Trong những ngày nghỉ học, cậu bé Zaizai, 8 tuổi, được gửi đến sống cùng gia sư dạy tiếng Anh. Em gái 2 tuổi của em cũng đi theo để có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ này.
Dù việc học thêm hiện đang bị cấm tại Trung Quốc, chị Lu Ai, mẹ của Zaizai không mấy bận tâm vì đã mất gần 1,5 năm để tìm được chỗ học thêm cho con trai.
Từ tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách “giảm kép” trong đó, cấm tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh Trung Quốc dưới 16 tuổi vào ngày lễ hoặc cuối tuần. Đồng thời, phía trường học phải giảm khối lượng bài tập về nhà. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, các chuyên gia nhận thấy chính sách này đối mặt với nhiều thách thức.
Dù đã có lệnh cấm, nỗi lo lắng của phụ huynh vẫn còn nên các trung tâm có cơ hội hoạt động. Trong những ngày này, một trong những cách để tìm gia sư là truyền miệng. Nhiều gia sư giỏi dù không quảng cáo hay nổi tiếng nhưng đã được phụ huynh đặt kín chỗ trong vài năm tới.
2 năm trước, khi chính sách “giảm kép” được phê duyệt, nhiều phụ huynh cảm thấy nhẹ nhõm. Chị Lu Ai, người ban đầu hoan nghênh chính sách, đã từng nghĩ rằng giờ đây, mọi đứa trẻ đều đứng chung một vạch xuất phát. Nhưng khi một thầy dạy Toán nổi tiếng bí mật liên hệ, chị lại dao động.
“Nhiều gia sư dạy Toán rất tốt. Họ có thể giải thích một vấn đề trong 5 phút. Tôi tự hỏi nếu gặp một thầy như thế và con trai tôi lập tức tiến bộ thì sao?”, chị Lu Ai giải thích về việc bí mật cho con học thêm Toán trở lại.
Ông Hou Yuxin, giảng viên Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, cho biết trước đây, các tổ chức đánh vào tâm lý lo lắng con sẽ không thành công của phụ huynh để thúc đẩy nhu cầu học thêm. Bằng chứng là hàng loạt biển quảng cáo của các trung tâm với cùng một mục tiêu “giúp trẻ giành được thành công mà không ai có được”.
Sau đó, bà mẹ đăng ký cho con một lớp Tiếng Anh do người bạn giới thiệu vì Zaizai đang gặp khó khăn ở môn này. Trên hết, mọi phụ huynh đều bí mật cho con đi học. Các lớp học đông người gần như đã dừng hoạt động trong khi chi phí dạy một kèm một lại tăng lên.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc nhận thấy lệnh cấm khiến học phí dạy thêm trở nên đắt đỏ hơn và tiếp tục nới rộng khoảng cách giàu nghèo, dù đây là những điều mà chính sách muốn loại trừ.
Tại các đô thị loại một như Bắc Kinh hay Thượng Hải, một số gia sư hiện nay tính phí tới 3.000 nhân dân tệ cho một giờ học. Con số này cao gấp 10 lần trước đây và bằng khoảng 1/4 mức lương hàng tháng của người lao động chân tay.
Vì lý do này, anh Gong Erkang đã ngừng cho 2 con học thêm. Ông bố cho hay: “Tôi cảm thấy bất lực. Trước đây, tôi có thể gửi con học thêm đại trà nhưng giờ thì không còn gì cả. Chính sách “giảm kép” ảnh hưởng mạnh nhất đến các gia đình bình thường trong khi những gia đình giàu có luôn tìm ra cách”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá chung chính sách “giảm kép” mang lại nhiều kết quả tích cực. Khảo sát năm 2022 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, 73% phụ huynh cho biết thời gian hoàn thành bài tập về nhà của học sinh ngắn hơn nhiều so với trước khi thực hiện chính sách. 85,4% phụ huynh hài lòng về các môn sau giờ học tại trường.
Còn đánh giá của Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ ra số lượng học sinh hoàn thành bài tập về nhà trong thời gian quy định đã tăng đến hơn 90%. Tỷ lệ học sinh tự nguyện tham gia các môn sau giờ học tăng lên 92,2%.