Houthi vượt Mỹ về tên lửa siêu thanh

GD&TĐ - Theo Times of Israel, lực lượng Houthi đã vượt nhiều cường quốc quân sự khi vừa thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm trên Biển Đỏ.

Tên lửa đạn đạo trong lễ duyệt binh của lực lượng Houthi tại thủ đô Sanaa, Yemen hồi cuối năm 2023.
Tên lửa đạn đạo trong lễ duyệt binh của lực lượng Houthi tại thủ đô Sanaa, Yemen hồi cuối năm 2023.

Vũ khí gây kinh ngạc

Hãng thông tấn của Israel ngày 14/3 dẫn nguồn tin quân sự Houthi cho biết lực lượng vũ trang này đã thử nghiệm thành công tên lửa "có thể đạt vận tốc Mach 8 (khoảng 10.000 km/h) và sử dụng nhiên liệu dạng rắn".

Cùng với bắn thử thành công, lực lượng Houthi đã lên kế hoạch sản xuất loại vũ khí này "để tập kích trên Biển Đỏ, Biển Arab và Vịnh Aden cùng những mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel".

Lực lượng này cũng đã cải tiến các loại tên lửa và máy bay không người lái (UAV), điều chỉnh đầu đạn để tăng gấp đôi sức công phá. Quá trình thử nghiệm nâng cấp đã kéo dài ba tháng và đạt được rất nhiều thành công.

Lãnh đạo lực lượng Houthi, Abdul al-Houthi trước đó đã thông báo đang tìm cách phát triển vũ khí siêu vượt âm, khẳng định Houthi có đủ khả năng phát triển vũ khí "khiến Mỹ và Anh phải kinh ngạc".

Fabian Hinz, chuyên gia về tên lửa tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) của Anh, cho rằng Houthi có thể tiếp cận được công nghệ vũ khí siêu vượt âm qua Iran. Tuy nhiên, ông hoài nghi lực lượng tại Yemen đủ khả năng điều khiển chính xác vũ khí với tốc độ lớn như thế.

"Nếu thành công, Houthi có thể vượt qua nhiều cường quốc quân sự trên thế giới, trong đó có Mỹ trong lĩnh vực sản xuất và thử nghiệm tên lửa siêu thanh", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Iran từng tuyên bố họ đã làm chủ được công nghệ tên lửa siêu vượt âm. Hồi tháng 6/2023, nước này công bố thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm Fattah và đang phát triển một mẫu tên lửa khác với năng lực tương tự.

Khó khăn chồng chất

Giới quan sát cho rằng, ngay cả khi Houthi chưa sở hữu tên lửa siêu thanh thì nỗ lực tấn công nhằm làm suy yếu năng lực của lực lượng này từ Mỹ và Anh cũng đã rất khó thành.

"Xét riêng trên sức mạnh quân sự, Mỹ và các đồng minh sẽ không gặp vấn đề nào trong việc đánh bại Houthi, lực lượng đang tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ.

Tuy nhiên, sau nhiều đòn không kích của Mỹ, Houthi vẫn có thể tiếp tục phóng tên lửa, làm gián đoạn tuyến vận tải và chuỗi cung ứng toàn cầu qua Biển Đỏ", Michael Peck, biên tập viên tờ Business Insider, nhận định.

Theo Peck, Mỹ đã nhận ra họ có rất ít lựa chọn hiệu quả để ngăn Houthi tập kích tàu hàng. Các đợt tấn công liên tục của Mỹ và Anh, đôi khi đánh chìm xuồng cao tốc của Houthi, dường như không thể ngăn cản được hoạt động của lực lượng này.

"Houthi không phải lực lượng quân sự chính quy hùng hậu và họ cũng không cần trở thành như vậy. Houthi có ba lợi thế giúp tăng khả năng gây thiệt hại và khiến phương Tây gặp khó khăn trong ngăn chặn lực lượng này", Peck cho biết.

Lợi thế đầu tiên đến từ vị trí địa lý. Tuyến đường ngắn nhất cho tàu hàng từ châu Âu và bờ đông nước Mỹ tới Ấn Độ Dương và Đông Á là qua kênh đào Suez ở Ai Cập, nối giữa Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Theo ước tính, có tới 15% lượng hàng hóa trên thế giới đi qua tuyến đường này.

Vấn đề hiện nay không đến từ kênh đào Suez, thay vào đó là mối đe dọa từ các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng đi qua Biển Đỏ và eo biển Bab-el-Mandeb, giáp bờ tây của Yemen.

Eo biển này dài hơn 110 km và rộng hơn 30 km, nằm trọn trong tầm bắn của nhiều loại tên lửa diệt hạm, máy bay không người lái (UAV) và thậm chí là pháo tầm xa trên đất liền.

Lợi thế tiếp theo đến từ công nghệ vũ khí. Tên lửa diệt hạm có khả năng gây thiệt hại rất lớn và đủ đơn giản để một nhóm vũ trang có thể vận hành. UAV có giá rất rẻ và một phương tiện cỡ nhỏ cũng có thể gây thiệt hại cho một con tàu lớn.

Cuối cùng là lợi thế chính trị. Lực lượng Houthi tuyên bố chỉ tập kích các tàu của Israel để bày tỏ đoàn kết với người Palestine tại Dải Gaza, dù nhiều phương tiện không liên quan gì đến nước này.

Chuyên gia Mỹ cho rằng, dù Houthi không hoạt động theo chỉ đạo trực tiếp của Iran, họ vẫn có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tehran. Những hỗ trợ này không chỉ bao gồm vũ khí và tiền bạc, Iran còn có thể cung cấp cho Houthi thông tin về những phương tiện di chuyển trên Biển Đỏ.

Michael Peck nhấn mạnh, với những tiến bộ về công nghệ vũ khí và lợi thế nêu trên của Houthi khiến Mỹ và Anh đang phải thực hiện chiến dịch quân sự khó khăn nhất từ trước đến nay nhưng hiệu quả không thể nói trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.