Tết của giáo viên xa nhà ở Ka Lăng

GD&TĐ - Năm hết, Tết đến là quãng thời gian mà những giáo viên lên công tác tại xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) nhớ nhà nhất.

Đối với giáo viên vùng cao, Tết xa nhà không còn xa lạ.
Đối với giáo viên vùng cao, Tết xa nhà không còn xa lạ.

Có người vì dịch bệnh, cũng có người vì “một chốn, ba quê”, họ không thể về. Lỡ hẹn với người thân, cô Lò Thị Thủy chỉ muốn nhắn nhủ rằng: “Bố mẹ ơi, hết dịch con sẽ về!”.

Biên giới là nhà...

Mùa xuân về, bầu trời, núi rừng xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè hòa chung một màu trong xanh. Nơi địa đầu của Tổ quốc đẹp cả thiên nhiên lẫn lòng người. Ở đó, có những người con xa quê mong ngày Tết được về đoàn tụ với gia đình. Nhưng cũng có người, vì nhiệm vụ, vì nặng tình với vùng cao mà ở lại ăn Tết cùng bản.

Trước đây, nhắc đến Ka Lăng, người ta thường dùng đến những cụm từ như “hãi hùng”, “xa tít”, bởi đường vào xã biên giới này cực kỳ hiểm trở. Từ trung tâm huyện vừa đi xe máy và dắt bộ luồn rừng, vào được xã cũng phải mất cả ngày trời.

Qua năm tháng, Ka Lăng đang đổi thay từng ngày. Xã đặc biệt khó khăn giờ đây đã có đường ô tô vào tận trung tâm, sóng điện thoại di động được phủ khắp, bản làng khoác lên mình những chiếc “áo mới”… Xa xa nhìn xuống, Ka Lăng như một thị tứ sầm uất giữa chốn đại ngàn xanh thẳm.

Dọc theo những cung đường vào bản ở Ka Lăng, từng thảm dã quỳ nở vàng rực rỡ. Câu chuyện người Hà Nhì hiếu học, biết giữ rừng giống như những nốt nhạc vui cứ ngân vang, ngân vang mãi giữa đại ngàn.

Người Hà Nhì ở đây đón Tết sớm hơn so với Tết Nguyên đán. Họ không ấn định cụ thể ngày ăn Tết hàng năm mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm. Thường vào khoảng tháng 11 dương lịch sẽ diễn ra vào ngày Thìn đầu hoặc giữa tháng. Đây là thời điểm nông nhàn, người dân Hà Nhì đã kết thúc mọi công việc đồng áng, có đủ điều kiện để ăn Tết vui vẻ. Nhà nhà đều cầu mong cho mùa vụ năm sau bội thu, chăn nuôi phát triển.

Tại trung tâm xã Ka Lăng, 3 trường học mầm non, tiểu học và THCS được bao quanh bởi các bản của người Hà Nhì. Thầy cô nơi đây thường nói vui với nhau rằng:  “Chúng tôi là những người may mắn được đón 2 cái Tết”. Nói thế bởi dân bản rất mến khách, ngày Tết, họ thường mời thầy cô giáo đến chung vui cùng gia đình.

Hơn 15 năm công tác tại Trường Phổ thông DTBT THCS Ka Lăng là cũng ngần ấy năm thầy Trần Nam Phong được đón “Tết” cùng dân bản. “Được bà con quý mến mời đến nhà ăn Tết, mình vui lắm. Quan trọng là mình biết được nhiều phong tục tập quán của bà con nơi đây”, thầy Phong chia sẻ.

Dù mới hơn 4 năm công tác tại Ka Lăng, nhưng với cô Lò Thị Thủy, tình cảm mà bà con dân bản dành cho là thứ cô luôn trân trọng, nâng niu. Cô Thủy nói: “Ngày Tết, học sinh luôn nhớ đến thầy cô. Các em thường xin bố mẹ rồi đem lên trường tặng thầy cô bánh chưng, bánh giầy hay một ít thịt khô. Ngần đấy là đủ để thấy được tình cảm của các em đối với mình”.

Tết Hà Nhì qua đi trong tiết xuân lành lạnh, sương mù vẫn bao phủ trên đỉnh Ka Lăng. Bên bìa rừng, những cánh đào bắt đầu bung nở. Đây cũng là lúc những người con xa quê lên đây bám bản, bám trường nao nao nỗi nhớ hướng về quê hương trong không khí Tết Nguyên đán.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng tận tình với học sinh.
 Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng tận tình với học sinh.

Cảm xúc đan xen

Ở Ka Lăng, dân bản không ăn Tết Nguyên đán mà chỉ ăn Tết Hà Nhì. Vì thế, dịp Tết Nguyên đán, chỉ có các hộ từ xuôi lên đây làm ăn tổ chức Tết Nguyên đán để tưởng nhớ tổ tiên và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngày Tết, thầy cô lại mời dân bản lên nhà chung vui. Đó cũng như sự đáp lại bằng việc giới thiệu cho đồng bào Hà Nhì nét đẹp truyền thống của người Kinh.

Còn nhớ, hồi Tết Tân Sửu năm vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn bộ 25 cán bộ, công nhân viên của Trường Phổ thông DTBT THCS Ka Lăng đều ở lại trường đón Tết. Cùng với họ là hàng chục thầy cô ở các trường lân cận.

Thầy Nguyễn Đắc Thuấn (Hiệu trưởng nhà trường) từ Hải Dương lên nhận nhiệm vụ trên Ka Lăng cũng đã nhiều năm. Thường, mỗi dịp Tết đến, vợ chồng thầy đều cố gắng thu xếp thời gian để về quê với gia đình. Nhưng cũng không phải năm nào cũng về được. Những khi ở lại, họ lại động viên nhau cùng cố gắng gạt đi nỗi nhớ nhà.

“Mọi năm, chúng tôi đều cố gắng về quê ăn Tết. Không khí ngày Tết ở quê rất vui vẻ, đầm ấm vì cả năm gia đình mới được đoàn tụ, sum vầy. Năm ngoái, dịch bệnh phức tạp, không về được thì cũng rất nhớ nhà. Nghĩ cho cùng cũng bởi dịch bệnh nên tất cả lại động viên nhau vui vẻ ở lại, hạn chế di chuyển để vượt qua đại dịch. Năm nay cũng vậy, khả năng tôi và các giáo viên ở đây tiếp tục ở lại...”.

Tết Nhâm Dần (2022) là lần thứ 4 liên tiếp thầy Trần Nam Phong đón Tết ở Ka Lăng. Theo thầy Phong, đó là quãng thời gian thầy nhớ nhà, nhớ quê nhiều nhất. Song, cứ ở cùng bà con, đón Tết cùng những người ở lại cũng thành quen. Tết ở đây tuy thiếu thốn về vật chất, song cũng chẳng kém phần vui tươi. Đó là lúc thầy được nghỉ ngơi, xả hơi sau cả năm làm việc mệt mỏi.

“Ở trường chúng tôi vẫn làm Tết, vẫn đủ đầy mâm cỗ cúng. Rồi bánh chưng, hoa quả, tất cả đều không thiếu. Dân bản, học sinh và những đồng nghiệp ở lại cũng đến chúc mừng, như vậy là đủ ấm lòng. Còn những khi rảnh rỗi, tôi lại xuống bản, thăm gia đình học sinh, tranh thủ vận động phụ huynh đưa con đến lớp ngay sau kỳ nghỉ Tết dài. Công việc này, năm nào cũng vậy...!”.

Năm ngoái, lần đầu tiên gia đình cô Lò Thị Thủy không thể trở về quê hương Điện Biên đoàn tụ cùng gia đình bởi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, quy chế quản lý ngặt nghèo. “Tôi nhớ, lúc đó nhớ nhà chỉ biết bấm máy rồi gọi điện về cho gia đình. Thấy mọi người ở quê ăn Tết vui vẻ mà đôi lúc cũng thấy chạnh lòng. Nghĩ vậy, nhưng ở đây tất cả đều ở lại. Dù gì thì mình cũng có cả chồng con ở cùng nên cũng tự an ủi bản thân”, cô Thủy nhớ lại.

Thầy cô cùng dân bản múa trong ngày Tết truyền thống của người Hà Nhì.
Thầy cô cùng dân bản múa trong ngày Tết truyền thống của người Hà Nhì.

Hết dịch lại về...

“Hết dịch cả gia đình lại sum vầy”, với tinh thần ấy, hàng nghìn giáo viên ở Lai Châu đã sẵn sàng ở lại trường đón Tết. Năm nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, bất thường khiến cho bao nhiêu dự định của những giáo viên ở đây đành bỏ ngỏ.

“Tôi có nhà ở dưới trung tâm huyện, cả gia đình sống ở đó. Năm nay, gia đình tôi sẽ tiếp tục ở lại Mường Tè đón Tết. Còn việc về quê, chắc phải thêm lần lỡ hẹn”, thầy Nguyễn Đắc Thuấn nói.

Theo cô Lò Thị Thủy, nếu năm nay dịch vẫn phức tạp, gia đình cô sẽ tiếp tục ở lại “gác trường”: “Nhớ bố mẹ tuổi cao, nhớ nhà lắm, nhưng vì cả nước đang chung tay chống dịch, nên tôi xác định sẽ ở lại ăn Tết cùng đồng nghiệp. Tôi có điều muốn nhắn nhủ với bố mẹ rằng: Bố mẹ ơi, hết dịch con sẽ về”.

Cô Nguyễn Thị Hạ (quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Làng Mô lên với vùng đất Sìn Hồ dạy phổ cập từ năm 1998. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất này, dấu chân cô đã in khắp các bản vùng cao, vùng sâu của huyện. Đã nhiều năm nay, cô cùng gia đình vẫn chưa thể đón Tết đông đủ cùng người thân. Tất cả cũng chỉ bởi vợ chồng cô một chốn ba quê.

“Bố mẹ đẻ tôi ở tỉnh Thái Bình, chồng con lại ở tỉnh Điện Biên. Đường sá xa xôi, ngày Tết thì ngắn nên nếu có về quê thì phần lớn thời gian là di chuyển trên đường. Việc sum họp gia đình không phải muốn là có thể làm được. Nhiều năm trước, do đường sá đi lại khó khăn, mỗi người một nơi, nên chồng con tôi ăn Tết với ông bà nội ở Điện Biên, còn tôi ở lại ăn Tết ở Sìn Hồ”, cô Hạ chia sẻ.

Vài năm trở lại đây, khi đường sá đi lại thuận tiện hơn, cô Hạ đã có thời gian về quê chồng ở Điện Biên ăn Tết. Nhưng lần này, bao nhiêu dự định ngày Tết cũng đành gác lại bởi ở cả Điện Biên và Lai Châu, dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ.

“Biết làm thế nào được, có dịch thì chúng tôi phải ở lại, cùng nhau chung sức chống dịch. Các địa phương đều đang có dịch, nếu như về thì lại phải cách ly cả hai nơi. Như vậy sẽ bị ảnh hưởng đến lịch giảng dạy và học tập của nhà trường. Vì thế, tôi quyết định sẽ ở lại trường cùng đồng nghiệp”, cô Hạ ngậm ngùi.

Xuân đã về trên khắp các bản làng vùng cao. Ở đó, những nhà giáo ở đây đang cùng nhịp xuân và bà con để đón thêm một cái Tết mới trong mùa đại dịch. Năm mới sắp sang, họ vẫn thầm mong ước học sinh của mình sẽ tiếp tục vượt khó đến trường, để mỗi em sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Hầu hết các giáo viên lên vùng biên Ka Lăng công tác đều là người dưới xuôi. Họ lên đây thực hiện nhiệm vụ “gieo chữ”, “trồng người”. Những dịp Tết đến, xuân về, mong muốn được trở về với gia đình, với họ hàng, làng xóm càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thế nhưng, dịch Covid-19 xuất hiện, ước muốn tưởng chừng đời thường đó của thầy cô đâu có dễ thực hiện được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.