Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra những câu hỏi về việc đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên trong giai đoạn 2011-2020 như: Đào tạo như thế nào, đào tạo bao nhiêu, nhu cầu xã hội về lao động, cần bao nhiêu nhân lực ở ngành nghề nào, quy hoạch nhân lực có gì đột phá?…
Tại hội nghị, các Bộ GD-ĐT, Bộ KH-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH đã đánh giá thực trạng, hạn chế và đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho Tây Nguyên.
Lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên cũng đã trình bày đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho các đề án đó.
Phát triển nguồn nhân lực là rất cần thiết cho Tây Nguyên hiện nay |
Báo cáo Định hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 của Bộ GD-ĐT đã chỉ ra những hạn chế của vùng: Tây Nguyên có dân hơn 5 triệu người nhưng mới có 3 trường đại học, 2 phân hiệu đại học, 9 trường cao đẳng và 17 trường TCCN. Tính bình quân hơn 1,7 triệu người mới có 1 trường đại hoc.
Trong khi đó, hơn 90% dân số từ 15 tuổi trở lên chưa qua đào tạo đại học, cao đẳng. Hàng năm, Bộ GD-ĐT đều tăng chỉ tiêu cho các trường trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, số sinh viên thực tuyển hàng năm của các trường nói chung không đạt được chỉ tiêu . Năm 2010, Trường Đại học Đà Lạt tuyển sinh chỉ đạt 62,5% chỉ tiêu đại học và cao đẳng được giao, Trường Đại học Tây Nguyên tuyển sinh chỉ đạt 87,4% chỉ tiêu được giao. Trường Đại học Yersin tuyển sinh chỉ đạt 29,9%. Một số trường cao đẳng tuyển sinh cũng không đạt được chỉ tiêu giao như Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum đạt 55%, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc đạt 48%. Bên cạnh đó, số sinh viên người dân tộc trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong vùng cũng không cao, chiếm không đến 10% trong các đại học Đà Lạt, Yersin.
Bộ GD-ĐT dự báo, dân số vùng Tây Nguyên đến năm 2020 vào khoảng gần 7 triệu người. Nếu tính bình quân 1 triệu người dân có 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp, thì đến năm 2020 cả vùng Tây Nguyên cần phải có 7 trường đại học, 14 - 15 trường cao đẳng và 28 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên do đặc thù kinh tế xã hội và thiên nhiên của vùng Tây Nguyên, không nhất thiết thành lập dàn trải các trường theo địa bàn tỉnh. Mặt khác do đội ngũ giảng viên các chuyên ngành đặc thù không thể tăng ngay theo yêu cầu của mỗi trường, vì vậy cần nghiên cứu sắp xếp hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên cùng 1 tỉnh cho hợp lý, khuyến khich các trường đại học đào tạo đa cấp, đa ngành để phát huy tối đa đội ngũ giảng viên, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị có trọng điểm. Tương tự, đối với cơ cấu ngành nghề cần tính toán không nên dàn trải để tỉnh nào cũng có trường văn hóa nghệ thuật, trường sư phạm, trường y, trường thể dục thể thao...
Thanh Hương