Thái Nguyên: Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Sinh hoạt dưới cờ từ lâu đã trở thành hoạt động trải nghiệm thú vị, đa dạng, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc và bồi đắp tình yêu văn hóa cho học sinh.

Chương trình sinh hoạt dưới cờ được tổ chức tại trường PT Vùng Cao Việt Bắc
Chương trình sinh hoạt dưới cờ được tổ chức tại trường PT Vùng Cao Việt Bắc

Đa dạng hoạt động

Để những tiết sinh hoạt không còn khô khan, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ được tổ chức vào sáng ngày thứ hai, thầy và trò trường TP Vùng Cao Việt Bắc đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa và hấp dẫn.

Theo đó, học sinh các khối trong trường sẽ luân phiên mang đến những tiết mục văn nghệ, kết hợp giới thiệu về văn hóa, trang phục, tập tục, lễ nghi của một số dân tộc đặc sắc trên cả nước.

Học sinh trường PT Vùng Cao Việt Bắc mặc trang phục dân tộc trong giờ sinh hoạt dưới cờ
Học sinh trường PT Vùng Cao Việt Bắc mặc trang phục dân tộc trong giờ sinh hoạt dưới cờ

Tiêu biểu như nét độc đáo trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với những chiếc váy có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những hoạ tiết bậc thang, đan chéo. Người dân tộc Mông còn được biết đến với nhiều loại nhạc cụ, như: Khèn, sáo, khèn lá… Âm thanh nhạc cụ vừa mượt mà vừa hùng vĩ, mang âm hưởng trữ tình, không chỉ làm đắm say hồn người mà còn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt, cây khèn không chỉ là nhạc cụ mà trở thành một biểu tượng gắn liền với dân tộc Mông, tiếng khèn là âm thanh vang vọng của núi rừng, là tiếng réo rắt suối nguồn ào ạt thác đổ, khèn khi đi nương, đi chợ, lấy củi.

Đối với dân tộc Dao, các em học sinh trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã tái hiện lại lễ hội cầu mùa - lễ hội dân gian mang sắc thái tín ngưỡng văn hoá đặc trưng tiêu biểu được duy trì đến ngày nay. Thông qua việc xây dựng hình ảnh và lệ hát mời rượu, hát bốn mùa... Đặc biệt là hát đố thể hiện tư duy, trí thông minh, kinh nghiệm của người Dao trong đời sống một cách chân thực, tự nhiên, khéo léo, độc đáo khiến cho tiết mục trở nên thú vị và thu hút được rất nhiều sự chú ý từ phía khán giả.

Ngoài ra, các em học sinh còn có những buổi sinh hoạt dưới cờ đầy ý nghĩa theo chủ điểm tháng như tôn sư trọng đạo, chủ đề chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc

Thầy giáo Phạm Quốc Quân – Bí thư Đoàn thanh niên trường PT Vùng Cao Việt Bắc chia sẻ: “Để các hoạt động sinh hoạt dưới cờ hấp dẫn và lôi cuốn học sinh, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, Đoàn thanh niên trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã liên tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tổ chức như: sân khấu hóa; giao lưu, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ngày hội…

Đây là hình thức sinh hoạt hấp dẫn, mang lại niềm yêu thích và hứng thú cho học sinh. Góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện phẩm chất, kỹ năng cho học sinh để các em được phát triển toàn diện.

Đồng thời, khi các em quảng bá về văn hóa các dân tộc đến toàn thể thầy cô và học sinh trong toàn trường luôn có sự hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình từ phụ huynh học sinh, các già làng, trưởng bản. Do đó mỗi chủ đề đều được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tái hiện một cách chân thật, sống động không bị pha trộn các nền văn hóa khác nhau.

Sinh hoạt dưới cờ là hoạt động trải nghiệm thú vị, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc và bồi đắp tình yêu văn hóa cho học sinh.
Sinh hoạt dưới cờ là hoạt động trải nghiệm thú vị,  góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc và bồi đắp tình yêu văn hóa cho học sinh.

Em Lê Hoàng Bảo Ngọc, học sinh lớp 11A16, trường PT Vùng Cao Việt Bắc cho biết: “Sinh hoạt dưới cờ là trải nghiệm vô cùng thú vị mà em được trực tiếp tham gia. Với những tiết mục hấp dẫn, sáng tạo chúng em đã được hòa mình vào một không gian văn hóa đặc đặc sắc của đồng bào dân tộc. Điều đó không chỉ giúp chúng em có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử mà chúng em còn tích lũy cho bản thân thêm nhiều kỹ năng, bài học để thêm yêu, thêm tự hào về dân tộc mình.

Như vậy, việc xây dựng lồng ghép những bài học về văn hóa, lịch sử, đạo đức ngay trong tiết sinh hoạt dưới cờ bằng các hình thức phong phú như chương trình tìm hiểu về văn hóa, tổ chức, biểu diễn nghệ thuật…đã đem lại hiệu quả lớn trong công tác giáo dục, đạo đức lối sống và thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua đó, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.