Một số vấn đề nhất định trong ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ lẽ ra đã giảm bớt áp lực cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC).
Tuy nhiên những rắc rối từ đối thủ cạnh tranh chính ở bên ngoài không làm cho liên minh này trở nên hiệu quả hơn trong tình hình mới bởi những vấn đề có tính chất nghiêm trọng nhất vẫn tiếp tục nảy sinh.
Theo hãng tin Anh Reuters, có những lo ngại cho rằng không phải chiến lược cắt giảm sản lượng của tổ chức đang sụp đổ, mà chính là liên minh đang đi đến sự suy tàn.
Theo thời gian, giữa các thành viên ngày càng có ít sự đồng thuận trong khi mâu thuẫn lại gia tăng, và các nhà lãnh đạo của nhóm không thể thực thi kỷ luật nội khối.
Những quốc gia đầu tàu có ảnh hưởng lớn dường như tự cho phép mình vi phạm chính sách mà OPEC+ đặt ra, còn các thành viên nhỏ luôn cảm thấy không được tôn trọng và bị chèn ép.
Theo cuộc thăm dò hàng tháng của Reuters, sản lượng tăng ở Nigeria và Iran đã giúp sản lượng dầu của OPEC tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 6.
Nga và UAE không hề thua kém. Trên thực tế, chính những thành viên có ảnh hưởng nhất của liên minh dầu mỏ lại trở thành tấm gương xấu về việc vi phạm hạn ngạch sản xuất, điều mà các nước khác cũng làm theo.
Theo một nghiên cứu theo dõi nguồn cung thị trường, tất cả 12 nước sản xuất OPEC đã sản xuất 26,7 triệu thùng dầu thô trong tháng 6, tăng 170.000 thùng/ngày so với tháng 5. Hầu hết đều tăng sản lượng bất chấp cam kết cắt giảm.
Nigeria đã tăng sản lượng dầu thô lên khoảng 50.000 thùng mỗi ngày vào tháng trước, trực tiếp tạo ra thách thức đối với tổ chức mà nước này vẫn là thành viên.
Cuộc thăm dò hàng tháng của Reuters còn cho biết sản lượng của Iran, được miễn trừ với thỏa thuận OPEC+ đã tăng lên 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng 6, phù hợp với mức cao nhất 5 năm gần đây của Cộng hòa Hồi giáo kể từ tháng 11 năm 2023.
Sản lượng dầu của Iraq có sự sụt giảm nhẹ, cụ thể là giảm 50 nghìn thùng mỗi ngày. Tuy nhiên Iraq tiếp tục vượt quá hạn ngạch OPEC+ vào tháng trước. Mặc dù vậy sự thiếu hụt này không bù lại được phần tăng thêm do Liên bang Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tung ra thị trường.
Cả hai nước trên đều từng hứa sẽ hỗ trợ những nỗ lực của OPEC+, nhưng thực tế lại là một bức tranh rất khác.
Vi phạm kỷ luật trong tổ chức, cùng với giá dầu khá thấp đang hủy hoại vị thế của OPEC+ trên thị trường với tư cách là một cơ cấu có khả năng gây ảnh hưởng toàn cầu.
Một số quốc gia đang mất kiên nhẫn và không còn thấy ý nghĩa của việc gia nhập OPEC+. Tất cả những điều này trở thành tác nhân gây suy yếu tổ chức, hơn là hành động của các đối thủ cạnh tranh bên ngoài nhóm.