Người Chứt ở Rào Tre đổi thay cuộc sống nhờ xóa mù chữ

GD&TĐ - Từ tộc người có nguy cơ tuyệt chủng, kể từ khi được phát hiện, người Chứt ở Rào Tre đã có nhiều khởi sắc, trong đó có việc xóa mù chữ.

GV trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) dạy học cho HS người Chứt.
GV trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) dạy học cho HS người Chứt.

Gian nan “gieo chữ”

Bản Rào Tre (xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm dưới chân núi Ka Đay thuộc dãy núi Giăng Màn. Đây là nơi cư trú và sinh sống của hơn 150 nhân khẩu của đồng bào người dân tộc Chứt.

Trước đây người Chứt vốn quen sống hoang dã trong núi rừng. Từ khi phát hiện ra tộc người này, bộ đội biên phòng cùng chính quyền các cấp đã vận động họ di dân xuống bản Rào Tre và cử cán bộ lên cắm bản, dạy tiếng Kinh và cách làm ăn cho họ.

Người Chứt ở bản Rào Tre.

Người Chứt ở bản Rào Tre.

Những ngày đầu, dân bản không có một ai biết chữ. Nhằm giúp bà con nâng cao nhận thức, hòa nhập cộng đồng, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã mở lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào. Các chiến sỹ biên phòng được cử về cắm bản phải rất vất vả để làm quen, học tiếng dân tộc, hiểu phong tục tập quán của người Chứt để cùng ăn, cùng ở, dạy tiếng Kinh và cách làm ăn cho bà con.

Để đôn đốc “học sinh” đến lớp, cứ sáng tinh mơ, bộ đội biên phòng gõ kẻng báo thức cho cả bản. Không những thế, các anh còn đi từng nhà, gõ cửa đánh thức mọi dậy đi học. Cái chữ đến được với người Chứt đã khó vì đồng bào học lâu nhớ lại nhanh quên, lại quen với việc “thức đêm, ngủ ngày” của lối sống du mục trước kia nên nếu không được thúc giục, thì sẽ không ai chịu đến trường.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp trường học tổ chức dạy học tại bản cho học sinh người Chứt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 (ảnh tư liệu).

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp trường học tổ chức dạy học tại bản cho học sinh người Chứt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 (ảnh tư liệu).

“Để ổn định, duy trì sĩ số lớp học rất khó khăn. Phần lớn, người dân khi thấy bóng bộ đội biên phòng xuống nhà đã trốn lên rừng để khỏi đi học. Hoặc có người đến lớp thì đã quá trưa trong tình trạng say khướt. Ngồi vào chỗ thì không chịu học, chỉ nói chuyện với nhau. So với trẻ em thì dạy cho các phụ huynh, người lớn rất gian truân. Có khi một chữ mà phải dạy cả tuần, cả tháng, tuy vậy chúng tôi luôn động viên nhau không được nản lòng”, Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre (thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), kể lại.

Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên các hộ gia đình người Chứt tại Rào Tre.

Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên các hộ gia đình người Chứt tại Rào Tre.

Đến nay, sau cả quá trình bản Rào Tre đã xóa được mù chữ. Có được kết quả ấy là nhờ sự chung tay góp sức trong suốt quá trình bền bỉ bám dân, bám địa bàn của biết bao thế hệ cán bộ giáo viên cắm bản, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh.

“Cũng nhờ có bộ đội biên phòng, giáo viên, cùng chính quyền các cấp mà giờ thanh niên trong bản không có ai không biết chữ. Có cái chữ mà người Chứt biết thêm được nhiều cái hay cái tiến bộ. Là trưởng bản biết đọc, biết viết nên các văn bản tôi cũng nắm rõ hơn để phát biểu, giải thích với bà con. Hay mỗi lần phát biểu ở các cuộc họp cấp xã, huyện tôi cũng tự tin hơn”, Hồ Thị Kiên – Trưởng bản Rào Tre nói.

Ước mơ vượt đỉnh Giăng Màn

28 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên mảnh đất này, trong đó, hơn 8 năm gắn bó với HS dân tộc Chứt, cô giáo Hoàng Thị Thưu cho biết ngoài chuyên môn thì dạy học cho học sinh người Chứt còn cần sự kiên trì và cảm thông. Sự bền bỉ, nhiệt tình của cô và các đồng nghiệp đã khiến các em ngày càng gắn bó với thầy cô, với bạn bè, trường lớp. Từ chỗ chưa biết mặt chữ, chưa cầm được cây bút để viết, nay hầu hết các em đã đọc thông, viết thạo, biết làm toán...

Giáo viên đến tận nhà đón trẻ em người dân tộc Chứt đi học.

Giáo viên đến tận nhà đón trẻ em người dân tộc Chứt đi học.

Nỗ lực của các thầy cô giáo trong những năm tháng kiên trì, bền bỉ gieo chữ lên non đã mang ánh sáng tri thức đến với bản làng, thắp sáng ước mơ, khát vọng vượt núi của HS dân tộc thiểu số. Đến nay 100% học sinh người Chứt đều biết chữ, được đến trường. Nhiều em trong đó còn là tấm gương sáng, em Hồ Thị Sương - sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Hà Tĩnh là một trong số đó.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Sương xuất sắc giành được 22,88 điểm khối M01 (Ngữ văn; năng khiếu đọc diễn cảm, kể chuyện; năng khiếu hát, nhạc). Niềm vui đã mỉm cười với người con của bản Rào Tre khi em đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Giáo dục mầm non, Khoa sư phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh. Sương cũng là học sinh người Chứt đầu tiên trúng tuyển Đại học.

Em Hồ Thị Sương - người Chứt đầu tiên tại Rào Tre đậu Đại học.

Em Hồ Thị Sương - người Chứt đầu tiên tại Rào Tre đậu Đại học.

“Em mong muốn sẽ cố gắng để học tập để sau này làm giáo viên gieo chữ cho trẻ em ở bản. Hy vọng, sau này sẽ có thêm nhiều bạn học sinh người Chứt sẽ học thật tốt để có thể đậu Đại học hay có cơ hội phát triển ở nhiều lĩnh vực khác”, Sương chia sẻ.

Để động viên và chia sẻ khó khăn trên chặng đường thực hiện ước mơ làm cô giáo của người con dân tộc Chứt đầu tiên đỗ đại học, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng trong 4 năm. Ngoài ra tỉnh Hà Tĩnh cũng đã quyết định hỗ trợ em mỗi tháng một triệu đồng trong bốn năm đại học (mỗi năm được cấp kinh phí 10 tháng) từ nguồn quỹ của địa phương. Trường Đại học Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ miễn phí chỗ ở ký túc xá và tiếp tục xem xét hỗ trợ em Sương trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.