Những bức ảnh tương ứng được đăng tải lên mạng xã hội trong cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2024, trong đó cho thấy một chiếc F/A-18E Super Hornet mang theo hai tên lửa không đối không tầm xa NAIM-174B.
Trước đó truyền thông quốc tế đưa tin Hải quân Mỹ đang tiến hành công việc tích hợp một loại tên lửa tầm xa thế hệ mới, có bề ngoài giống với tên lửa phòng không SM-6 dùng cho hạm tàu cho tiêm kích F/A-18.
Chiếc chiến đấu cơ mang tên lửa NAIM-174B là một phần của Phi đội tiêm kích tấn công số 192 trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) của Hải quân Mỹ.
Tên lửa trong ảnh là biến thể huấn luyện, bằng chứng là sọc xanh trên đầu đạn, động cơ và vòi phun. Nguyên mẫu trên được sử dụng để nghiên cứu hành trình của tên lửa trong chuyến bay cũng như trong quá trình kích hoạt và phóng từ máy bay.
Đáng chú ý là chỉ số "NAIM" cho phép khẳng định rằng vũ khí này đang được phát triển bởi các chuyên gia của Hải quân Mỹ mà không có sự tham gia của Không lực Hoa Kỳ.
Nhìn bề ngoài, tên lửa này tương tự như đạn phòng không phóng từ tàu chiến SM-6 hiện đang được Hải quân Mỹ và các đồng minh sử dụng.
Lần đầu tiên tên lửa SM-6 được lắp đặt trên tiêm kích Super Hornet là vào năm 2021. Sau đó một chiếc máy bay của Phi đội thử nghiệm số 31 (VX-30) mang vũ khí này đã được phát hiện bay gần Căn cứ Không quân China Lake
Hải quân Hoa Kỳ từ lâu đã cố gắng tìm kiếm giải pháp thay thế cho tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix đã ngừng hoạt động, loại đạn mới được yêu cầu có khả năng đánh chặn tên lửa chống hạm ở khoảng cách xa tốt hơn.
Việc sử dụng tên lửa SM-6 từ máy bay chiến đấu sẽ giúp tăng phạm vi tấn công hiệu quả các mục tiêu trên không ở cự ly lên tới 300 km. Không giống như phiên bản hạm trên tàu, việc phóng từ trên không giúp mở rộng đáng kể cự ly tác chiến do có sẵn độ cao cũng như vận tốc ban đầu nhờ máy bay cung cấp.