Quà Tết “độc, lạ”
Thầy Tình bộc bạch: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có ngày được đến Trường Sa để dạy học và cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình được đón Tết ở đây. Mọi thứ vẫn như một giấc mơ đẹp”. Thầy Tình nhớ lại năm đầu tiên đón Tết ở đảo. Biết thầy giáo trẻ lần đầu ăn Tết xa nhà, nên bất cứ chương trình, hoạt động nào mọi người cũng mời thầy tham gia.
Học sinh háo hức cùng thầy đón giao thừa, rồi ríu rít hát ca, hòa cùng tiếng sóng biển. “Đây cũng là năm đầu tiên tôi được nhận những món quà Tết đặc biệt mà có lẽ chỉ Trường Sa mới có. Đó là những trái bàng vuông khô, những con ốc biển với hình thù “độc, lạ” và những bức tranh về biển đảo quê hương do chính tay các em học sinh vẽ tặng” – thầy Tình tâm sự.
Thầy chia sẻ: Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nói không nhớ nhà là dối lòng, nhưng bao nhiêu niềm riêng thầy đều gác lại để đón chào một năm mới với biết bao ân tình và những điều khởi sắc ở nơi “xa khơi, nghìn trùng”. Thầy Tình cho biết: Tết ở đảo vui không kém gì trong đất liền, cũng đủ đầy: Đào, quất, bánh kẹo, cây nêu; tất nhiên không thể thiếu thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ và bánh chưng xanh. Ấm áp nhất là tình người giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ.
Đó không chỉ là tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân mà còn là tình cảm thầy trò cùng nhau vượt qua những khó khăn, quyết tâm thi đua dạy tốt - học tốt nơi đầu sóng, ngọn gió. “Bằng tất cả kinh nghiệm và tâm huyết của mình, tôi sẽ không để các em phải thiệt thòi, thua kém các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Tôi muốn các em không chỉ học chữ mà còn phát triển kỹ năng sống để khi trở về đất liền, các em có thể hòa nhập ngay với môi trường học tập mới” – thầy Tình trải lòng.
Chẳng thế mà, ngày ra đảo dạy học, ngoài sách vở, đồ dùng cá nhân, thầy còn mang theo rất nhiều đồ dùng dạy học do tự tay thầy làm khi còn dạy ở đất liền; cùng với đó là những tập giấy màu, những vật dụng thủ công. Thầy Tình nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân đến đảo, mọi thứ hiện ra trước mắt thật đẹp, khác xa so với những gì thầy tưởng tưởng ở nhà. Trường học được xây dựng kiên cố, nằm giữa những hàng cây phong ba và cây bàng vuông, xen lẫn tiếng sống vỗ rì rào. Xa xa là tiếng nói cười ríu rít của trẻ thơ, với anh mắt thơ ngây, trong sáng và có chút ngại ngùng, e thẹn của các em khi gặp người lạ.
Ngày đầu tiên lên lớp, thầy - trò làm quen với nhau, hóa ra dạy học ở đây không đơn giản như những gì thầy nghĩ. Lớp học của thầy có 5 học sinh nhưng là lớp ghép 3 trình độ; trong đó có 2 học sinh mẫu giáo 5 tuổi; 1 học sinh mẫu giáo bé và 2 học sinh học lớp 3. Điều này, đồng nghĩa với việc thầy phải đảm nhiệm rất nhiều vai: Vừa là bảo mẫu, vừa là “cô nuôi dạy hổ” và vừa là giáo viên phổ thông. Ấy vậy mà ngay từ buổi học đầu tiên, thầy Tình đã nhập vai “rất ngọt”.
Thầy giáo “3 trong 1”
Thầy nhớ lại: Buổi đầu đến lớp, các em học sinh mẫu giáo vẫn còn khóc nhè, vậy là thầy phải cưng nựng các em như những người cha, người mẹ. Đang trong giờ học, có em còn tè dầm, có em thì đòi đi đại tiện. Không ai khác, thầy là người trực tiếp hỗ trợ các em mọi nhu cầu cá nhân. Buổi học đầu tiên trôi qua bằng một loạt công việc mà thầy chưa từng làm. “Tuy lúc đầu có lóng ngóng đôi chút, nhưng về cơ bản tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một “cô nuôi dạy hổ” và một “anh giáo làng”. Hơn nữa, ngay từ lúc đặt bút viết đơn tình nguyện ra đảo dạy học, tôi đã xác định: Đảo sẽ là nhà, học sinh, người dân và các chiến sĩ là anh em ruột thịt của mình. “Vì thế dù khó khăn đến mấy, tôi cũng sẽ quyết tâm vượt qua” – thầy Tình quả quyết.
Chia sẻ về công việc dạy học của mình, thầy Tình cho hay: Thầy luôn bám sát chương trình theo quy định và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa. Học sinh ở độ tuổi nào, thầy dạy theo đúng chương trình của độ tuổi đấy. Có điều dạy học ở lớp ba trình độ khác hẳn so với dạy lớp một trình độ hồi ở đất liền. Điều đó khiến thầy gần như phải luôn chân, luôn tay. Trong lúc lo cho các em mẫu giáo, thầy giao bài tập cho các anh học sinh lớp 3 làm.
Ngược lại, khi các em mẫu giáo ổn định thì thầy quay sang hướng dẫn các anh lớp 3 học bài mới. “Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, tôi tập trung dạy các em kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khóa. Chẳng hạn hướng dẫn các em sơ cứu vết trầy, xước khi không may bị tai nạn; hướng dẫn các em nhận diện đèn tín hiệu giao thông qua tranh, ảnh hoặc những cột đèn giao thông do thầy tự chế; đặc biệt tôi chú trọng rèn luyện các em về tính tự tin, tự lập và phải là những học trò ngoan, lễ phép” – thầy Tình chia sẻ.
Trong những ngày đầu xuân năm mới, điều mà thầy Tình mong muốn lớn nhất là, học sinh của thầy tiến bộ mỗi ngày. “Tôi cũng nguyện đem hết tâm sức, trí tuệ của mình để dạy học cho các em” – thầy Tình khẳng định, đồng thời cho biết: Năm học 2020 - 2021 tới đây, 2 học sinh mẫu giáo lớn sẽ lên lớp 1. Điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
“Hiện nay, tôi đã và đang dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không dạy theo lối truyền thụ kiến thức một chiều và cố gắng tiếp cận theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dịp nghỉ hè tới đây, tôi sẽ về đất liền để tham dự lớp tập huấn dành cho giáo viên lớp 1. Vì thế tôi tự tin mình có thể thực hiện tốt việc dạy học theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đối với lớp 1” – thầy Tình quả quyết.
Thầy Bành Hữu Tình