Thách thức trong nỗ lực giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình giảm nghèo được cho là gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19. 

Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 còn 2,23%.
Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 còn 2,23%.

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hệ thống chính sách hướng tới mục tiêu giảm nghèo được đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn.

Quyết tâm chính trị giảm nghèo càng mạnh mẽ hơn nữa khi đầu năm 2022, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo.

Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo.

Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 -1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, Ban Bí thư đã có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trong chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo, trăn trở khi còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Theo "báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam" năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Đặc biệt, Báo cáo chỉ rõ, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ nghèo về thu nhập luôn thấp hơn tỷ lệ nghèo đa chiều trong thập kỷ qua, thì nay khoảng cách giữa hai tỷ lệ này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn 0,6 điểm phần trăm vào năm 2020.

Năm 2014, cứ 10 người thì có một người nghèo về thu nhập, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo đánh giá trong báo cáo này, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo cũng nêu rõ, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%.

Báo cáo tại cuộc làm việc với Tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 này là sự kế tiếp của giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đòi hỏi cao hơn kể cả về mặt tiêu chí cũng như là về định mức, các nội dung liên quan.

Tuy nhiên, chương trình ngay từ khi bắt đầu đã gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19. Theo ông Đào Ngọc Dung, thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo; đại dịch Covid-19 xảy là một "phép thử" rõ nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.