(GD&TĐ) - Chiếc xe bảy chỗ chòng chành bám đường, bám núi đưa chúng tôi đến với Xuân Sơn trong cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 7 nơi miền sơn cước. Từng thửa ruộng bậc thang đang được người dân dẫn nước vào, be bờ, làm đất để đón những chân mạ mang về vụ mùa mới. Màu xanh mướt mát của những nương sắn, tăm tắp đồi chè, rồi ngút ngàn cây lá của rừng quốc gia Xuân Sơn… như sinh sôi hy vọng về sự sống bình yên nơi này.
Trập trùng rừng núi
Cách Hà Nội khoảng 130km về phía Tây, nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn - rừng quốc gia Xuân Sơn (thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) khoác tấm áo trên 15 nghìn ha với thảm thực vât – động vật nguyên sinh duy nhất trên núi đá vôi. Trong số 726 loại thực vật bậc cao thì còn 32 loại quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có nhiều loại cây có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao như lát, sến mật, chò chỉ, nghiến... Với 365 loài động vật hiện có ở đây, có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ thế giới. Ngoài sơn dương có số lượng nhiều nhất cả nước trú ngụ ở rừng này thì Xuân Sơn còn có nhiều loài đặc trưng cho hệ động vật ở vùng Tây Bắc như voọc xám, vượn chó, cày bạc má, gấu, báo, sóc bụng đỏ đuôi trắng...
Chiếc xe oằn mình theo khúc cua đột ngột, lắc lư cùng nhịp đánh lái của bác tài - từng thảm thực vật hiện ra hùng vĩ và dày đặc. Những cây chò chỉ thẳng tắp, hiên nganh đứng dọc bên đường như minh chứng cho sức sống của rừng già nguyên sinh. Dây leo giăng mắc, ken nhau kín đặc, thỉnh thoảng những đàn bướm rừng tung tăng bay va vào cửa kính xe để lại vệt phấn mờ… Mở cửa kính xe để hưởng không khí mát lạnh của núi rừng, chúng tôi nhất loạt hướng mắt qua những vuông cửa để ngắm và trầm trồ với vẻ hoang dại, nguyên thủy của cánh rừng Xuân Sơn. Cùng đoàn xe, chị Hà Thị Hương (Trưởng phòng giáo dục huyện Tân Sơn), người con của đất Phú Thọ - đã quá quen thuộc với từng lạch suối, cây rừng nơi đây nhưng vẫn lặng người để chiêm ngưỡng vẻ kỳ thú của thiên nhiên, niềm nở “hôm nay mình đi may mắn đấy, nắng to nên không gian trong trẻo. Chứ những hôm trời âm u, sương dày đặc, không khí ẩm thấp, vắt bậu vào cửa xe là chuyện thường, chỉ cách 2 m là không nhìn thấy gì đâu”.
Chòi đựng lương thực của người Dao bản Cỏi |
Chỉ cách đây 5 năm, nếu ai đến với Xuân Sơn thì “phương tiện” duy nhất là cuốc bộ. Đường rừng gập ghềnh, muỗi, vắt, thú dữ luôn rình rập bất cứ ai. Nhưng từ năm 2007, mặc dù đường dải nhựa chỉ đủ để hai chiếc ô tô tránh nhau mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của đất và người Xuân Sơn, từ bấy đến giờ xã đã đón nhiều đoàn vào rừng du lịch, thăm quan và nghiên cứu - anh Bàn Xuân Lâm (chủ tịch xã Xuân Sơn) cho biết.
Vượt cửa rừng khoảng 5 km khi trời đã xế chiều, một vùng đất đai tương đối bằng phẳng trải ra trước mắt. Những thửa ruộng bậc thanh đang được “bắt” nước vào, từng cô sơn nữ nhấp nhô nón đang ải đất để chuẩn bị vụ lúa mới. Nơi đây, những mái nhà sàn được xây dựng cách tân, có cửa kính, bòn tắm nóng lạnh phục vụ mục đích kinh doanh của trưởng xã Lâm là hoành tráng nhất. Người đàn ông sinh năm 1962, với nước da bánh mật, thân hình khỏe khoắn, trắc nịch như cây lim, cây táu này, chia sẻ “xã Xuân Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyên Tân Sơn, rộng trên 6000 ha có 1060 khẩu với 258 hộ dân, chủ yếu là người Dao, người Mường, từ đời này sang đời khác vẫn mải miết với rừng. Thế mà diện tích làm nông nghiệp chỉ 47 ha thôi. Thu nhập bình quân đầu người là 3 triệu đồng/năm người, nếu tính bằng thóc thì 330kg/năm/người. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn lắm”.
Chỉ thấy ngô và sắn chảy dài trên khắp các sườn đồi, thung lũng. Trong trái nhà sàn của từng hộ gia đình người Dao, những bắp ngô tẻ hạt đều tăm tắp vắt vẻo, lơ lửng, chất chồng lên nhau… cho thấy vụ mùa bội thu.
Gửi xe ở nhà trưởng xã Lâm, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình cuốc bộ về bản Cỏi. Những nếp nhà rải rác bằng tre, nứa, lá xen lẫn mỏm đá nâu xám heo hút… Cuộc sống bình lặng diễn ra nơi đây. Từng cái chòi dựng cao để chứa lương thực tránh chuột, bọ, ngập lụt… cứ im lìm, lặng lẽ men theo cuộc sống của người dân. Lợn thả rông chạy khắp bản. Nơi đây là xứ sở của gà chín cựa. “Mua bao nhiêu cũng có, giá khoảng 250.000/kg, nhưng tìm được gà 9 cựa giờ khó lắm, đa số là 7 đến 8 cựa…”, người thanh niên Dao cứ thao thao như vậy khi được hỏi về “sản vật” nơi này.
Những cụ già đã ngoài 80, 90 tuổi mà vẫn đeo dao lên nương chặt củi, làm rẫy. Dường như không khí trong lành nơi đây đã khiến họ quên thời gian để tính tuổi cùng với rừng, với núi.
Người dân cứ lầm lũi với núi, chan hòa cùng suối… “chả ra phố huyện bao giờ, sống thế này quen rồi” mặc dù con đường nhựa đã dễ đi, câu trả lời của cô gái cháu trưởng xã Lâm cùng ánh mắt mang vẻ hoang dại ấy làm tôi ám ảnh.
Trường TH - THCS Xuân Sơn |
Rừng là máu thịt
Bốn bản: Lạng, Dù, Lấp, Cỏi của xã Xuân Sơn quanh năm được “tắm” trong không khí trong lành của rừng già nguyên sinh. Từ năm 1992 “Lá phổi xanh” Xuân Sơn được nhà nước đưa vào danh mục khu bảo tồn thiên nhiên. Việc giữ gìn và bảo vệ rừng là trọng trách của chính quyền và người dân. Chả thế khi mở đường để trải nhựa không được chặt bất cứ một cây rừng nào, men theo cây mà đi dù cho khúc khuỷu, ngoằn nghoèo. Khi đoàn chúng tôi đến bản Cỏi, hai cây chò chỉ sừng sững vút lên trời xanh. Chưa bao giờ tối thấy chò chỉ nhiều như nơi này, thân tròn, vươn thẳng tắp, những nhánh lan rừng buông thõng cành lá. Trên đường tới hang Na, một cây gỗ chò chỉ bị đổ rạp xuống mép đường do lũ rừng, thân đã khô - hai người ôm không xuể. Người dân bản địa cho biết “không ai được động đến cây đó đâu, kiểm lâm họ kiểm tra kỹ lắm”. Điều này đã trở thành thông điệp thuyết phục nhất đối với người dân nơi đây trong việc bảo vệ rừng.
Nằm lọt thỏm trong thung lũng là trường Tiểu hoc – Trung học cơ sở Xuân Sơn. Khi đặt chân tới công trường thì trời đã nhá nhem tối. Muỗi rừng tìm ánh sáng của đèn lao tới, rồi đến những loài côn trùng đua nhau bay ra. Thầy Văn (hiệu trưởng nhà trường) thổ lộ “Hôm nay trời nắng ráo là ít muỗi đấy; chứ vào mùa ẩm, mùa mưa thì đêm con vắt bò vào tận màn”. Tối đến thì ai vào phòng người đó (nhà trường có dãy tập thể cho cán bộ giáo viên), ra ngoài sợ rắn rết…
Sương bắt đầu giăng mắc, bốn bề đen thẫm bởi núi non trùng điệp. Các thầy cô hàng tuần vẫn lăn lội vào bản để vận động học sinh đi học mang cái chữ về xây dựng quê hương. Sự nghiệp trồng người mà lắm gian nan.
Nhà sàn - nơi đặt phòng truyền thống của trường được trang hoàng kỹ lưỡng, giấy khen, bằng khen được treo ngay ngắn. Nhưng xuất hiện một dòng chữ rất gây chú ý là “ăn thịt dơi muôn đời học dốt”. Hỏi ra mới biết người dân nơi đây có thói quen bắt dơi để ăn thịt. Nhưng khi được tuyên truyền rằng loài dơi rất tác dụng: khi chúng ăn quả chín, gieo hạt cây rừng khắp nơi để những mần cây xanh tiếp tục đâm chồi. Vì thế bài đồng dao ấy đã trở thành bài học nằm lòng đối với học sinh miền sơn cước này.
Hương Lan (Bút ký)