Tết đầu tiên trên bờ của người dân vạn chài Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lênh đênh trên sông từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay khát vọng lên bờ của nhiều hộ dân vạn chài đã được thực hiện.

Nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ cùng sống trong một chiếc thuyền chật hẹp.
Nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ cùng sống trong một chiếc thuyền chật hẹp.

Niềm vui được nhân lên gấp bội khi Tết cận kề, lần đầu tiên họ được đón Giao thừa trong những ngôi nhà khang trang vững chãi.

Niềm vui ngày cuối năm

Tết năm ngoái, vợ chồng Lê Văn Đáp (thôn Định Tiến, huyện Yên Định) vẫn còn phải đón Tết trên chiếc thuyền nhỏ quá “đát” ọp ẹp. Anh Đáp không biết có bao nhiêu thế hệ trong gia đình phải cư trú trên những chiếc thuyền trên sông.

Đến đời anh thì ước mơ có được căn nhà để lên bờ cũng chỉ là mơ ước do cuộc sống chật vật, khó khăn, cuộc sống mưu sinh trông chờ vào những con tôm, con cá bắt được mỗi ngày.

Khó khăn đến mức dù được địa phương cấp đất, nhưng anh Đáp không thể cất nổi gian nhà tránh gió, che mưa. Sau khi được Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng thêm kinh phí hỗ trợ từ giáo phận và vay mượn họ hàng, tháng 7/2022, anh Đáp đã khởi công xây ngôi nhà trên khu đất 125m2.

“Tết này được đón Giao thừa trong căn nhà mới, thật sự đó như là một giấc mơ. Nếu không được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, thì không biết bao giờ chúng tôi mới có được nhà để ở. Lên bờ rồi, các con sẽ được đi học đến nơi đến chốn, hy vọng tương lai sẽ sáng sủa hơn so với cuộc đời của mình”, anh Đáp bộc bạch.

Với gia đình chị Nguyễn Thị Liên (thôn Bãi Cháy, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành) cũng vậy, bao năm gắn bó với sông nước, ước mơ lớn nhất của cuộc đời chị là có nhà kiên cố để lên bờ.

“Sống trên thuyền bao năm đều phải vào làng xin nước để sinh hoạt rất khổ cực, chẳng những vậy, bao hiểm nguy rình rập mỗi khi mùa mưa bão về. Chưa bao giờ chúng tôi được đón một cái Tết đủ đầy. Cũng vì sống dưới sông nên 4 đứa con đều thất học, chỉ mong có được căn nhà để mà an cư”, chị Liên ứa nước mắt nhớ lại ký ức nghèo đói xót xa.

Được chính quyền cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà, chị Liên mừng rơi nước mắt. Căn nhà còn nồng mùi sơn, những đồ dùng còn đơn sơ giản dị nhưng là niềm mơ ước của không những chị, mà biết bao thế hệ trong gia đình chị đến nay mới thành hiện thực.

Có nhà trên bờ để ổn định cuộc sống, với gia đình chị Liên có lẽ Tết này thật đáng nhớ nhất. Chia sẻ niềm vui chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trên bờ, chị Liên nói: “Khi ở trên thuyền chật chội, những năm trước, ngày Tết gia đình cũng không mua sắm được gì nhiều vì khó khăn.

Năm nay có nhà mới, dù ít dù nhiều gia đình cố gắng dành dụm để lo cho các con được cái Tết tươm tất, rồi còn chia vui với anh em, bà con làng xóm. Tôi sẽ sắm lễ vật thắp hương báo niềm vui này với ông bà, tổ tiên...”.

Gần nhà chị Liên, hộ ông Nguyễn Văn Tư (SN 1969) đang gấp rút xây dựng để kịp về nhà mới đón Tết. Anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1996), con trai ông Tư, cho biết: “Trước đây, sống cảnh sông nước không có điều kiện vay vốn, nay có nhà ở rồi, qua Tết, tôi sẽ kiếm công việc để làm, rồi đề nghị vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi thêm, từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo…”.

Cũng giống như gia đình anh Đáp, ông Tư hay chị Liên, hàng trăm hộ dân sông nước sống trên khắp các con sông của tỉnh Thanh Hóa rất vui mừng, phấn khởi khi được quan tâm hỗ trợ cấp đất, xây nhà.

Sau rà soát, Thanh Hóa có 299 hộ dân sống trên sông.

Sau rà soát, Thanh Hóa có 299 hộ dân sống trên sông.

Cuộc cách mạng cho đồng bào sông nước

Theo kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa, chậm nhất đến 30/6/2023, các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành và Yên Định phải hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở. Riêng TP Thanh Hóa chậm nhất đến ngày 31/12/2023 phải hoàn thành.

Từ đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu triển khai dự án chưa từng có tiền lệ, đó là sẽ bố trí đất và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho tất cả các hộ dân chài. Toàn tỉnh sau khi rà soát, có 299 hộ dân sinh sống trên sông.

Cụ thể, huyện Thọ Xuân có 65 hộ, huyện Thiệu Hóa 64 hộ, huyện Thạch Thành 5 hộ, huyện Vĩnh Lộc 4 hộ, huyện Yên Định 76 hộ và TP Thanh Hóa 85 hộ. Trong đó, có 194 hộ được đề nghị cấp đất ở, hiện có 86 hộ đã được cấp đất, 66 hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xây dựng nhà cho người dân sẽ được huy động từ lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, các nguồn hỗ trợ khác.

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa trên, ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Thành, thông tin: “Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, huyện đã rà soát, lập danh sách, lựa chọn những vị trí thuận lợi để cấp đất cho các hộ dân sinh sống trên sông làm nhà ở, vừa thuận lợi trên bờ, lại có thể mưu sinh sông nước.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện Thạch Thành đã huy động từ Quỹ Vì người nghèo của huyện và phát động sự quyên góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, anh em dòng họ ủng hộ về nhân công, vật chất để các hộ sớm hoàn thành việc xây dựng, kịp đón Tết Nguyên đán. Huyện sẽ tiếp tục huy động hỗ trợ để các hộ dân làng chài về nơi ở mới đón Tết thêm vui, đầm ấm”.

Sau khi được hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, những căn nhà khang trang của người dân vạn chài đã mọc lên.

Sau khi được hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, những căn nhà khang trang của người dân vạn chài đã mọc lên.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: “Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và rất kịp thời, là sự tiếp nối thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV.

Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau của dân tộc ta…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ