Tết đến và nỗi lo người thầy

GD&TĐ - Những ngày Tết càng tới gần thì nỗi lo, trách nhiệm của người giáo viên càng tăng lên. Không chỉ đảm trách đầy đủ về kiến thức mà họ phải giữ lửa để những tiết học không uể oải, sĩ số học sinh phải đảm bảo. Tết đến với những người thầy không háo hức niềm vui quà thưởng mà thêm phần trách nhiệm, bổn phận.

Tết đến và nỗi lo người thầy

Không để trường lớp dã đám

Giữ lửa cho những tiết tuần học ngày áp Tết là việc làm không dễ dàng đối với giáo viên khi không khí Tết đã hiện diện và rộn ràng trong mọi hoạt động xã hội và tác động không nhỏ tới tâm lý học tập của học sinh.

Nhiều thầy cô đã phải thốt lên rằng: Tết đến giáo viên chúng tôi chỉ tăng thêm nỗi lo trường lớp. Làm sao để học sinh không dã đám, không học hành uể oải, không vi phạm các kỷ luật trường học (đi học muộn, bỏ học, trốn tiết, đốt pháo…) buộc chúng tôi phải nghĩ và triển khai nhiều phương cách quản lý học sinh.

Chính vì vậy, hầu hết các trường học ở thời điểm trước Tết đã đồng loạt tăng cường hàng loạt giải pháp đảm bảo kỷ luật, học tập trường lớp.

“Từ việc siết chặt kỷ luật; tuyên truyền vận động; phối kết hợp cùng phụ huynh đốc thúc nhắc nhở con đến trường… Thậm chí phải mời cả cha mẹ học sinh đến ký cam kết không ép con nghỉ học sớm...” - Thầy Hoàng Minh Thanh (Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết.

Mặt khác, để các tiết học tránh rơi vào ể oải, thiếu lửa các thầy cô phải áp dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy phong phú trên lớp để lôi kéo học sinh chú ý quan tâm đến bài học.

Nhiều thầy cô còn cho biết, thậm chí phải sử dụng cả những biện pháp rắn hơn như tích cực kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút. Động viên khuyến khích tinh thần học tập bằng cả lời khen lẫn cộng điểm hoặc cho gỡ điểm chưa đạt…

Đặc biệt, nhiều thầy cô còn chủ động lồng ghép giữa học và chơi; học trên lớp và học ngoài thực tế… miễn sao để tinh thần học sinh không uể oải, chỉ nghĩ đến nghỉ học.

Nếu ổn định tốt sĩ số, duy trì được việc học trên lớp của học sinh ổn định như ngày thường thì khi học sinh nghỉ Tết chục ngày quay trở lại trường lớp giáo viên đỡ vất vả hơn trong việc giúp nhắc, bồi dưỡng lại các kiến thức đã học.

Nhiều thầy cô cũng thẳng thắn chia sẻ trước và sau Tết là dịp vất vả nhất trong cả năm học của họ. Bởi không chỉ lo lắng để củng cố kiến thức cho học sinh vững vàng mà phải sát sao cả việc duy trì sĩ số sao cho đầy đủ, ổn định nhất.

Chỉ cần một vài học sinh nghỉ học, vắng tiết là giáo viên đã đứng ngồi lo lắng và phải nhanh chóng liên lạc với gia đình, học sinh để kéo các em tới lớp đầy đủ. Đặc biệt với những giáo viên đang dạy lớp 12, thì thời gian trước và sau Tết đầy áp lực khi phải tăng hết tốc lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến rất gần.

Áp lực ổn định sĩ số trường lớp

Đối với những thầy cô đang công tác ở các thành phố lớn ít chịu áp lực ổn định sĩ số học sinh dịp sau Tết thì các thầy cô ở vùng khó, vùng cao biên giới, hải đảo… đây lại là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, sau Tết ở nhiều địa phương là dịp tỉ lệ học sinh nghỉ học, trốn học cao nhất trong năm. Ngay cả khi các em có tới trường lớp thì cũng hay rơi vào tình trạng bỏ bê không tập trung bởi còn tham gia vào lễ hội, vụ mùa, các công việc phụ giúp dịch vụ dễ kiếm tiền.

Thậm chí, nhiều phụ huynh vì lợi ích trước mắt còn ép con nghỉ học. Sau thời gian trốn hoặc nghỉ học, giáo viên không những phải tới tận nhà vận động học sinh quay trở lại lớp mà còn phải bố trí sắp xếp thời gian nghỉ Tết kết thúc sớm hơn để dạy bổ trợ mảng kiến thức các em đã bỏ trống, giúp các em theo kịp kiến thức chung và bạn bè trên lớp.

Thầy giáo Phạm Xuân Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) - cho biết: Sau Tết thường rơi đúng vào thời điểm thu hoạch vụ mùa của cây đót.

Vì vậy, nhiều học sinh tự ý hoặc cha mẹ giữ ở nhà để phụ giúp gia đình thu hoạch kiếm thêm. Nghỉ học lâu có thể dẫn tới tình trạng học sinh rỗng kiến thức từ đó chán học rồi tự ý bỏ học.

Nếu nhà trường không có sự kết hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên truyền, vận động tới cả phụ huynh và bồi dưỡng lại kiến thức cho học sinh thì tình trạng bỏ học là khó tránh khỏi.

Nỗi lo trốn bỏ học còn đến với các trường học, thầy cô giáo vùng biên giới, nơi các hoạt động buôn bán ở cửa khẩu phát triển. Học sinh thường tranh thủ nghỉ học để phụ giúp gia đình buôn bán, gánh vác hàng hóa… kiếm tiền tiêu Tết. Nhiều học sinh khi tham gia kiếm tiền thấy thuận lợi, dễ dàng từ trốn học chuyển hẳn sang bỏ học để lao động kiếm sống và chơi bời.

Tình trạng học sinh trốn, bỏ học sau Tết khá đông từ nhiều năm nay cũng tập trung ở một số tỉnh miền Tây và Nam bộ. Khi cha mẹ đa số theo nghề nông dân, ngư dân, cuộc sống hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên vào dịp thu hoạch vụ mùa hoặc đi sống, biển đánh lưới thường huy động cả con cái gia đình vào cuộc. Nhiều học sinh phải nghỉ học 10 ngày đến nửa tháng, cả tháng để phụ giúp cha mẹ mưu sinh.

Để duy trì ổn định sĩ số học sinh trước và sau Tết cho hoạt động giáo dục, các nhà trường và giáo viên ở nhiều vùng miền luôn phải căng mình với cả chuyên môn lẫn hoạt động sau giờ học.

Thế nhưng, với đa số những thầy cô giáo tình yêu trò yêu nghề được đặt lên trên nên họ đã và đang âm thầm vượt mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Tết đến xuân về với đội ngũ nhà giáo là thêm trọng trách, trách nhiệm để đảm bảo cho những chuyến đò giáo dục được về đích an toàn.

Giữ lửa cho những tiết học ngày áp Tết là việc làm không dễ dàng đối với giáo viên khi không khí Tết đã hiện diện rộn ràng trong mọi hoạt động xã hội và tác động không nhỏ tới tâm lý học tập của học sinh. Nhiều thầy cô cho rằng: Tết đến giáo viên chúng tôi chỉ tăng thêm nỗi lo trường lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.