Cùng đi với đoàn của Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Chánh văn phòng Trần Quang Nam cùng đại diện lãnh đạo một số Vụ của Bộ.
Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ
Sau khi thăm quan cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những kết quả trường đã đạt được trong những năm qua; chia sẻ với những nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường khi gánh vác, hoàn thành nhiều trách nhiệm trong môi trường giáo dục đặc thù của trường dân tộc nội trú.
Tự chủ và xã hội hóa đang là những xu thế lớn của giáo dục. Trước bối cảnh đó, xã hội càng cần gia tăng mối quan tâm đến các đối tượng đặc thù, nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục. Riêng đối với giáo dục dân tộc, nhiều vấn đề đòi hỏi cần giải quyết tốt như: kiên cố hóa trường lớp; dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc; dạy ngoại ngữ; lồng ghép hợp phần văn hóa trong chương trình giáo dục; thực hiện chính sách chế độ…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên vì đó là tài sản quan trọng nhất của nhà trường. Xây dựng đội ngũ sẽ quyết định đến việc phát triển nhà trường, quyết định khả năng tham gia gánh vác trọng trách trong tình hình mới. Mong các thầy cô thực sự dành tâm huyết, tự nâng cao năng lực bản thân, sẵn sàng thích ứng với đổi mới giáo dục”.
Phân tích về các yêu cầu của giáo dục dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm: Hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt ưu tiên thư viện, phòng học chuyên môn, điều kiện ăn ở; Rà soát thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chính sách nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong bối cảnh mới, trong đó có tính toán đến hướng mở rộng chức năng nhiệm vụ và mục tiêu của các trường nội trú để đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trong các yêu cầu đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh việc quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh. “Dù có hướng đến tri thức nhân loại, thì mỗi học sinh cũng vẫn cần bắt đầu bằng nền tảng về truyền thống văn hóa dân tộc mình. Đó là chỗ dựa tinh thần, sức mạnh văn hóa để các em đi đến với toàn cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.
Phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng rất đề cao vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo cho các trường dân tộc nội trú.
“Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là một môi trường rất tốt cho học sinh dân tộc thiểu số rèn luyện kỹ năng, tích lũy tri thức. Muốn giúp các em vừa tự tin vươn lên để kết nối và hội nhập tri thức, vừa giữ gìn bảo tồn, phát huy được những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, thì các thầy cô giáo phải thực sự thấu hiểu, tâm huyết. Có được đội ngũ tâm huyết, đó là vấn đề hết sức quan trọng” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh đánh giá.
Đồng tình về tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học trò trường dân tộc nội trú, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng để vươn lên kết nối và hội nhập tri thức, mỗi học sinh dân tộc thiểu số lại càng cần được trang bị tốt các giá trị cốt lõi về văn hóa dân tộc mình. Ý thức sâu sắc về cái riêng có của mình sẽ giúp các em tự tin vươn lên, vươn xa một cách vững vàng, trở thành nhân tố đóng góp cho cộng đồng, quê hương, đất nước.
“Được học tập sinh hoạt rèn luyện trong môi trường nội trú, các em cầng cần chú ý tìm hiểu, học hỏi, giữ gìn những nét đẹp tinh hoa trong văn hóa của dân tộc mình. Việc học tiếng nói chữ viết, việc hiểu và yêu trang phục mình mang trên người…, tất cả đều là những điều hết sức giá trị, ý nghĩa” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ.
Nhằm động viên, khích lệ thầy và trò nhà trường nỗ lực quyết tâm khi bước vào năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã tặng quà lưu niệm, khẩu trang y tế, đồng thời ủng hộ cho quỹ khuyến học của nhà trường để giúp đỡ các em học sinh vượt khó học tốt.
Thay mặt Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, cô giáo Lục Thúy Hằng, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong muốn các cấp các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ để đơn vị trở thành trường dân tộc nội trú trọng điểm chất lượng cao, đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu cho các bộ môn văn hóa mũi nhọn; là môi trường giáo dục toàn diện để học sinh dân tộc thiểu số rèn luyện hoạt động giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ và kỹ năng sống.
Những năm học vừa qua, nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc áp dụng đa dạng các hình thức; tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa vào chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông... Nhờ đó, hằng năm đều có hơn 200 học sinh đạt trên 27 điểm ở các tổ hợp xét tuyển vào đại học; tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh của trường luôn đứng thứ top đầu trong số các trường Trung học phổ thông trên địa bàn Thái Nguyên...