Nâng cao trình độ công nghệ cho cán bộ, giáo viên
Một trong những điều kiện quan trọng trước tiên để các nhà trường có thể bắt nhịp chuyển đổi số là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải được đảm bảo, đồng bộ. Đây là vấn đề được ngành giáo dục thành phố Thái Nguyên quan tâm chuẩn bị tốt.
Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn thành phố được kết nối đường truyền internet tốc độ cao; trang bị camera, tivi, máy chiếu để tương tác giữa lớp học trực tiếp với phòng trực tuyến; vận hành thông suốt hệ thống các phần mềm quản lí và dạy - học.
Xác định con người là chủ thể mang tính quyết định trong triển khai chuyển đổi số, Phòng GD&ĐT Thành phố Thái Nguyên chú trọng vào bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Ngành đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn chuyên đề với các nội dung thiết thực: Sử dụng nền tảng ứng dụng trong việc quản trị trường học, lớp học và dạy học trực tuyến; Ứng dụng Microsoft Forms trong việc thu thập thông tin, số liệu và kiểm tra đánh giá; Cập nhật dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.
Một số nội dung cũng được quan tâm triển khai đến cả gia đình, học sinh như: Sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy, học trực tuyến; Sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến; Kết nối và thực hành sử dụng hệ thống học trực tuyến tại nền tảng Zoom Meeting, Google Meet, Microsoft Teams...
Hiện nay, kho dữ liệu chung của với hàng nghìn video bài giảng, tài liệu hướng dẫn học tập đang được các trường của thành phố khai thác, chia sẻ đến giáo viên và học sinh, phục vụ hiệu quả việc dạy - học, nhất là trong tình hình dịch bệnh.
Tiện ích số cho người học
Tại trường THCS Nha Trang (TP Thái Nguyên), 100% cán bộ giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo tiện ích ứng dụng trong giảng dạy trực tuyến. Nhà trường cũng xây dựng phương án và thử nghiệm sử dụng phần mềm Azota để kiểm tra đánh giá trực tuyến, sẵn sàng cho những tình huống cần thiết.
Hiện nhà trường trang bị 5 đường truyền internet tốc độ cao, đồng thời các phòng học đều trang bị camera, tivi, máy chiếu, đảm bảo duy trì thông suốt việc dạy - học trực tuyến.
Vừa qua, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lớp học “song song” đã được nhà trường triển khai. Có lớp không học sinh, có lớp không giáo viên, có lớp vừa trực tiếp vừa trực tuyến, nhưng tất cả các giờ học vẫn được duy trì đảm bảo.
“Thật may là có công nghệ hỗ trợ, cho nên chúng tôi vẫn duy trì kịp thời tiến dộ chương trình. Nhờ bắt nhịp với chuyển đổi số, chúng tôi cung cấp học liệu để học trò tiếp cận đầy đủ, tương tác nhằm giữ cảm hứng học tập và không để em nào bị bỏ quên” - cô giáo Lê Thị Hồng Dung (GV Toán, trường THCS Nha Trang) chia sẻ.
Đối với trường tiểu học Trưng Vương (TP Thái Nguyên), đơn vị đang tập trung vào 3 nội dung chính: Xây dựng giáo án điện tử; Xây dựng thư viện điện tử; Triển khai thanh toán thu chi điện tử.
Hiện nhà trường sử dụng 8 đường truyền internet, trang bị 34 máy chiếu, 12 camera để phục vụ quản lí và dạy - học.
“Quản lí, dạy học và triển khai công việc qua môi trường điện tử thực sự rất hiệu quả, không chỉ tốt cho phía nhà trường và giáo viên mà còn rất tiện ích cho phía gia đình, học sinh. Vì vậy, việc triển khai chuyển đổi số của nhà trường nhận được sự hưởng hứng mạnh mẽ và đang cho thấy những tiến triển tích cực. Tất nhiên, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nâng cấp hạ tầng công nghệ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn” - thầy giáo Dương Duy Hưng, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.