Trời nắng chang chang, chờ mạ tôi mua chiếc chiếu ở chợ Đông Ba đã hai chục phút, tôi thấy khát khô cổ họng dù đã dựng xe ở chỗ có bóng râm. May thay! Một o bán trà đá đi ngang. Tôi liền gọi mua. Uống xong ly trà đá đỡ khát hẳn. Mấy chú xích lô, xe thồ, bốc vác và mấy mệ, mấy o tiểu thương cũng rối rít kêu o bán trà đá lại để mua. Trà đúng là “cứu tinh” cho cơn khát.
Có lần, một người bạn thời đại học hiện công tác ở Quảng Bình mua vé tàu vào Huế có công chuyện, tiện thể “í ới” điện thoại gặp bạn bè. Thế là, nhà văn Lê Vũ Trường Giang (hiện đang công tác tại Tạp chí Sông Hương) và tôi cùng lên ga Huế đợi đón tại một quán có bán nước trà kèm mè xửng.
Nhìn dòng người qua lại trong cái lạnh cắt da cắt thịt của đêm đông, hai chúng tôi không ai bảo ai đều cầm tách trà nóng trên tay. Nó như một cái lò sưởi thu nhỏ. Tiện lợi hơn, nó không những sưởi ấm được lòng bàn tay mà khi uống vào còn sưởi ấm cả thân người.
Cách đây không lâu, tôi ngồi uống trà với chú Nguyễn Xuân Hiển, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, tại tư gia của chú. Lần đầu tiên, tôi được uống trà trong một cái chén có hoa văn rất đẹp. Nước trà còn ngâm thêm với đọt trà non hái ngay trong vườn. Cảm giác khác lạ trong văn hóa hiện rõ trong tôi. Không thể uống nhanh được. Phải từng ngụm, từng ngụm. Để thưởng thức như sợ mất đi sự thanh cao.
Đấy là cách uống trà bình dân. Ở Huế, hiện có loại trà gọi là Trà Cung đình. Người xưa kể rằng để pha trà cho vua, vào buổi chiều tối các thị nữ trong cung sẽ chèo thuyền ra hồ Tịnh Tâm và cho trà vào giữa những búp sen. Sáng sớm hôm sau sẽ lại chèo thuyền ra hồ sen để lấy trà ướp hương sen để pha trà dâng lên vua. Bên cạnh đó, dân gian còn lưu truyền câu chuyện hứng sương trên lá sen để lấy nước pha trà cho vua.
Uống trà theo kiểu cung đình Huế thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu. Không phải chỉ có một bộ đồ trà dùng cho suốt cả 4 mùa mà kiểu cách uống trà của Huế còn thể hiện ở chỗ có bốn loại chén trà dành cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Theo ông Lê Văn Kinh (đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế), người hiện đang sở hữu trên 50 bộ ấm trà khác nhau, cách thưởng trà của người Huế xưa cũng khác hẳn so với cách thưởng trà của Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản...
Khi uống trà, người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng thường nâng chén trà bằng tay phải, ngón trỏ và ngón cái bên cạnh miệng tách, ngón giữa đỡ dưới trôn, hai ngón khác co lại. Lúc uống trà, cổ tay xoay vào để mu bàn tay và tách trà che miệng thể hiện sự lịch sự, tôn trọng người đối diện.
Ngày nay, người Việt Nam nói chung và cả người Huế nói riêng không câu nệ về điều này. Cái quan trọng nhất vẫn là tình cảm dành cho nhau, như cách nói của ThS Phan Nguyễn Phước Tiên.