“Đừng để sự ích kỷ đánh mất ngày Tết đoàn viên“

Theo Phó giáo sư tâm lý Huỳnh Văn Sơn, nhiều người trẻ có xu hướng lấy công việc bận rộn, khoảng cách địa lý, chuyến du lịch đã sắp xếp từ trước... làm lý do thoái thác việc sum họp ngày Tết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên Tết của người Việt được gọi là Tết sum họp, Tết đoàn viên. Bởi Tết không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm dài vật lộn với gánh nặng mưu sinh, mà còn là giây phút tìm về nơi bình yên và quây quần bên cạnh người thân. 

Người xa quê vẫn thường nhớ tới hình ảnh gia đình cùng hì hục gói nồi bánh tét, bánh chưng thân thuộc; cái nồi khổng lồ và cả sào treo bánh mới; giọt mồ hôi của mẹ; dáng chạy lăng xăng của cu Tý, cái Tèo; cảnh anh Năm, chị Tư tất bật chuẩn bị đưa ông táo về trời... Trong không khí nhộn nhịp ấy, cả gia đình luôn tíu tít chuyện trò cùng nhau.

Nhịp sống hiện đại cho con người nhiều thứ, từ cuộc sống đủ đầy đến những chuyến du lịch xa nhưng cũng lấy đi không ít điều giá trị. Một trong những thứ bị đánh cắp ấy chính là cơ hội bên cạnh gia đình. Ai cũng có quyền lựa chọn nên ở hay nên về trong dịp Tết. 

Việc coi Tết như một nghĩa vụ và đưa ra lời bào chữa rằng bản thân đã có nhiều dịp thăm viếng chuyện trò trong năm, việc thu xếp du lịch đã sắp xếp từ trước... là không thỏa lòng người. Họa chăng đây chỉ vì sự ích kỷ của bản thân mỗi người.

Có thể bạn háo hức mong tận hưởng thời khắc giao thừa và trải nghiệm không khí đón Tết ở một đất nước khác. Bạn cũng thấy vui sướng khi ngắm nhìn những con phố sầm uất hoa lệ, những trung tâm thương mại rực rỡ ánh đèn tại xứ lạ. 

Thế nhưng, tất cả sẽ nhanh chóng trôi qua và nhường chỗ cho cảm giác cô đơn khi lạc lõng, chẳng đủ đầy niềm vui ngày Tết nơi đất khách quê người. Sự cô đơn ấy chẳng thể sánh bằng cảm giác trống trải của những người thân đang mong chờ bạn đoàn viên ngày Tết.

Chẳng niềm vui nào bằng niềm vui sum vầy, đặc biệt là khi con người dày thêm số tuổi, rộng hơn sự tự lập. Trải qua gần 12 tháng ròng rã, 52 tuần dài đằng đẵng của một năm, cứ đến tháng 12 âm lịch là cha mẹ lại đứng ngồi không yên. 

Ông bà thấp thỏm: "Không biết thằng bé Điệp hay con bé Lan về mùng mấy". Đến tận sáng giao thừa, ông bà vẫn còn thắc mắc sự vắng mặt của gia đình cậu Thành, dù cậu út đã báo bận vì vướng chuyến du lịch xuyên Tết. 

Trí nhớ phôi pha, nỗi niềm mong chờ thì vẫn đong đầy. Một khi cha mẹ, ông bà qua đời, hẳn những người anh, người chị sẽ thay họ nhắc nhở cậu út phương xa, Tết này nhớ về tảo mộ, cúng giao thừa.

Niềm hạnh phúc của Tết là niềm vui sum vầy, gần gũi trong không khí tụ họp cả gia đình, sẻ chia tâm sự và ngồi gắn kết những câu chuyện đời, chuyện người. 

Buồn vui cả năm cũng cho qua hết, sự giận hờn trong lòng cũng tan biến theo tiếng cười giòn giã cùng người thân suốt 3 ngày Tết.

“Lâu lắm rồi mình không mừng tuổi ông bà, liệu sức khỏe ông bà có còn dồi dào không ba? Mình còn được mừng tuổi ông bà bao nhiêu lần nữa vậy ba?” - câu hỏi ngây thơ của cô bé trong đoạn clip khiến tôi suy ngẫm. 

Nếu tiếng lòng vẫn còn băn khoăn, trái tim vẫn nhắc gọi và ý thức sâu sắc rằng đoàn viên là điều thiêng liêng thì Tết này nên trở về nhà. 

Bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản; cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt, tiếng cười của người thân; ôm mẹ ôm cha thêm một lần; thắp nén nhang tưởng nhớ và nhắc chuyện ông bà...

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ