Đoàn tàu lừ đừ tiến vào ga, lần này hai người khách Nga của tôi ở toa số 9, tôi nhất định không để cho khách qua mặt mình. Tàu dừng bánh. Trên toa có ba cặp khách Tây. Đưa mắt nhìn và thử đoán xem ai sẽ là khách của mình.
Ngay lúc đó có một người đàn ông to quá khổ chừng ngoài 40 tuổi, mặc áo phông đỏ, quần sooc thể thao màu xanh đen, chân phải đi dép tông xỏ ngón có tới 3 vết băng bó.
Theo sau là một cô gái bé nhỏ, gầy gò, khuôn mặt quắt với cái mũi khoằm to tướng như mũi quạ chừng 18 - 20 tuổi . Tôi cố đoán xem họ là... bố con hay một cặp đôi?
Tôi giơ biển đón, người đàn ông ngó ngó, dòm dòm. Tôi ra hiệu nhưng anh ta không có phản ứng gì gọi là đồng ý hay phản đối. Cả hai cứ đứng nhìn vào bảng đón viết phiên âm bằng tiếng La-tinh. Tôi hỏi bằng tiếng Nga:
- Anh chị có phải là gia đình Mikhailov không?
Nghe tôi gọi tên họ mới ngúc ngoắc cái đầu ra vẻ đồng ý.
Tôi hỏi họ có đói không? Có muốn ăn sáng ngay không? Thường thì mới xuống tàu có người còn rất mệt vì không ngủ được. Họ nói họ không muốn ăn nhưng muốn uống bia. Tôi hơi giật mình ngạc nhiên. Mới hơn 7 giờ sáng mà đã muốn uống bia ư?
Cũng chẳng thể phản đối khi khách hàng là thượng đế, tôi đưa họ về quán Phở 2000 ngay góc chợ Bến Thành, ở đó có đủ điều kiện để vệ sinh buổi sáng, ăn uống và chắc chắn là có bia.
Sau khi vệ sinh xong, họ thoải mái hơn. Tôi khuyên họ nên ăn phở, vừa dễ ăn vừa mau lại sức để còn thực hiện chuyến tham quan 2 ngày sắp tới. Bát phở ở đây rất to.
Chưa bao giờ tôi nhìn thấy bát phở to như thế ở Hà Nội. Nhưng họ còn đặt thêm đĩa nem rán và 5 lon bia: 3 lon 333 cho Volodia - Tên của người đàn ông và 2 lon Tiger cho Gienia - Cô gái.
Theo thói quen tận tụy và tiết kiệm cho khách, tôi bảo họ bia có thể mua ở bất cứ đâu trên đường và giá rẻ hơn rất nhiều. Nhưng họ bảo không sao.
Tôi để họ lại sau khi đã chỉ dẫn cặn kẽ mọi việc. Thức ăn đã được mang ra... Sau khi ăn xong họ đã uống hết 5 lon bia và còn mua thêm 3 lon đem theo: cho Volodia 2 lon và cho Gienia 1 lon.
Tôi muốn ngất luôn vì hoảng sợ. Biết chắc sẽ rất mệt với họ, khi đã uống thì còn phải thải ra nữa chứ. Chưa kể Volodia hút thuốc liên tục mà trong xe thì không được hút.
Như vậy thời gian tham quan không được kéo dài, làm sao đi hết chương trình và làm sao truyền tải hết cho khách những gì mình mong muốn là cả một vấn đề đau đầu... Mà những khách này thường rất ít hào hứng với các bài thuyết minh mang tính lịch sử dài lê thê.
Thôi thì nước nổi , bèo nổi vậy chứ sao bây giờ. Tôi chuẩn bị tinh thần chịu đựng cho hai ngày làm việc không lấy gì phấn khởi lắm.
Khác với những gì tôi nghĩ, họ chăm chú nghe tôi thuyết minh ở khắp nơi. Trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Volodia luôn mồm lẩm bẩm:
- Cái bọn Mỹ này đến đây làm gì ? Thật là một lũ độc ác, dã man...
Nhìn những bức ảnh chụp cảnh giết người, đốt nhà, Volodia thậm chí còn văng tục, không nhận ra xung quanh mình có nhiều khách các quốc tịch khác nhau, trong đó có cả người Liên Xô cũ cũng nói tiếng Nga.
Volodia và Gienia rất thích thú khi đến thăm ngôi chùa cổ Ngọc Hoàng được xây dựng từ thế kỷ 19 với bao nhiêu tín ngưỡng dân gian Việt Nam được lưu giữ nơi này.
Họ cũng mắt tròn mắt dẹt khi tôi nói về trà đạo - uống trà không chỉ đơn giản là uống trà giải khát, uống trà còn là một nghệ thuật thưởng lãm trà và là nét văn hóa thanh tao của người Việt...
Sau khi hoàn thành chuyến tham quan quanh thành phố, tôi hướng dẫn họ tự đi tiếp theo bản đồ và ra về, thở phào nhẹ nhõm.
...Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm Mekong. Chuyến đi cũng thoải mái nhẹ nhàng, họ vẫn vậy, ngơ ngác như trẻ thơ khi tôi chỉ cho họ vẻ đẹp tuyệt vời của những cánh đồng lúa bao la xanh mướt hay những khoảnh ruộng lúa chín vàng rực chờ thu hoạch. Những đàn vịt chen chúc nhau trên cánh đồng mới gặt...
Họ ngạc nhiên lắm, vịt không chỉ là vịt để thịt ăn. Vịt còn là những nhân công cần cù dọn sạch những thóc rơi, thóc vãi trên đồng, vừa làm sạch ruộng, vừa tiết kiệm thức ăn chăn nuôi, vừa tiết kiệm công sức mà thịt vịt lại rất ngon nữa. Vỏ trứng vịt còn được dùng vào việc làm tranh, những bức tranh vô cùng sắc sảo và mang tính nghệ thuật cao...
Khi thăm quan lò kẹo dừa, tôi thấy Gienia bảo Volodia: Mua cho các con nhé? Volodia đồng ý ngay và còn dặn mua nhiều một chút cho các bạn của bọn trẻ nữa. Trong khung cảnh trời mây sông nước bao la, lòng người dường như cũng rộng mở. Tôi hỏi: "Anh chị có mấy con?"
Tôi ngạc nhiên khi Volodia trả lời: "3 đứa. Đứa lớn 14 tuổi, còn lại một đứa 10 tuổi và bé nhất 8 tuổi".
Trên đường về Volodia bắt đầu tâm sự. Anh hỏi tôi trước khi làm hướng dẫn tôi đã từng làm gì ? Tôi nói, tôi học sư phạm ra và đã từng làm cô giáo nhưng nghề đó không được lâu... Anh quay sang vợ:
- Em thấy không, anh đoán đúng mà. Chị ấy có phong thái thật đặc biệt.
Tôi mỉm cười ngại ngùng trước lời khen tặng. Volodia hỏi:
- Chị có đoán ra tôi làm nghề gì không ?
Tôi mỉm cười tránh đi bối rối, ngại ngùng và không trả lời câu hỏi vì khách đi tàu hỏa thường là khách chi tiêu tiết kiệm. Nhưng Volodia không để ý tới thái độ của tôi, tự trả lời câu hỏi của mình:
- Я - настоящий бандит! (Tôi là kẻ cướp thứ thiệt).
Tôi giật mình nhìn anh, nhưng Volodia dường như ở đâu xa lắm. Anh kể, trước đây nhiều năm anh làm việc trong bóng tối, anh có vợ và đứa con trai hiện nay được 8 tuổi. Rồi anh vào tù. Ở ngoài băng đảng cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần.
Khi anh ra tù thì vợ và con anh đã sống cùng một gã cũng trong xã hội đen. Anh giận lắm, nghĩ rằng tự tay mình sẽ giết chết kẻ cướp vợ con. Nhưng không hiểu sao anh nghiến răng, mắm chặt môi rồi bỏ đi.
Anh đã gặp Gienia lúc đó, họ cùng nhau bữa đói bữa no, phải ngủ trên tấm nệm rách nát, bẩn thỉu trong căn nhà bỏ hoang. Không kiếm được việc làm, loay hoay mãi rồi anh cũng quay lại con đường cũ... Nhưng giờ anh chỉ kiểm soát việc buôn rượu...
Một ngày kia Volodia được tin vợ cũ bị đâm 16 nhát chết bi thảm, tình địch của anh vào tù. Anh đưa con về nuôi. Trong quá trình nuôi con, tình cảm phụ tử sống dậy trong anh. Tôi ngắt lời anh:
- Vậy hai đứa trẻ 14 tuổi và 10 ở đâu ra?
- Đó là con nuôi của Gienia. Cô ấy mồ côi bố mẹ sớm, đồng cảnh ngộ nên cô ấy trợ cấp cho 2 em trong trại mồ côi ăn học.
Khi anh đón con trai về nuôi, họ cũng làm thủ tục nhận các em này làm con nuôi. Nên gia đình của họ giờ có năm người, mặc dù hai người chưa có con chung.
Gienia mới 26 tuổi.
Anh kiếm ra tiền, họ mua một căn hộ để sống cùng các con. Từ khi sống trong một gia đình anh thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn. Bao nhiêu tiền kiếm được ngoài chi tiêu cho gia đình, họ còn giúp trại mồ côi, nơi các con họ lớn lên. Giờ Gienia đã là bà chủ của chuỗi cửa hàng sửa chữa quần áo với hơn hai chục điểm trải khắp thành phố.
Đây là lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài và họ đã chọn Việt Nam. Những ngày nghỉ ở Nha Trang họ được đắm chìm trong lòng hiếu khách, sự chân thành và bình dị của người dân nơi đây.
Không phải không có tiền đi máy bay nhưng anh đã chán các chuyến bay vội vã từ điểm này tới điểm kia nên họ chọn đi tàu hỏa để tận hưởng từng phút giây êm ả, thanh bình.
Anh nói họ thật sự may mắn khi 2 ngày ngắn ngủi họ đã hiểu thêm rất nhiều về chiến tranh, về đất nước và con người Việt Nam, rằng họ thật sự không muốn chia tay tôi. Họ cũng cám ơn tôi đã lắng nghe tâm sự của mình.
Họ muốn tôi hứa rằng nếu có dịp sang Nga tôi nhất định phải liên lạc với họ. Còn họ mong sớm trở lại đây cùng các con.
Trước khi họ lên tàu trở lại Nha Trang, theo đúng phong tục Nga, chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế đá, tôi ngồi giữa hai vợ chồng. Khoảnh khắc chia tay đến, họ ôm chặt tôi từ hai phía.
Tôi cảm thấy sức nặng và sự ấm áp từ họ đang truyền sang. Tôi nghẹn ngào vỗ về họ, chúc gia đình họ hạnh phúc và chúc họ sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho mọi người.
Ra về trong lòng thư thái. Tôi thầm nghĩ thật khó đoán một con người chỉ qua bề ngoài. Phải chăng tình yêu đôi lứa và tình yêu gia đình, tình yêu đồng loại đã làm nên sự thay đổi to lớn trong tính cách con người?
Hồ Mai Phương (Viết 1/2014, chỉnh sửa 6/2014)