Bước đột phá của tỉnh Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có bước đột phá, nền kinh tế tăng trưởng lọt vào nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Một góc thành phố Thanh Hóa.
Một góc thành phố Thanh Hóa.

Thu ngân sách chạm mốc 50 nghìn tỷ đồng

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có bước đột phá về mọi mặt trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Tính đến thời điểm này, nguồn thu ngân sách của Thanh Hóa đã gần chạm mốc 50 nghìn tỷ đồng và lọt vào nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Báo cáo tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026), cho thấy: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước (sau các tỉnh, thành phố, như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bắc Giang, Hậu Giang và Hưng Yên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD (vượt 4,42% kế hoạch).

Sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Thanh Hóa phát triển khá toàn diện. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021. Chăn nuôi phát triển ổn định; các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững và đã trồng mới được 6,25 triệu cây phân tán, 12.500 ha rừng tập trung (vượt 25% kế hoạch)... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Minh Hiếu.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Minh Hiếu.

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 vượt 18,8% kế hoạch (tăng 26,5% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt hơn 11triệu lượt khách (gấp 3,2 lần năm 2021), trong đó, có 245 nghìn lượt khách quốc tế (gấp 11,5 lần). Tổng thu du lịch gấp 4 lần năm 2021. Giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD (bằng 96,8% kế hoạch và tăng 1,6%). Giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD (tăng 30,1%).

Cùng với đó, doanh thu vận tải tăng 30,5%; doanh thu hoạt động bưu chính, viễn thông tăng 13,9% so với cùng kỳ. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng phát triển) ước đạt 133,6 nghìn tỷ đồng (tăng 5,8% so với đầu năm). Tổng dư nợ ước đạt 173,1 nghìn tỷ đồng (tăng 14%). Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 4.670 tỷ đồng, (tăng 13,9%).

Năm 2022, mức thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hóa đạt cao nhất từ trước đến nay, với mức ước đạt 48.820 tỷ đồng (vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ).

Mặc dù, vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động đầu tư của Thanh Hóa đạt kết quả khá tích cực. Theo đó, tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng (bằng 95,8% kế hoạch và tăng 0,9% so với cùng kỳ). Đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD. Đến ngày 30/11 vừa qua, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 7.599 tỷ đồng (bằng 65,4% kế hoạch)...

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Thanh Hóa tiếp tục được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ số ca mắc Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước và không có người nào tử vong trong năm 2022.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng cao. Giáo dục mũi nhọn được giữ vững trong nhóm đầu cả nước. Giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 81,74%, vượt kế hoạch đề ra.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại diễn đàn của kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Minh Hiếu

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại diễn đàn của kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Minh Hiếu

Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong năm qua, Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho gần 60.000 lao động. Trong đó, có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ). Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Thanh Hóa giảm 1,72% so năm 2021...

Trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất vùng

Thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho thấy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ..., với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh, đến nay Thanh Hóa đã vươn lên thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Vùng và nằm trong nhóm 10 tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004-2021 đạt gần 10%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị đề ra. Thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất khẩu năm 2021 gấp 25 lần năm 2004. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% lên 36%.

Tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 11,7% năm 2004 xuống còn 1,51% năm 2021 (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước được đẩy mạnh.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Thanh Hóa vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức, như: Chất lượng tăng trưởng còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, các hoạt động kinh tế chưa khai thác, phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng còn hạn chế.

Một góc khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn thiếu và yếu, hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bắt kịp với nhu cầu phát triển. Năng suất lao động, mức độ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi còn ở mức cao, có nơi rất cao…

Cực tăng trưởng mới

Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ để kết nối với vùng đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh vùng Tây Bắc. Do đó, Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Với mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh đã, đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình.

Theo đó, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt. Ưu tiên các nguồn lực để phát triển Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; phát triển 4 vùng kinh tế động lực, gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành...

Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước. Khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân gắn với khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng. Khuyến khích, tạo cơ chế hấp dẫn để các hãng hàng không nghiên cứu, mở các đường bay mới đến sân bay Thọ Xuân.

Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước về du lịch biển; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, hình thành các cụm tương hỗ về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ và toàn vùng...

Tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tạo nền tảng giữ vững ổn định, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ