Tết sớm nơi ngã 3 A Pa Chải

Tết sớm nơi ngã 3 A Pa Chải

(GD&TĐ) - Vượt qua chặng đường dài hơn 200km với bao vất vả đường trường, cuối chiều, xe chúng tôi đã dừng chân trên vùng đất ngã ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Những vất vả nhọc nhằn trong suốt hành trình qua đi, đọng lại trong cả đoàn chỉ còn hình ảnh điệp trùng của những rặng cúc quỳ vàng suộm, trải suốt hai bên đường. Người Hà Nhì thân tình, hiếu khách ra tận đầu bản đón chào, gặp lại người quen là ôm chầm lấy rồi khóc.

Gia đình chủ tịch xã Sín Thầu, chào đón chúng tôi với bữa cơm thật đầm ấm; ông không giấu nổi nềm vui, hào hứng nói với chúng tôi: “Tết cổ truyền là dịp vui nhất trong năm của đồng bào Hà Nhì đấy. Cuộc sống mới nên có nhiều thay đổi, chỉ có tết là các nghi lễ, tục lệ văn hóa truyền thống được thể hiện nhiều và rõ nét nhất. Theo phong tục truyền thống, tết của dân tộc Hà Nhì (hay gọi là Gạ Ma Thú) được tổ chức vào ngày con rồng đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà các bản và gia đình chuẩn bị cỗ cúng khác nhau, miễn là lòng thành và nghiêm trang. Đây là lúc các thành viên trong gia đình cầu mong sức khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa…”. 
Cúng thần mùa màng
Cúng thần mùa màng
Gạ Ma Thú bao gồm nhiều lễ cúng như: cúng mó nước, cúng rừng cấm, cúng thần mùa màng, cúng đầu bản, cuối bản, cúng thần sét, cúng thần lửa... và điều đặc biệt nhất trong ba ngày cúng bản nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mọi sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi được điều hành bởi thầy cúng và trưởng bản. 
Ngày đầu tiên trong ba ngày làm lễ cúng rừng cấm. Trong đời sống người Hà Nhì rừng quan trọng lắm, ông thần rừng che chở cho bản làng, cung cấp cho con người thịt chim thú và rau quả. Chính vì vậy, theo phong tục lễ cúng trên rừng cấm chỉ được tập trung những trai bản khoẻ mạnh, những thợ săn điêu luyện, họ tự mang lợn, gà, nếp thơm mang lên làm lễ vật báo cáo và trả ơn thần trong trong năm qua đã cho thợ săn nhiều con thú, nhiều rau quả tươi xanh. Sau khi cúng xong, họ tự ăn uống chúc tụng nhau đi săn không bị  hổ, gấu vồ, nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp. 
Chuẩn bị đón Tết
Chuẩn bị đón Tết
Lễ cúng quan trọng thứ hai là lễ cúng của các bản, diễn ra ở đầu bản và cuối bản. Trong lễ cúng này cả bản đều tham gia để cầu mong trong năm bản làng bình yên, chăn nuôi, cấy trồng mùa màng tươi tốt, không bị dịch, sâu bệnh. Sau lễ cúng người nào cũng cố mời nhau về nhà mình ăn uống, thưởng thức rượu ngô đầu mùa mới nấu, cơm nếp nương dẻo thơm. Theo quan niệm xa xưa, nhà nào có nhiều khách, hết nhiều rượu thì sẽ may mắn. Sau bữa ăn mọi người lấy cơm nếp vo tròn ném vào nhau với ý nguyện mùa sau thóc gạo sẽ dư thùa. Sáng ngày thứ ba, cả bản cùng dậy từ sáng sớm tinh mơ để nấu cơm nếp, làm bánh ngô. Trong ba ngày cúng bản, các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, tập trung từng tốp chơi cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà và vỏ cây chuối khô. Người nào làm rơi cầu sẽ bị cả tốp xúm lại véo tai đến khi hai tai đỏ lừ mới thôi. Tại các gia đình, phụ nữ dậy sớm đồ xôi, làm bánh ngô để làm quà tặng cho những vị khách ở xa đến bản.
Quả đúng như lời ông chủ tịch xã nói, không khí tết đã rộn rã khắp nơi khi chúng tôi về bản Tả Kố Khừ, A Pa Chải. Nhà nào cũng bận rộn nhào bột, nấu nước chuẩn bị cỗ cúng cho ngày mai. Từ 3 giờ sáng, những người vợ trong gia đình dân tộc Hà Nhì đã sẵn sàng bánh để dâng lên tổ tiên. Có một điểm khác biệt đó là người Hà Nhì thờ cúng tổ tiên tại buồng…
Nâng chén chúc mừng ngày tết
Nâng chén chúc mừng ngày tết
Ngày tết đầu tiên, đoàn chúng tôi xuống bản Tả Kố Khừ trong cái rét ngọt và được chứng kiến sự rộn rã của bản làng trong ngày lễ hội. Nơi đám trẻ cùng nhau nô đùa, nơi gia đình quần tụ mổ lợn, gà, sắm sửa lễ cúng. Những lời mời chào vào nhà mình đón tết khiến chúng tôi chỉ muốn ngày dài thêm và tết cũng dài thêm, để không phụ lòng hiếu khách của bà con nơi đây. Tại nhà người cao tuổi nhất bản, vừa nâng chén rượu đầy chúc gia đình, chúng tôi vừa được thưởng thức những món ăn dưới sự chế biến khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì, có mùi thơm đặc trưng mà lại không có cảm giác béo ngậy. Món nước chấm có vị chua của vỏ quả me, trộn lẫn với thịt nạc băm nhỏ là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người Hà Nhì. Theo ông Sừng Sừng Khai, bản A Pa Chải: Nước chấm của người Hà Nhì không chỉ ngon, mà đặc biệt nó còn có thể làm dung hòa vị của những món ăn từ thịt lợn, giúp cho dạ dày hoạt động tốt hơn… 
Người Hà Nhì ra đầu bản đón khách
Trò chơi cầu lông gà  
Điều làm chúng tôi ấn tượng ở mảnh đất này nữa là bà con nơi đây có nếp sống sinh hoạt văn minh: cả bản nơi nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ, các nếp nhà gỗ được lợp mái tôn vững chãi, chuồng gia súc, công trình vệ sinh làm xa nơi ở, trâu bò được nuôi nhốt có chuồng trại để chống rét và đề phòng dịch bệnh; trẻ em đã có áo ấm, chăn ấm khi mùa đông về… Người Hà Nhì lâu ngày gặp nhau cũng khóc, chia tay cũng khóc. Để trong đoàn chúng tôi khi chia tay ra về ai cũng quyến luyến, bịn rịn… chẳng muốn rời xa.
Người Hà Nhì ra đầu bản đón khách
Người Hà Nhì ra đầu bản đón khách
Chúng tôi rời bản khi nắng đã khuất sau rừng cấm, với hành trang nặng trịch cơ man nào là bánh mà những người Hà Nhì đã tặng và khóc nghẹn ngào trước lúc chia tay: “à ma pi po” (Người anh em mạnh khoẻ nhé, sau lại về vui với bản nhé). Mang theo niềm vui khi được tận hưởng 3 ngày tết thật đầm ấm, nhiệt thành cùng bà con người Hà Nhì; mong rằng năm nay, người dân nơi đây sẽ gặt hái mùa vụ bội thu, đời sống ngày càng phát triển…
Phạm Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.