Thách thức và hệ lụy khôn lường…

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành thách thức với Việt Nam, nếu không được can thiệp tích cực thì có thể để lại những hệ lụy khôn lường.

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng112 bé trai/100 bé gái. Ảnh: S.Đ.
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng112 bé trai/100 bé gái. Ảnh: S.Đ.

Báo động từ con số

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính ở nước ta là 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ số này tương đương 2 năm trước đó. TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhìn nhận, đây là vấn đề bất thường và nghiêm trọng nếu không được can thiệp tích cực. Hiện tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đang ở mức cao hơn nhiều so với mức cân bằng tự nhiên là 105- 106 bé trai/100 bé gái.

Tuy xuất hiện muộn hơn so với các nước, nhưng theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng nhanh và lan rộng. Trước đây, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ, nay lan rộng ra hầu khắp cả nước; đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc.

Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021 cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng112 bé trai/100 bé gái. Kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 98,4 nam/100 nữ; trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,7 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 99,4 nam/100 nữ.

Còn theo Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 2/8/2021 của Bộ Y tế về “Danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025”, 21 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh trên 112 bé trai/100 bé gái; 18 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 109-112 bé trai/100 bé gái và 24 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái. Trong đó, Sơn La có tỷ lệ giới tính khi sinh cao nhất là 118,2 bé trai/100 bé gái; tỉnh Hưng Yên 118,1 bé trai/100 bé gái; tỉnh Bắc Ninh 117,7 bé trai/100 bé gái, Hà Nội 113 bé trai/100 bé gái…

Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tác động nghiêm trọng đến bất bình đẳng giới. Ảnh có tính chất minh họa/internet.
Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tác động nghiêm trọng đến bất bình đẳng giới. Ảnh có tính chất minh họa/internet.

Những hệ lụy khôn lường

Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới do Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) ban hành năm 2020, trên toàn thế giới hơn 140 triệu phụ nữ được coi là “biến mất” do tình trạng thích có con trai hơn con gái. Ông Bjorn Andersson, Giám UNFPA khu vực châu Á-Thái Bình Dương cảnh báo, tình trạng lựa chọn giới tính đang ngày càng gia tăng ở mức báo động vì nó phản ánh vị thế thấp kém và hạ thấp giá trị phụ nữ và trẻ em. Tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính cũng là vấn đề bất bình đẳng giới và vi phạm quyền con người của phụ nữ.

Việc mất cân bằng giới tính đã gây ra những tác động tiêu cực đối với phụ nữ, trẻ em gái cũng như xã hội của các quốc gia phổ biến tình trạng này, như ngày càng gia tăng tình trạng bạo lực tình dục, buôn bán người. “Nếu không có sự can thiệp tích cực ngay từ bây giờ thì mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội thảo tham vấn “Nam – Nam về chấm dứt tâm lý ưa thích con trai, hạ thấp con gái và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới” do Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hồi tháng 10 năm ngoái. Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tác động nghiêm trọng đến bất bình đẳng giới, đến sự tiến bộ và vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Một trong những hệ lụy trước mắt có thể dễ dàng nhìn thấy đó là "sức ép hôn nhân", thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều nam giới khó kiếm được vợ, làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Thừa nam giới còn khiến hàng triệu nam giới phải sống độc thân, cấu trúc gia đình bị phá vỡ; người già neo đơn, không nơi nương tựa có thể sẽ gia tăng…

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh cao sẽ tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi, thậm chí gây hệ lụy về kinh tế và xã hội khác. Đó là sự thay đổi về cơ cấu ngành, nghề, môi trường làm việc… Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc…

Khắc phục “gốc rễ” của vấn đề

Theo các chuyên gia, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cần “bắt mạnh” nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là làm thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng trọng nam khinh nữ.

“Chúng ta phải chấm dứt những quan niệm hạ thấp giá trị của trẻ em gái và phụ nữ, nỗ lực hỗ trợ các quốc gia, cộng đồng nhằm loại bỏ tâm lý ưa thích con trai và hành vi lựa chọn giới tính khi sinh” - ông Bjorn Andersson nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh, UNFPA kêu gọi sự quan tâm hơn nữa và đẩy mạnh nỗ lực xây dựng các chính sách, dữ liệu, bằng chứng và thực hiện các chương trình nhằm chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao gồm cả tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Khẳng định, bình đẳng giới là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước, xây dựng quốc gia ổn định, đồng thuận và phát triển bền vững. Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi các chính sách, pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này như: Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…

TS Phạm Vũ Hoàng cảnh báo, dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới sẽ khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm .... có nguy cơ tăng lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.