Trung Quốc: Xáo trộn trong hệ thống giáo dục dạy nghề

GD&TĐ - Trung Quốc đang cần hàng triệu công nhân lành nghề để duy trì hoạt động của nền kinh tế như thợ sửa ô tô, chữa điện lạnh, kỹ thuật viên máy tính… Tuy nhiên, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, khiến nền kinh tế của họ không đủ khả năng để thay thế hàng triệu người có tay nghề cao sắp nghỉ hưu trong bối cảnh dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp.

Trung Quốc cần cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Trung Quốc cần cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Hy vọng thay đổi chất lượng và định kiến

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2021, 57,8% người Trung Quốc từ 18 - 22 tuổi đăng ký học đại học. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các trường trung học dạy nghề giảm từ 60% năm 1998 xuống 35% năm 2021.

Trong bối cảnh đó, năm nay số sinh viên tốt nghiệp đại học cao kỷ lục vào thời điểm nền kinh tế đối mặt với những khó khăn lớn hơn do tăng trưởng chậm và sự gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Nhận thức được vấn đề, các nhà chức trách Trung Quốc đang ráo riết tiến hành đại tu và xây dựng lại hệ thống đào tạo nghề. Tháng 5/2022, những sửa đổi mới của Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 1996 đã có hiệu lực. Những sửa đổi này được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề thiếu nguồn tuyển sinh, đồng thời tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển lâu dài của giáo dục nghề nghiệp.

Theo bản sửa đổi, giáo dục nghề nghiệp có cùng vị trí với giáo dục phổ thông, giúp giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ về pháp lý. Luật mới cũng ủng hộ các trường dạy nghề áp dụng cơ chế khuyến khích đối với người lao động và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân tài có mục tiêu.

Việc ban hành sửa đổi trên mang lại hy vọng về sự bùng nổ của giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc định hình lại hệ thống kém phát triển và thay đổi nhận thức lâu đời của con người đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Những yếu kém của hệ thống đào tạo nghề hiện nay khiến nó ít được ưa chuộng, bên cạnh đó là định kiến của công chúng rằng các trường dạy nghề thấp kém hơn các trường đại học chính quy.

Theo các chuyên gia, cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực và tài năng để nâng cao chất lượng của giáo dục dạy nghề. Bên cạnh đó là những thỏa thuận về thể chế, tạo cơ hội cho học sinh tốt nghiệp trường nghề có cơ hội rộng lớn, chẳng hạn như giúp học sinh chuyển đổi dễ dàng giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông.

Tháng 9/2020, 9 cơ quan trung ương dẫn đầu là Bộ Giáo dục đã ban hành hướng dẫn với mục tiêu mở rộng tuyển sinh trường dạy nghề và thiết lập hệ thống giáo dục đại học cho dạy nghề. Tháng 6/2021, tỉnh Hà Nam công bố kế hoạch thiết lập hệ thống thi tuyển sinh đại học nghề địa phương, trong đó tỷ trọng điểm của bài kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp ít nhất là 50%.

Tháng 10/2021, Trung Quốc ban hành hướng dẫn thúc đẩy phát triển chất lượng của giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu đến năm 2025, mở rộng tỷ lệ tuyển sinh cao đẳng nghề lên ít nhất 10% trong tổng số tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.

Học viên tại Trường Dạy nghề Bách khoa Bắc Kinh.

Học viên tại Trường Dạy nghề Bách khoa Bắc Kinh.

Con đường bị thu hẹp

Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp vào cuối những năm 1970 với hy vọng giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực. Năm 1985, chính phủ ban hành văn bản chính sách để thiết lập hệ thống giáo dục 2 chiều, trong đó khoảng một nửa học sinh sẽ đi học nghề ở các trường trung học chuyên nghiệp.

Đến cuối năm 1989, Trung Quốc có 9.173 trường trung cấp nghề, tuyển sinh hơn 2,8 triệu học sinh. Những trường này đã đặt nền móng cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện tại của Trung Quốc. Năm 1990, 48% học sinh trung học được nhận vào học ở các trường dạy nghề, tăng từ 21% vào năm 1980. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 60% trong những năm tiếp theo.

Các gia đình Trung Quốc khi đó ưa chuộng các trường dạy nghề vì họ đào tạo cho học sinh những kỹ năng thực tế có thể bảo đảm một nghề nghiệp ổn định. Các công ty nhà nước và tổ chức chính phủ hỗ trợ nhiều trường dạy nghề để được đáp ứng nhân tài lành nghề.

Tuy nhiên, một cuộc đại tu sâu rộng tại các công ty nhà nước và việc cải tổ các tổ chức chính phủ vào cuối những năm 1990 đã cắt đứt quan hệ giữa các trường dạy nghề và các nhà tài trợ như vậy, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn tài trợ của các trường.

Tuy Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 1996 đã đặt cơ sở pháp lý cho sự phát triển của giáo dục đại học nhưng nó vẫn bị gạt ra ngoài do sự tập trung nhiều hơn vào giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp, đào tạo ra các nhà khoa học, kỹ sư, luật sư, bác sĩ…

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, 5 năm sau năm 1999, các trường đại học tuyển sinh với số lượng tăng hơn gấp 3 lần. Hệ thống các trường đại học ở đây đào tạo ra 240 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, chiếm gần 18% dân số thế giới.

Trong khi đó, hệ thống đào tạo nghề ngày càng bị thu hẹp. Từ năm 1999 - 2000, tỷ trọng của giáo dục nghề nghiệp trong tổng ngân sách giáo dục quốc gia giảm từ 11,53% xuống còn 8,42%.

Chính phủ đã có một số chính sách để hạn chế số lượng học viên học nghề giảm xuống. Năm 2020, số học sinh trung học chuyên nghiệp chiếm 39,96% tổng số học sinh trung học phổ thông và số học sinh cao đẳng nghề chiếm 34,89% học sinh khối các trường cao đẳng.

Một nhân viên giao đồ ăn tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Một nhân viên giao đồ ăn tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Tìm kiếm sự thay đổi

Sự công nhận của xã hội thấp, nguồn lực không đủ và chất lượng giảng dạy kém đã khiến nhiều trường dạy nghề ở Trung Quốc gặp khó khăn. Một cuộc khảo sát của Đại học Bắc Kinh năm 2020 cho thấy, chỉ 35% học sinh tốt nghiệp trung học dạy nghề tìm được việc làm.

Nhiều chuyên gia giáo dục nghề nghiệp gợi ý Trung Quốc nên học hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp kép của Đức. Hơn một nửa số sinh viên Đức tự chọn các trường dạy nghề vì không có hệ thống phân cấp đánh giá loại hình giáo dục này hơn loại hình giáo dục khác. Điều này được hỗ trợ bởi một hệ thống hoàn chỉnh và tích hợp của giáo dục song phương, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Phiên bản mới của Luật Giáo dục Nghề nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ mở đường cho một số thay đổi. Quy chế sửa đổi bao gồm một điều khoản để phát triển giáo dục cao đẳng nghề, cung cấp bằng tốt nghiệp đại học tương đương... Bên cạnh đó là sự cam kết phát triển đào tạo công nhân lành nghề trong các trường trung học dạy nghề và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Việc triển khai luật mới cũng đang chờ các hướng dẫn chi tiết và các chính sách hỗ trợ cụ thể với sự phối hợp giữa các bộ, ngành khác nhau.

Theo Straitstimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ