Nhiều người còn cho rằng giới là một chủ đề khó và rất mơ hồ với trẻ ở độ tuổi mầm non. Thách thức ở đây là làm thế nào để đưa bình đẳng giới vào giáo dục mầm non một cách phù hợp với lứa tuổi, nhẹ nhàng và hiệu quả.
Liệu có quá sớm khi đưa giới vào trong giáo dục mầm non?
Nghiên cứu cho thấy các khuôn mẫu và định kiến giới có ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành tính cách, sở thích và sự phát triển của trẻ em rất sớm, ngay cả trước khi trẻ tới các cơ sở giáo dục mầm non. Những khuôn mẫu giới (như trẻ trai thì chơi ở xây dựng, chơi ô tô, đá bóng, mạnh mẽ, không được khóc…, còn bé gái thì chơi bán hàng, búp bê, múa, nhẹ nhàng, nũng nịu…) làm hạn chế cơ hội được trải nghiệm, thể hiện bản thân, học hỏi và phát triển của cả bé trai và bé gái. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội, điển hình như bạo lực về giới hay bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động.
Ông Wouter Boesman, Giám đốc Chương trình Quốc gia, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹthuật Vùng Fla-măng (VVOB), cho biết: “Các vấn đề liên quan đến giới trong giáo dục mầm non là một chủ đề khó, vì đa số mọi người đều nghĩ rằng trẻ mầm non thì còn quá nhỏ để có thể hiểu được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khái niệm về giới được hình thành từ rất sớm, và trẻ nhỏ hình thành các khái niệm về giới bằng cách nhìn vào các khuôn mẫu giới mà người lớn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ cụ thể như nếu giáo viên hoặc phụ huynh thể hiện các khuôn mẫu giới và trẻ nhỏ lặp lại những khuôn mẫu này thì điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, và đó cũng là điều mà VVOB mong muốn xoá bỏ trong giáo dục mầm non.”
Phổ cập giáo dục mầm non quan tâm đến giới với phương pháp học thông qua chơi
Với tiền đề trên, VVOB và Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đã phối hợp triển khai dự án giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) cho trẻ ở giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi tại 02 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, với mong muốn tạo động lực để chương trình có thể lan toả ra cả nước.
VVOB xác định rằng việc đưa đáp ứng giới vào các hoạt động giáo dục mầm non cần cụ thể, thực tế, phù hợp với lứa tuổi và đặc biêt là phải hấp dẫn đối với trẻ nhỏ. Do vậy, VVOB và CGFED đã đẩy mạnh và tăng cường năng lực của giáo viên trong việc áp dụng ‘học thông qua chơi’ xuyên suốt dự án.
Bên cạnh đó, dự án GENTLE đã biên soạn Bộ tài liệu Giáo dục mầm non có đáp ứng giới (gồm 4 quyển, 3 bộ thẻ trò chơi tương tác, cùng 20 tập tranh ghép hình) nhằm cung cấp không chỉ các cơ sở lý luận mà cả các hướng dẫn và công cụ thực hành mang tính ứng dụng cao cho giáo viên và cán bộ quản lý trường mầm non. Thêm vào đó, dự án đã xây dựng thành công 15 trường điểm thực hiện Mô hình GDMN học thông qua chơi có đáp ứng giới thông qua một lộ trình xây dựng năng lực cụ thể với các khoá tập huấn, khai vấn, tham quan học tập, hội thảo chia sẻ, hội thảo thu hoạch và hội thảo phát triển chuyên môn cho giáo viên.
Bà Hà Thị Thu Hương, Quản Lý chương trình Giáo dục mầm non tại VVOB cho biết: “Một trong những đầu ra của dự án GENTLE là Bộ công cụ học thông qua chơi có đáp ứng giới. Bộ tài liệu này giới thiệu về môi trường giáo dục học thông qua chơi có đáp ứng giới và hướng dẫn áp dụng học thông qua chơi có đáp ứng giới vào cách thức tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục học cho trẻ em tại các trường mầm non. Với việc Bộ công cụ học thông qua chơi có đáp ứng giới được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, VVOB tin rằng có thể triển khai sâu rộng bộ tài liệu đến các tỉnh khác trên cả nước.”
Những tín hiệu lạc quan đầu tiên khi lồng ghép giáo dục giới qua các hoạt động vui chơi
Trong suốt 3 năm thực hiện thí điểm quá trình giảm thiểu khuôn mẫu về giới trong giáo dục mầm non, dự án GENTLE đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.Với 153 trường tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãitham gia chương trình, đã có 1.947 giáo viên được tập huấn, 32.229 trẻ được học tập trong môi trường giáo dục có yếu tố đáp ứng giới. Đặc biệt là có hơn 24.900 phụ huynh được truyền đạt thông tin và tham gia vào dự án.
Một giáo viên ở tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Có lần tôi hỏi các bé “Có bạn nào muốn làm bộ đội không?”, một trẻ gái giơ tay, trẻ trai bên cạnh nói “Chỉ có con trai mới làm bộ đội thôi”. Khi nghe bé trai nói vậy, tôi chợt nhận ra rằng trong lớp không có hình ảnh cô bộ đội, cũng như tôi chưa bao giờ nhắc đến hay trao đổi với trẻ về các cô bộ đội. Sau buổi hôm đó, tôi đưa thêm hình ảnh cô bộ đội vào góc minh họa về nghề nghiệp, và đặt câu hỏi thách thức với trẻ về các khuôn mẫu giới như “Trẻ trai và trẻ gái có thể làm những công việc gì?” và giải thích với trẻ rằng“Trẻ gái có thể làm cô bộ đội, trẻ trai cũng có thể làm chú bộ đội”. Trẻ dần chấp nhận hiểu ra rằng trẻ trai và trẻ gái đều có thể ước mơ làm bất kỳ nghề nghiệp nào.”
Theo chia sẻ của bà Đào Phương Thuý, Điều phối dự án GENTLE: “Dự án cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực ở phụ huynh.Đáng kể nhất, không chỉ phụ huynh nữ, mà phụ huynh nam cũng dần tự tin và cởi mở hơn khi trao đổi với nhà trường về việc chăm sóc con cái. Không chỉ vậy, phụ huynh nam cũng dần thay đổi những thói quen hằng ngày trong việc chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái và công việc nhà.Trong suốt quá trình triển khai dự án, trẻ cũng trở nên hạnh phúc hơn khi nhận được sự quan tâm và chăm sóc của cả bố và mẹ.”
Những kết quả khả quan ban đầu đã cho thấy tiềm năng của dự án GENTLE trong việc đưa các hoạt động có đáp ứng giới trong giáo dục mầm non giúp cho cả bé gái và bé trai được tiếp cận bình đẳng các cơ hội trải nghiệm, học hỏi và thể hiện bản thân, từ đó tạo điều kiện cho mọi trẻ em phát triển được hết tiềm năng của mình, cũng như góp phần nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non Việt Nam nói chung.