Tuyên bố của ông Harald Kujat được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bild của Đức hôm 16/3. Theo ông, những loại vũ khí của phương Tây, bao gồm cả tên lửa Taurus của Đức cũng không thể giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường.
"Chúng ta cần phải tuyệt đối hiểu rõ rằng: Không hề có vũ khí thần kỳ. Không một vũ khí nào, kể cả Taurus, có thể thay đổi cục diện trên chiến trường Ukraine và khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn, không thể đạt được mục tiêu của mình. Không một hệ thống nào có thể cung cấp được điều này", ông Harald Kujat nói.
Vị tướng này đồng thời cũng nhấn mạnh rằng cần tránh cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Lực lượng vũ trang Kiev vì Berlin sẽ không thể kiểm soát việc sử dụng chúng. Tướng Đức nói thêm rằng tấn công vào một số mục tiêu tại Nga bằng tên lửa này sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia cho Đức.
"Tôi hy vọng rằng Thủ tướng Olaf Scholz sẽ kiên định với quyết định của mình", ông Harald Kuyat kết luận.
Hôm 7/3, ông Olaf Scholz đã loại trừ việc cung cấp hệ thống vũ khí tầm xa Taurus cho Ukraine, bởi việc sử dụng hệ thống này cần có sự tham gia của quân đội Đức.
Ông khẳng định Đức không thể điều quân nhân đến Ukraine cùng tên lửa Taurus để hỗ trợ kỹ thuật và kiểm soát mục tiêu, tương tự cách Anh và Pháp đang áp dụng.
"Hành động này đồng nghĩa với trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào xung đột. Đó là điều bất khả thi", ông nói.
Ông Scholz cũng bác bỏ những chỉ trích xoay quanh quyết định từ chối chuyển giao tên lửa Taurus, nhấn mạnh rằng Đức là một trong những nước viện trợ nhiều vũ khí nhất cho Ukraine trong hơn hai năm xung đột.
Taurus là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500 km và có thể bay ở độ cao 30-70 m với tốc độ 1.100 km/h.
Tên lửa sử dụng đầu nổ kép MEPHISTO nặng 481 kg, có khả năng xuyên qua lớp đất hoặc bê tông dày trước khi kích nổ ở bên trong công trình ngầm của đối phương.
Mục tiêu chính của Taurus là hầm ngầm kiên cố, sở chỉ huy và liên lạc, sân bay, bến cảng, kho tàng vũ khí, tàu chiến và cơ sở hạ tầng.
Giới chuyên gia nhận định tầm bắn xa của tên lửa Taurus sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động tác chiến của lực lượng Ukraine nếu chúng được chuyển giao.
Kiev đã nhiều lần đề nghị Berlin chuyển giao tên lửa Taurus, song chưa được đáp ứng, dù Đức hiện là quốc gia đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về cam kết viện trợ vũ khí Ukraine.
Sức ép với Đức về cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine gia tăng sau khi Anh, Pháp năm ngoái chấp thuận viện trợ cho Kiev tên lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn 250-560 km tùy biến thể.
Loại tên lửa này đã được sử dụng để tập kích các mục tiêu quan trọng của Nga ở bán đảo Crimea, gần nhất là vụ phá hủy tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk của Moskva hồi tháng 12/2023.