Phát triển nguồn nhân lực trẻ lĩnh vực du lịch:

Thách thức trong bổ sung nhân lực

GD&TĐ - Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, tỉ lệ nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản dù có tăng nhưng nguồn nhân lực

Nhiều sinh viên năm cuối chưa được thực tập tốt nghiệp do các doanh nghiệp du lịch cắt giảm quy mô hoạt động hoặc đóng cửa. Ảnh minh hoạ.
Nhiều sinh viên năm cuối chưa được thực tập tốt nghiệp do các doanh nghiệp du lịch cắt giảm quy mô hoạt động hoặc đóng cửa. Ảnh minh hoạ.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, tỉ lệ nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản dù có tăng nhưng nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản vẫn còn cao.

Chất lượng nhân lực không đồng đều

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp cần phải quan tâm để giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, tỉ lệ nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản dù có tăng nhưng nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản vẫn còn cao.

Báo cáo của Bộ VH,TT&DL cho biết, số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm là khá lớn nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội, chưa tương xứng với tình hình phát triển du lịch những năm gần đây. Bên cạnh đó là việc mất cân đối về quy mô, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch giữa các địa phương, vùng miền vẫn còn rõ rệt.

Chất lượng sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường không đồng đều, nhưng do nhu cầu về nhân lực du lịch khá cao nên sinh viên du lịch tốt nghiệp ra trường vẫn tìm được việc làm ngay. Tuy nhiên không gắn bó với ngành, thường xuyên chuyển việc gây ra mất ổn định nhân lực du lịch.

Những vấn đề xung quanh đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và tính nhạy cảm của người làm du lịch vẫn còn bất cập. Việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động và bản thân người lao động vẫn còn hạn chế.

Đại dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và việc làm toàn cầu, trong đó du lịch được cho là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Trong hai năm 2020 - 2021, du lịch quốc tế về cơ bản đã bị đình trệ. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hầu hết các công việc trong lĩnh vực du lịch đều bị ảnh hưởng và một số lượng lớn lao động trở nên dư thừa trong một thời gian dài. Doanh nghiệp du lịch và người lao động rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết.

Tình trạng cắt giảm hoặc ngưng hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành đã tác động trầm trọng đến đội ngũ nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, năm 2020, trong số 194 doanh nghiệp được khảo sát có 28 doanh nghiệp chiếm tỉ lệ 14,4% đã phải cắt giảm từ 21 - 50% nhân lực so với năm 2019. 74 doanh nghiệp chiếm tỉ lệ 38,1% đã cắt giảm từ 51 - 80% nhân lực so với năm 2019, đặc biệt 55 doanh nghiệp tương đương tỉ lệ 28,4% đã ngưng hoạt động cho toàn bộ nhân viên nghỉ ở nhà.

Năm 2021, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành vẫn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến lực lượng lao động làm việc ở khu vực này càng phải gánh chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ khi gần 30% doanh nghiệp cắt giảm 51 - 80% nhân lực. Gần 50% doanh nghiệp lữ hành ngưng hoạt động cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng có chung tình trạng việc ít, thất nghiệp, nhiều hướng dẫn viên phải đổi nghề.

Đối với cơ sở lưu trú du lịch, việc giảm công suất và ngưng hoạt động của các cơ sở lưu trú du lịch đã tác động đến việc làm và thu nhập của đội ngũ nhân viên. Kết quả khảo sát đối với 299 cơ sở lưu trú du lịch đã chỉ rằng năm 2020 chỉ khoảng 20% cơ sở lưu trú du lịch vẫn giữ nguyên số lượng nhân viên như năm trước. Sang đến năm 2021 con số này giảm xuống còn 11,4%.

Khó khăn trong đào tạo và bổ sung nhân lực

Không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, Bộ VH,TT&DL cho biết, đại dịch Covid-19 còn tác động đến công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học về du lịch đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động đào tạo du lịch, đào tạo mới, bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho ngành.

Bên cạnh những khó khăn về chuyển đổi hình thức dạy - học trực tuyến, thời gian thực hành tại các tuyến điểm du lịch, thực tập tại doanh nghiệp, các chương trình đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, các học phần thực tế nghề nghiệp của các sinh viên cũng bị gián đoạn, trì hoãn. Đồng thời, không thực hiện được theo đúng tiến độ của chương trình đào tạo. Nhiều sinh viên năm cuối chưa được thực tập tốt nghiệp do các doanh nghiệp du lịch cắt giảm quy mô hoạt động hoặc đóng cửa.

Cũng trong hai năm vừa qua, thực tế ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã làm hạn chế cơ hội việc làm của các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nguồn nhân lực trẻ rất khó có thể tham gia vào thị trường lao động, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành học sau tốt nghiệp rất thấp.

Công tác bổ sung đầu vào cho nhân lực ngành du lịch dự kiến sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, khi nguồn tuyển sinh cũng bị ảnh hưởng do tâm lý lo ngại đại dịch sẽ ảnh hưởng đến việc làm trong ngành du lịch khi ra trường.

Theo khảo sát của Bộ VH,TT&DL, năm 2020 là năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỷ lệ tuyển sinh giảm nhẹ khoảng 6% so với năm 2019, cho đến tháng 9 năm 2021 tỉ lệ tuyển sinh đã giảm trên 23% so với năm 2019.

Bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngành du lịch cũng đã rút ra được những bài học đắt giá. Cùng với đó là chủ động linh hoạt để thích ứng, biến khó khăn thành cơ hội, liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người.

Bộ VH,TT&DL cho rằng, khoảng lặng của ngành du lịch trong đại dịch là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để nhìn lại, tái cơ cấu. Đồng thời, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để đón đầu sự trở lại mới của du lịch.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực trẻ, thời gian qua các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đã thiết kế, thực hiện các chương trình đào tạo mới nhằm hoàn thiện, bổ sung những kiến thức, kỹ năng về vệ sinh, an toàn. Đồng thời, bảo vệ sức khỏe người lao động cũng như quản lý rủi ro của doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế của thị trường. Việc thiết kế chương trình, bài giảng điện tử, đào tạo trực tuyến được đẩy mạnh cũng sẽ góp phần đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Cùng với đó là thời gian và phương thức đào tạo cũng linh hoạt hơn, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của nhân lực trẻ trong tình hình mới.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ