Câu Lạc bộ Giám đốc các Trung tâm GDTX toàn quốc phối hợp với Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức Hội thảo tham vấn về chính sách đối với nhà giáo giáo dục thường xuyên trong dự thảo Luật Nhà giáo, tại Trung tâm GDPT tỉnh Phú Thọ.
Tham dự Hội thảo có TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, TS Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ GDTX cùng đại diện lãnh đạo, công chức các Vụ chuyên môn thuộc Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDTX có số lượng lớn, đóng góp vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình GDTX, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
Cụ thể, có tổng số 20.880 giáo viên, nhân viên trong 18.557 trung tâm GDTX toàn quốc; 45.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong 5.753 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 79.903 cán bộ quản lý, báo cáo viên và cộng tác viên tại 10.491 trung tâm học tập cộng đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách cho nhà giáo GDTX chưa được hoàn thiện. Còn nhiều khoảng trống khiến cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo GDTX, cũng như công tác quản lý nhà nước về nhà giáo GDTX gặp khó khăn.
Trong khi tại Khoản 1 Điều 6 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”.
Quy định của Luật Giáo dục cũng như thực trạng hiện nay của hệ thống GDTX tại các địa phương cho thấy, GDTX là một hệ thống với mục tiêu, nội dung, phương pháp và các loại mô hình cơ sở có tính đặc thù.
Vì vậy, cần có hệ thống chính sách toàn diện, xuyên suốt cho nhà giáo GDTX như nhà giáo trong các cấp học và trình độ đào tạo để đảm bảo cơ sở pháp lý cho nhà giáo GDTX hoạt động nghề nghiệp.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: việc Bộ GD&ĐT lựa chọn Phú Thọ là địa điểm tổ chức Hội thảo tham vấn về chính sách đối với nhà giáo GDTX trong dự thảo Luật Nhà giáo, phục vụ biên soạn dự án Luật Nhà giáo được Sở GD&ĐT xác định là một nhiệm vụ quan trọng.
Đảng, Nhà nước chủ trương "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài"; trong đó, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo.
Việc Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, đồng thời giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà giáo.
Báo cáo tổng quan về dự thảo Luật Nhà giáo và chỉ đạo định hướng đối với các nội dung tham vấn tại Hội thảo, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã yêu cầu các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung nghiên cứu, rà soát dự thảo Luật Nhà giáo để tham vấn cho Ban soạn thảo về những chính sách cụ thể đối với nhà giáo GDTX.
Trong đó có việc mô tả rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, định danh nhà giáo GDTX, các chính sách cụ thể cho nhà giáo GDTX như chế độ làm việc, chính sách tuyển dụng, điều động, thuyên chuyển, biệt phái, tiêu chuẩn giám đốc Trung tâm GDTX...
Tại Hội thảo, đại diện 49 trung tâm GDTX toàn quốc đã tập trung thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo và các góp ý chi tiết đối với các chính sách liên quan đến nhà giáo GDTX.
Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm GDTX toàn quốc tiền thân là Câu lạc bộ Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, thành phố được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 1987. Đến nay, CLB đã phát triển rộng ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Việc CLB chủ trì tổ chức Hội thảo tham vấn về chính sách đối với nhà giáo GDTX trong dự thảo Luật Nhà giáo là hoạt động có ý nghĩa đối với đội ngũ nhà giáo GDTX toàn quốc.