô Nguyễn Hạnh Chi - thành viên Ban giám hiệu Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) thông tin: Phòng Tâm lý học đường của trường thành lập từ năm 2013, ban đầu chỉ có một thành viên. Từ đó đến nay, phòng không ngừng phát triển về chuyên môn và nhân sự. Hiện tại, mỗi cấp học đều có chuyên viên tâm lý riêng phụ trách.
Bên cạnh sàng lọc và phòng ngừa trên phạm vi toàn trường, các hoạt động đánh giá và hỗ trợ, can thiệp cho cá nhân, nhóm gặp khó khăn về học tập, cảm xúc, hành vi, mối quan hệ cũng là nhiệm vụ trọng tâm của phòng. Mục tiêu cuối cùng là giúp HS có sức khoẻ tâm thần tốt nhất, được tạo điều kiện thuận lợi cũng như phát triển tối đa tiềm năng trong các lĩnh vực.