Tết Chăm Cha Bới của người Chứt

GD&TĐ - Đến bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) trong ngày cuối năm, đâu đâu cũng rộn ràng âm thanh loa đài vọng khắp chân núi Ka Đay.

Lễ tế bìa rừng - nghi lễ bắt đầu Tết Chăm Cha Bới.
Lễ tế bìa rừng - nghi lễ bắt đầu Tết Chăm Cha Bới.

Đây cũng là thời điểm bà con dân tộc Chứt phấn khởi chuẩn bị đón Tết Chăm Cha Bới (hay còn gọi là Tết Cơm mới).

Tết ấm dưới chân núi Ka Đay

Từ tờ mờ sáng, nhà sinh hoạt cộng đồng của bản Rào Tre đã náo nhiệt, rực rỡ sắc màu hơn ngày thường. Trên đường, các bà, các chị xúng xính váy áo đi đón Tết.

Vừa cõng cháu, bà Hồ Thị Nhài vừa háo hức: “Cái váy này, mấy ngày trước trời mưa cứ sợ giặt không khô, tôi định đem hong trên lửa. May mà 2 ngày này trời ráo, đồ kịp khô để mặc đẹp đi hội”. Không chỉ người lớn, trẻ em dân bản cũng vui đến lạ. Lâu lắm rồi bản Rào Tre mới nhộn nhịp như vậy.

Tết Chăm Cha Bới là 1 trong 2 cái Tết quan trọng của người Chứt được tổ chức vào ngày 12/11 âm lịch.

Theo quan niệm của người Chứt, sau một mùa thu hoạch bội thu, người dân phải làm lễ tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa. Đó như lời tri ân của đồng bào đối với mẹ thiên nhiên trong năm qua đã cho bà con vụ mùa bội thu, sức khỏe dồi dào, con cái sinh sôi nảy nở, cuộc sống bình yên, hạnh phúc và cầu mong cho vụ mùa mới tiếp tục suôn sẻ, thuận lợi.

Theo phong tục, ngoài lễ cúng chung cho cả bản thì mỗi gia đình cũng đều sắm lễ cúng và tự ăn uống sinh hoạt tại nhà. Những ngày này, con cái đi làm ăn nơi xa cũng thu xếp về quây quần bên gia đình đón Tết. Ăn uống xong mọi người sẽ cùng uống rượu và đốt lửa nhảy múa.

Trong ký ức của những người Chứt cao tuổi, không còn những cái Tết quần tụ trong hang đá lạnh cóng và thiếu đói. Từ khi được phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre, cứ mỗi khi đến dịp lễ, Tết chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội biên phòng cùng phối hợp tổ chức Tết cho bà con.

Từ hạt gạo, hạt muối, thịt đến các nhu yếu phẩm thiết yếu khác, bà con đều được chu cấp đầy đủ để đón một cái Tết no ấm, vui vẻ. Vì thế, Tết của đồng bào người Chứt ngày càng sung túc hơn nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có.

Tết Chăm Cha Bới được tổ chức 2 phần gồm lễ và hội. Trong đó, nghi thức phần lễ sẽ được tổ chức tại bìa rừng, do thầy mo Hồ Púc làm chủ tế.

Từ sáng sớm, cán bộ xã Hương Liên cùng chiến sĩ Trạm Biên phòng Rào Tre (thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng, huyện Hương Khê) đã tất bật chuẩn bị đồ tế. Các lễ vật đơn giản gồm: Xôi, lợn, gà… cùng một ít hoa màu như lúa gạo, khoai sắn.

Lễ vật được đưa lên bày biện ngay dưới chân núi Ka Đay. Thầy mo Hồ Púc, Trưởng bản Hồ Kiên thay mặt bà con dân bản cùng dâng lễ, đồng thời khấn vái gửi gắm lời tri ân mẹ thiên nhiên và những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Lễ tế vừa xong cùng lúc trời vừa hửng sáng, các lễ vật được đưa về nhà văn hóa cộng đồng để bà con cùng vui đón Tết. Tại đây, cán bộ biên phòng và đại diện UBND xã sẽ gửi lời chúc Tết đến bà con; phổ biến các chương trình, hoạt động, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

“Sau hơn 30 năm định cư ở Rào Tre, từ 18 nhân khẩu đứng trước vực thẳm tuyệt chủng, giờ đây cộng đồng người Chứt đã tăng lên 156 nhân khẩu với 46 hộ dân. Cuộc sống người Chứt ở Rào Tre cũng đổi thay từng ngày”, Trưởng bản Hồ Kiên phấn khởi.

Người Chứt háo hức đưa 'Tết' về nhà.

Người Chứt háo hức đưa 'Tết' về nhà.

Đưa văn hóa dân tộc vào trường học

Để giúp đồng bào có một cái Tết vui vẻ, các trường học trên địa bàn cùng tham gia chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, trò chơi trong dịp Tết Chăm Cha Bới. Đứng trong cánh gà sân khấu, em Hồ Thị Quỳnh Trang, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hương Liên không khỏi hồi hộp khi chuẩn bị đến tiết mục biểu diễn. Hôm nay, Trang và các bạn biểu diễn tiết mục “Niềm vui của em”.

Dù đôi phần ngượng ngùng vì có nhiều người lạ, nhưng đôi mắt em lấp lánh sự háo hức.

“Từ sáng sớm em đã được các cô giáo cho mặc đẹp, trang điểm đẹp. Em múa vào dịp Tết Chăm Cha Bới nhiều lần rồi nhưng lần nào em cũng rất thích và trông chờ đến lượt để biểu diễn. Người đến tham dự rất đông. Em sẽ múa thật đẹp không thì ngượng lắm”, Trang nói.

Những ngày này, cùng với ôn tập theo chương trình học, Trường Tiểu học Hương Liên còn bố trí giáo viên tập văn nghệ cho học sinh người Chứt biểu diễn trong ngày Tết.

“Hoạt động này khiến các em thích thú và tham gia nhiệt tình. Nhà trường cũng tuyên truyền để học sinh hiểu hơn về Tết Chăm Cha Bới trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp. Những hoạt động này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng cho các em, mà qua đó còn giới thiệu, giáo dục học sinh về văn hóa, truyền thống của dân tộc”, thầy giáo Lê Bính Thìn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên cho biết.

Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp tặng quà mang cái Tết đầy đủ, ấm cúng đến người Chứt.

Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp tặng quà mang cái Tết đầy đủ, ấm cúng đến người Chứt.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thăm hỏi tặng quà cho các hộ gia đình người Chứt nhân dịp Tết Chăm Cha Bới.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thăm hỏi tặng quà cho các hộ gia đình người Chứt nhân dịp Tết Chăm Cha Bới.

Giáo viên và học sinh người dân tộc Chứt biểu diễn văn nghệ vui Tết Chăm Cha Bới.

Giáo viên và học sinh người dân tộc Chứt biểu diễn văn nghệ vui Tết Chăm Cha Bới.

Để học sinh được chung vui Tết dân tộc, Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã cho phép 13 học sinh người Chứt đang học tại trường về bản đón Tết. Theo ban giám hiệu, năm học 2023 - 2024, trường có gần 170 học sinh dân tộc (Nùng, Thái, Khmer, Lào, Mường…) theo học. Với đặc thù này, hàng năm nhà trường xây dựng chương trình học phù hợp để các em có điều kiện về nhà đón Tết dân tộc với gia đình.

“Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh còn lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào giờ học ngoại khóa giúp các em học sinh nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, thầy giáo Đặng Bá Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Thông qua các tiết dạy trên lớp, giáo viên các bộ môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hát múa Tết Chăm Cha Bới của dân tộc Chứt; giới thiệu văn hóa người Chứt; ngày hội giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; ngày hội văn hóa, dân tộc Việt Nam… Tại đây, các em tham gia trình diễn các bộ trang phục truyền thống do tự tay mình thiết kế.

“Chúng em luôn mong chờ những hoạt động của trường về văn hóa các dân tộc. Ở đó, chúng em được giao lưu, tìm hiểu thêm văn hóa của dân tộc khác thông qua các bạn của mình. Vui hơn nữa là bọn em có dịp giới thiệu văn hóa của người Chứt đến với các bạn học”, Hồ Huyền Trang, lớp 8 Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh chia sẻ.

Theo thầy Đặng Bá Hải, tham gia các buổi ngoại khóa, học sinh dân tộc có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, bản sắc của dân tộc mình cũng như của các dân tộc khác trên địa bàn, từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

“Đây cũng là một trong các nội dung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào, đồng thời củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết học sinh trong trường học; thầy cô cũng thêm gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của học trò”, thầy giáo Hải cho biết.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ngày Tết Chăm Cha Bới ở Rào Tre ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản hơn. Đây cũng là hoạt động nhằm gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những phong tục, tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên. Đồng thời từng bước bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chứt, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh - Ông Trần Quốc Bảo (Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh cụ thể và nguồn gốc tên gọi của Oreshnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Điều ông Putin không biết về Oreshnik

GD&TĐ - Dù Oreshnik của Nga đã được biết đến trong cuộc tấn công cơ sở quân sự Ukraine hồi tháng trước nhưng đến nay, nguồn gốc tên gọi vẫn là bí ẩn.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.

Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp cao cấp nhập khẩu