Scandal trong gia đình Á - Âu
Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC) tại St. Petersburg bị bao phủ một bầu không khí u ám bởi không chỉ vụ tai nạn của chiếc máy bay quân sự vận tải Nga Tu-154. Những cuộc đàm phán cuối cùng về Bộ luật Hải quan của EAEC là vô cùng khó khăn. Lúc đầu, chỉ có 3 trong 5 nước ký vào Luật Hải quan của EAEC (Nga, Kazakhstan và Armenia).
Kyrgyzstan từ chối ký vào tài liệu, thậm chí còn phê phán sự phụ thuộc vào viện trợ tài chính của Nga. Đây là lần thứ 5, Kyrgyzia không tán thành với những quyết định lớn của EAEC. Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev cho rằng có “những khoảnh khắc tiêu cực” trong hợp tác giữa các nước EAEC và rằng nó có hại cho tiến trình hội nhập của đất nước ông. Sau đó, Atambayev vẫn chấp thuận Bộ luật Hải quan nhưng không ký vào tuyên bố chung về hoạt động kinh tế chung. Kazakhstan đưa ra yêu sách đối với các tài liệu có truyền thống trung thành với Moskva.
Và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã không chỉ không ký vào bộ luật mà thậm chí không đến St. Petersburg. Giải thích hành động của mình, A.Lukashenko lấy lý do bận họp về “sự an toàn cho người dân trong mùa lễ Giáng sinh và năm mới”. Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông D.Peskov thì sự vắng mặt của Tổng thống Belarus “không ảnh hưởng đến việc thảo luận về các vấn đề lớn liên quan đến hội nhập”.
Tại sao Nga khó thuyết phục các nước láng giềng?
Quan hệ kinh tế giữa Belarus và Nga chưa bao giờ suôn sẻ. Tổng thống Belarus A.Lukashenko đã nhiều lần không hành động vì lợi ích của Nga, mà còn chỉ trích mạnh mẽ “người hàng xóm lớn” mỗi khi nói về sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước anh em. Sau khi Nga trừng phạt EU và một số nước khác bằng việc cấm nhập khẩu hàng thực phẩm của họ, mối quan hệ giữa Minsk và Moskva đã trở nên căng thẳng. Xa hơn, A.Lukashenko đã từ chối đề nghị của Nga trong việc xây dựng căn cứ không quân ở Belarus.
Trong thời gian dài Kazakhstan đã theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương hóa. Họ không chỉ trích Mỹ và châu Âu, thậm chí còn cạnh tranh với Moskva trong lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc. Kyrgyzstan và Tajikistan có vẻ như đồng ý cho phép tất cả các căn cứ quân sự của bất kỳ nước nào hoạt động theo nguyên tắc “trả giá cao nhất”. Với Belarus, để đổi lấy “lòng trung thành” của họ, Moskva phải trả giá cao. Ví dụ, Minsk đang đòi giá khí đốt từ Nga phải giảm xuống còn 73 USD/khối, trong khi Nga bán cho châu Âu đắt gấp nhiều lần.
Tất cả những điều trên khẳng định phải khẩn cấp xây dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khối. Tất cả các nước trong không gian hậu Xô viết đã trở thành những nước có chủ quyền thực thụ và họ có quyền bình đẳng với Moskva. Tuy nhiên, đôi lúc trong quan hệ với những nước này, người Nga vẫn chịu ảnh hưởng của “hội chứng anh cả”, trong khi quan hệ với các đối tác khác họ cảm thấy dễ chịu hơn, bình đẳng hơn.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hội nhập, sự gắn kết giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Nhiệm vụ chính của EAEC là giữ cho không gian kinh tế giữa các quốc gia được tự do và cởi mở nhất. Mục đích là như vậy, nhưng quá trình thực hiện còn đầy rẫy gian nan. Với vai trò đầu tàu của khối, Moskva cần phải thay đổi từ suy nghĩ tới hành động để gây dựng lại lòng tin, sự hiểu biết giữa các nước thành viên. Không làm được điều này, mọi tiêu chí tốt đẹp mà EAEC đặt ra khó có thể trở thành hiện thực.