Thái Nguyên chú trọng nâng chất đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Giáo dục Thái Nguyên.

Giáo viên chủ động tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: Phương Thảo
Giáo viên chủ động tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: Phương Thảo

Chuẩn hóa đội ngũ

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều năm qua, với sự chủ động của cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành Giáo dục Thái Nguyên tập trung đồng bộ nhiều giải pháp như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp, rà soát, sắp xếp cán bộ, giáo viên; Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Tăng cường thăm lớp, dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp, đánh giá xếp loại cán bộ quản lý...

Mỗi năm, ngành Giáo dục tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ chương trình dạy học, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và sử dụng thiết bị; 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng và nâng cao lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý. Thái Nguyên còn đề ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo (thời điểm này, so với mục tiêu, còn thiếu 10,53%).

Ông Hoàng Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi xác định chuẩn hóa và nâng chuẩn trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, thực hiện mục tiêu Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh”, trung tâm đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với Sở GD&ĐT, phối hợp với cơ sở giáo dục đại học thực hiện liên kết đào tạo, nâng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, trung tâm phối hợp cùng đơn vị chức năng tổ chức nhiều lớp đại học chuyên ngành tiểu học (193 học viên), lớp mầm non (189 học viên). Hiện 165 học viên đã tốt nghiệp”.

Cô Nguyễn Thị Uyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Châu, (huyện Phú Bình) tốt nghiệp lớp Trung cấp Sư phạm Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên năm 1992. Năm 2004, cô Uyên tiếp tục học liên thông hệ cao đẳng tại trường rồi học lớp cử nhân quản lý tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên tiểu học trình độ chuẩn phải là đại học. Bởi vậy, năm nay, dù trên 50 tuổi và phải di chuyển xa nhưng cô Uyên vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành chương trình học tập, đáp ứng các yêu cầu theo Luật Giáo dục 2019.

Ngoài cô Uyên, tại huyện vùng cao Võ Nhai, dù phải đi về hơn 70 km trong ngày song nhiều thầy cô vẫn sắp xếp thời gian tham gia lớp học đầy đủ. Đơn cử, thầy Chu Văn Hải - giáo viên dạy điểm trường Kẹ, thuộc Trường Tiểu học Liên Minh (huyện Võ Nhai) tốt nghiệp hệ cao đẳng nên hiện học liên thông lên hệ đại học. Theo thầy Hải, quá trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn không khó khăn bởi Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện, sắp xếp thời gian để giáo viên có thể học ngày cuối tuần hoặc dịp Hè.

Tổ Ngoại ngữ - Trường THPT Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Ảnh: Phương Thảo

Tổ Ngoại ngữ - Trường THPT Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Ảnh: Phương Thảo

Chủ động nhập cuộc

Cô Lương Thị Kim Chung - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Lương, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) chia sẻ: Năm học 2023 – 2024, trường có 267 học sinh/8 lớp; 22 cán bộ, giáo viên, trong đó 14 giáo viên đạt trình độ đại học, 5 giáo viên, nhân viên trình độ cao đẳng, còn 3 giáo viên chưa đạt chuẩn.

Để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới, đặc biệt theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường thường xuyên khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên tích cực học tập, nâng cao chất lượng chuyên môn. Theo đó, nhiều thầy cô vừa tham gia chương trình bồi dưỡng chuyên môn vừa tích cực học chứng chỉ dạy môn tích hợp.

Thầy Nguyễn Thanh Phú là giáo viên Trường THCS Trung Lương (huyện Định Hóa). Năm 2015 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Phú dạy hợp đồng tại một số trường trên địa bàn huyện Định Hoá. Năm học 2023 - 2024, thầy Phú dạy hợp đồng định mức tại Trường THCS Trung Lương và được phân công dạy môn Khoa học Tự nhiên lớp 6, môn Sinh học lớp 9, Hoạt động trải nghiệm lớp 6.

Hè vừa qua, thầy Phú đã học thêm chứng chỉ dạy môn Khoa học Tự nhiên tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thầy Phú cho biết: Dù tốt nghiệp trình độ đại học nhưng để bắt nhịp chương trình mới, tăng hiệu quả dạy học, đòi hỏi giáo viên phải coi trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Cùng đó, mỗi nhà giáo khi bồi dưỡng chuyên môn cần phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, ứng dụng hiệu quả kiến thức vào công tác giảng dạy.

Tính đến tháng 10/2023, tỉnh Thái Nguyên có trên 25 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó biên chế hơn 17 nghìn, hợp đồng định mức khoán các trường công lập trên 7 nghìn và ngoài công lập hơn 1 nghìn. Tổng số giáo viên và cán bộ quản lý các cấp đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên hơn 19 nghìn (đạt tỷ lệ 89,47%), trong đó trên chuẩn gần 7 nghìn (đạt tỷ lệ 31,28%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Nỗi sợ của người thầy!

GD&TĐ - Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt”...