Tết giản đơn vẹn tròn ý nghĩa

GD&TĐ - Để những ngày Tết là dịp đoàn viên, vẹn tròn ý nghĩa cần thay đổi tư duy và quan niệm, hướng tới sự giản đơn, ấm áp, giảm áp lực cho tất cả mọi người.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai bên lọ hoa, cành đào đậm hương vị Tết cổ truyền.
Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai bên lọ hoa, cành đào đậm hương vị Tết cổ truyền.

Đặc biệt, cần “giải phóng” chị em trong gia đình khỏi áp lực bởi hàng mớ những việc không tên.

Tết xưa vui thật là vui

Có lẽ Tết xưa có phần vui hơn vì cảm giác phấn chấn chung khi tất cả mọi người đang cùng đợi chờ Tết đến để có quần áo mới, có đồ ăn, có sự nghỉ ngơi, có thời gian thăm họ hàng và bè bạn...

Còn Tết nay bỗng trở nên áp lực và nhiều người có tâm trạng “ngại Tết” là vì nhu cầu vật chất không thiếu thốn nữa, con người lại có chung cảm giác “mất”: Thời gian, tiền bạc, sự đoàn kết, thậm chí dễ đau ốm mệt mỏi... Con người ta chỉ vui khi có cảm giác của sự tự nguyện từ trong sâu thẳm. Rằng mình muốn làm, mong làm... còn một khi đã là khiên cưỡng vì điều này điều khác thì sẽ thành áp lực.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai chia sẻ: “Bản thân tôi công tác trong ngành báo chí, tôi thấy ngày nghỉ của công chức nói chung không dài. Chỉ từ 29 tới khoảng mùng 4 Tết âm. Vậy nghĩa là chúng tôi không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, làm nhiều việc... nhưng rất nhiều tập tục có phần nhiêu khê, rườm rà vẫn đang tồn tại, bị biến tướng mà bản thân chúng tôi chưa đủ sức thoát ra được vì nhiều mối quan hệ giằng níu, vì cha mẹ, vì quê quán...

Tôi không dám nói là tất cả, nhưng nhiều năm qua, tôi quan sát thấy số đông người Việt dịp Tết nhất thường uống rượu quá nhiều, bày biện cỗ bàn nhiều, làm mệt và dọn dẹp mệt mà ăn không thấy ngon... chỉ mệt những phụ nữ trong nhà”.

Còn Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight chia sẻ rằng: Mặc dù sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhưng vợ chồng tôi đều có quê xa. Tôi quan niệm đơn giản, Tết là đoàn viên, sum vầy, chia sẻ yêu thương.

Tết trong ký ức của tôi là sự chờ mong đoàn tụ, cũng chờ tấm bánh chưng, miếng thịt hay quần áo mới, được cùng người lớn đi chúc sức khỏe họ hàng, được nhận lì xì... Tôi vẫn cố gắng duy trì nếp cũ để các con mình cảm nhận không khí Tết truyền thống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, sự giao thoa văn hóa và sự đi lên của đời sống vật chất cũng ít nhiều ảnh hưởng đến không khí Tết nay.

“Rất nhiều mối quan hệ ở mức giao đãi, không mấy ảnh hưởng tới cuộc sống của nhau mà vẫn cứ phải qua lại, chúc tụng, lễ nghi. Và có rất nhiều người họ muốn có một cái Tết khác, nhưng lại đang phải thực hiện những điều bản thân không muốn trong dịp này...”, Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài chia sẻ.

Hương vị Tết xưa.
Hương vị Tết xưa.

Để Tết vẹn tròn ý nghĩa

Ngày nay, sau những xô bồ và đổi thay, nhiều người đang quay về hoài niệm Tết xưa và ngầm phục dựng trong tư tưởng và thực hiện những điều làm nên một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhiều ý nghĩa. Trong bao loài hoa Tết vừa lạ vừa đẹp, nhiều chị em lại quay về chọn hoa dơn, hoa thược dược, violet để chưng trong nhà.

“Nếu được hỏi tôi muốn Tết thế nào, tôi trả lời ngay là tôi muốn những điều giản dị. Cả nhà cùng dọn dẹp trang trí nhà cửa, đi chợ mua sắm chút đồ lễ lạt, về quê thăm bố mẹ, họ hàng thân gần và ăn một bữa cơm sum họp... còn lại cũng phải có thời gian du xuân, nghỉ ngơi để chiêm nghiệm về một năm đã qua, năm mới đang về, những thay đổi của đất trời, của lòng người.

Tôi không thích ăn uống la đà, dọn dẹp suốt ngày, rồng rắn đi hết nhà này tới nhà khác với một ý nghĩ truyền nhau rằng không thấy mặt người này người kia sẽ bị quở trách...”, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai giãi bày.

Rõ ràng giá trị gốc của Tết Việt vốn ấm áp, sum vầy chứ không nhiêu khê, trưởng giả...  cũng không bao hàm những thứ rắc rối phức tạp mà nhiều người trong chúng ta đang gán ghép cho Tết và áy náy khi không thực hiện đủ những điều này. Đây là sự biến tướng, sai lệch với cổ truyền và tùy vào vùng miền, con người cụ thể mà nó lại có hình hài, biểu hiện riêng.

Nhà thơ Y Phương từng chia sẻ, ông tin theo thời gian những điều bất hợp lý sẽ bị đào thải và giá trị cốt lõi, ý nghĩa có mai một nó vẫn nằm sâu trong tâm thức hoặc một lúc nào đó lại tái sinh. Tôi cũng hi vọng thế để Tết Việt về đúng giá trị tốt đẹp, nhân văn.

Đồng quan điểm với nhà thơ - nhà báo Lữ Mai, Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài cho rằng, Tết là dịp tốt để các gia đình dạy con trẻ về những giá trị cốt lõi, truyền thống, đặc trưng gắn liền với ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Ví dụ: Vì sao có Tết, Tết để làm gì, hoặc vì sao có tục lì xì, khi nhận lì xì nên ứng xử sao cho đúng...

“Tôi thấy nhiều gia đình ít quan tâm dạy con về giá trị của các phong tục ngày Tết mà lại dạy trẻ phân biệt đồng tiền to, nhỏ. Thành ra nhiều cháu bóc ngay lì xì và tỏ rõ thái độ với món quà vừa được nhận. Tết là vui vẻ, là đoàn tụ, là mở rộng lòng mình để cảm nhận mọi điều... cần hướng trẻ tới những cách thức để sẻ chia, tôn kính người già, ý thức về phong tục, nguồn cội”, Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài chia sẻ quan điểm.

Quả thật, thử hình dung nếu ngày Tết nào cũng phải nấu vài mâm cỗ và dọn vài “bãi chiến trường”, Tết sẽ trở thành nỗi ám ảnh của bất kể ai thay cho niềm vui sum họp. Vì thế, Tết càng đơn giản, nhẹ nhàng sẽ càng thoải mái, vui tươi. Tết nhẹ nhàng với cành hoa nhỏ, chút bánh kẹo hoa quả đơn giản là vừa đủ cho cả gia đình chung một niềm vui, hạnh phúc đong đầy. Và ngày Tết, người lớn hãy dành thời gian, lắng đọng xúc cảm, chú tâm truyền dạy con trẻ những ý nghĩa cốt lõi về văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.