Thạc sĩ 8X biến hoa sen thành bất tử

GD&TĐ - Qua hai lần thất bại, cứ tưởng Công sẽ nản chí và trở lại Pháp nhưng không ngờ quyết tâm trong anh không hề bị lung lay. Trong một lần đi Đà Lạt, Công bắt gặp các sản phẩm hoa tươi bất tử, Công mừng rỡ như “cá tìm thấy nước”. Từ đó Công về Đồng Tháp nghĩ đến việc làm sen ướp tươi. Sản phẩm thành công đã giúp cho bà con nông dân Đồng Tháp tăng thêm thu nhập và anh có cơ hội đưa sen Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế...

Sản phẩm tranh hoa sen và tranh lá sen
Sản phẩm tranh hoa sen và tranh lá sen

Từ bỏ giấc mơ Pháp

Lấy bằng thạc sĩ Công nghệ hóa ở Pháp, Ngô Chí Công quyết định về Việt Nam lập nghiệp. Khởi nghiệp lần 1, lần 2 không như ý, Công quyết định khởi nghiệp thêm lần nữa với hoa sen ướp tươi và đã thành công. Bằng sản phẩm này, Công đã giới thiệu Sen Việt đến với bạn bè quốc tế.

Ngô Chí Công thẳng thắn trả lời khi được hỏi vì sao không ở lại Pháp lập nghiệp: “Pháp là một đất nước phát triển, mọi thứ gần như ổn định. Do vậy, khi các bạn trẻ muốn thử thách, phấn đấu khởi nghiệp là ít cơ hội. Trong khi đó, Việt Nam đang là nơi thích hợp cho những ai muốn thử thách trên con đường khởi nghiệp. Từ đó, tôi quyết định về Việt Nam khởi nghiệp, dù biết thời gian đầu sẽ khó khăn”.

Đúng như Công nhìn nhận, lần “starup” đầu tiên với việc kinh doanh bánh ngọt ở TPHCM, Công thất bại… Không nản chí, Công chuyển qua kinh doanh gốm sứ. Việc này một lần nữa cho chàng thạc sĩ Hóa Ngô Chí Công có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh.

Ý tưởng khởi nghiệp mới vẫn luôn lảng vảng trong đầu nên khi bắt gặp các sản phẩm hoa tươi bất tử tại Đà Lạt, Công nẩy ý tưởng làm sen ướp tươi. Đầu tiên, Công tìm đến các cánh đồng sen ở Tháp Mười, Tam Nông và sang tận Campuchia tìm sen nguyên liệu tham khảo giá cả, cách thức vận chuyển, bảo quản sen… Công nhận thấy, nhu cầu người Việt chưng hoa sen rất lớn, nhưng hoa chỉ chưng được một ngày là “gục đầu”… Làm sao hoa sen tươi lâu hơn? Chỉ có cách là áp dụng công nghệ giúp hoa “sống thọ” từ 3 - 12 tháng.

Công gom hết số tiền dành dụm khi đi du học (tiền đi làm thêm) và hỏi thêm người thân, bạn bè để đầu tư kho bảo quản nguyên liệu, phòng thí nghiệm và lò sấy sen và bắt tay vào làm. Sản phẩm đầu tiên ra đời còn nhiều khiếm khuyết, như màu hoa sen bị sậm, cánh hoa khô cứng, “tuổi thọ” kém, chưa xử lí được hoa nở, Công cùng nhóm bạn tiếp tục khắc phục các nhược điểm và cuối cùng có một công thức ướp hoa sen hoàn chỉnh, giúp sản phẩm “thọ” trên 1 năm, đặc biệt cánh hoa, nhụy hoa vẫn giữ được độ mềm, mịn và màu sắc giống với hoa thật đến 90%.

Tháng 8/2015, Chí Công chính thức tổ chức giới thiệu sản phẩm hoa sen ướp tươi của mình tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tiến hành thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Khởi Minh Thành Công (tọa lạc tại phường 4, TP Cao Lãnh). Sau đó, Công mở văn phòng đại diện tại TPHCM và một gian trưng bày sản phẩm tại Pháp.

Công kể: “Thời điểm đó vất vả lắm nhưng khi Công giới thiệu sản phẩm ra thị trường được khách hàng đánh giá cao thì rất vui. Công còn nhớ rõ, có một cô ở Mỹ, gọi điện thoại về hỏi thăm sản phẩm và cho người thân từ TPHCM đến tận nhà đặt hàng... Đặc biệt, sản phẩm của công ty còn được các cô chú lãnh đạo Đồng Tháp đánh giá cao, vì giúp bà con trồng sen tỉnh nhà tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu cây sen Việt Nam với bạn bè quốc tế. Và đây cũng là tâm niệm của Công khi chọn hoa sen cho lần khởi nghiệp thứ 3”.

Ngô Chí Công bên sản phẩm hoa sen ướp tươi

Ngô Chí Công bên sản phẩm hoa sen ướp tươi

Khởi nghiệp từ tâm

Ngày giới thiệu sản phẩm hoa sen ướp tươi, Chí Công chỉ có 2 dòng sản phẩm. Loại thứ nhất là những cành sen búp chưng trong “nhà kính”. Loài này được cách nhiệt, độ ẩm… nên tuổi thọ có thể nói là mãi mãi. Loại thứ 2 cũng là những cành hoa sen búp nhưng được chưng “trần” trong các bình hoa phòng khách, bàn làm việc… Loại này trực tiếp chịu nhiệt, độ ẩm, bụi… nên tuổi thọ trên dưới 1 năm.

Mặc dù đây là hai sản phẩm chủ lực nhưng có lúc cũng bị trở quẻ, khi một mẻ sấy ra lò có hàng trăm bông bị hư. Công nói, nếu bỏ thì tiếc nhưng sử dụng thì không được. Từ cái khó này, anh nảy sinh ý tưởng làm tranh bằng chất liệu hoa sen. Chí Công bắt tay với các nhà mỹ thuật, học thêm về màu, độ sáng tối, bố cục bức tranh…, từ đó cho ra những bức tranh về thiên nhiên, cuộc sống… bằng chất liệu hoa sen Đồng Tháp.

Tuy nhiên, sản phẩm tranh bằng lá sen mới là tác phẩm mà Chí Công ưng ý nhất. Anh nói về sự ra đời sản phẩm này: “Khoảng giữa năm rồi, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức tranh được làm từ chất liệu lá sen, tôi bị cuốn hút trước vẻ đẹp huyền diệu của bức tranh và bất ngờ về cái giá đắt của bức tranh… Anh quyết định phải làm thêm sản phẩm này, vì đây là một tác phẩm nghệ thuật cần có, phục vụ cho giới thượng lưu, doanh nghiệp, doanh nhân... Nếu thành công ở sản phẩm này, bà con trồng sen sẽ được tăng thêm thu nhập đáng kể nhờ việc bán lá sen cho công ty”.

Với sản phẩm tranh được làm từ lá sen, Chí Công mất nhiều công sức cho khâu chọn lá sen nguyên liệu đến khâu sấy lá sen. Ở khâu này đòi hỏi độ tỉ mỉ và chính xác rất cao, vì dư hay thiếu một phút khi sấy thì độ thật của lá sen không được như ý, bức tranh sẽ mất giá trị rất nhiều… Trải qua một thời gian dài nghiên cứu, thực nghiệm và làm việc nghiêm túc với giới mỹ thuật, cuối cùng Chí Công đã thành công với sản phẩm tranh bằng lá sen và đã cho ra mắt sản phẩm độc đáo này tại TPHCM.

Như vậy, chưa đến 2 năm khởi nghiệp với sản phẩm hoa sen ướp tươi, Chí Công đã tận dụng công nghệ tối đa để cho ra nhiều sản phẩm làm tăng giá trị cây sen Đồng Tháp, như: hoa sen ướp tươi, tranh hoa sen và tranh lá sen… Hiện Chí Công đang nghiên cứu làm đèn cầy sáp có màu và hương từ sen.

Với những bạn trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp, Công chỉ muốn tặng các bạn một từ, đó là từ “làm”. Chỉ có “làm” mới có sản phẩm, dù ban đầu nó chưa hoàn thiện. Và chỉ có “làm” chúng ta mới nắm được thị hiếu của khách hàng và khi đó chúng ta sẽ hoàn thiện sản phẩm. Và người khởi nghiệp phải biết chấp nhận thất bại, vì sau những lần thất bại chúng ta sẽ học hỏi thêm nhiều điều hay. Và khi đó, chúng ta tiếp tục đứng dậy… làm tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ